Cách hành xử khó tin của Càn Long trong đám tang Hoàng hậu

Trần Quỳnh |

Trên danh nghĩa là "chính thất" của Hoàng đế xa xỉ nhất Thanh triều, nhưng vị Hoàng hậu này tới lúc qua đời vẫn phải nhận kết cục thê lương, bi thảm.

Từ tiểu thư danh môn tới ngôi vị mẫu nghi thiên hạ

Kế Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị sinh vào năm Khang Hi thứ 51 (1718), mất năm 1766, không rõ tên thật, là vị Hoàng hậu thứ hai của vua Càn Long.

Bà xuất thân từ gia tộc danh giá Ô Lạt Na Lạp thuộc Mãn quân Tương Hoàng Kỳ, phụ thân là Tá lĩnh Na Nhĩ Bố.

Sinh thời, Ô Lạt Na Lạp thị kém Càn Long Hoàng đế 7 tuổi, được Khang Hi ban hôn và tấn phong làm Trắc Phúc tấn (thấp hơn Phúc tấn, cao hơn các thê thiếp khác) khi Càn Long còn là Bảo Thân vương.

Cách hành xử khó tin của Càn Long trong đám tang Hoàng hậu - Ảnh 1.

Chân dung Kế Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị. (Tranh: nguồn internet).

Sau khi Càn Long lên ngôi, bà được tấn thăng làm Nhàn phi, tiếp đó là Nhàn Quý phi và được sắc phong Hoàng hậu sau khi Phú Sát thị qua đời.

Năm 1752, Ô Lạt Na Lạp thị sinh Thập nhị a ca Vĩnh Cơ. Năm 1756, bà tiếp tục sinh hạ Thập tam a ca Vĩnh Cảnh, nhưng vị Hoàng tử này yểu mệnh qua đời khi mới một tuổi.

Lúc bấy giờ, Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị được Càn Long hết mực sủng ái. Bà thường cùng Hoàng đế tới hành lễ tại Tông miếu, theo ông tuần du Tây Nam, ngao du Giang Nam.

Thiên ý khó dò, bất ngờ thất sủng

Tháng giêng năm Càn Long thứ 30 (1765), Hoàng đế tiến hành tuần du phía nam lần thứ tư. Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị cũng có tên trong danh sách những phi tần đi cùng.

Khi chuyến tuần du mới bắt đầu, mọi việc diễn ra hết sức thuận lợi. Càn Long còn ưu ái tổ chức sinh nhật lần thứ 48 cho Hoàng hậu rất mực linh đình.

Tới sáng ngày 18 tháng 12, đoàn người đi tới Hàng Châu, dừng chân ở thắng cảnh nơi đây để thưởng thức bữa sáng. Càn Long còn ban thưởng cho Hoàng hậu rất nhiều trân phẩm quý giá.

Nhưng tới bữa cơm chiều cùng ngày, Ô Lạt Na Lạp thị bất ngờ vắng mặt. Từ đó cho tới cuối chuyến tuần du, không ai còn thấy bóng dáng của bà.

Sau này, mọi người mới biết ngay sau bữa sáng ngày hôm đó, Hoàng đế đã bí mật phái Ngạch phò Phúc Long An đưa Hoàng hậu về Bắc Kinh bằng đường thủy.

Cách hành xử khó tin của Càn Long trong đám tang Hoàng hậu - Ảnh 2.

Sau khi "đuổi" Hoàng hậu về kinh, Càn Long vẫn tiếp tục chuyến đi tuần phía nam, nhưng không lâu sau đó đã hồi kinh. (Ảnh minh họa).

Khi trở về, việc đầu tiên Càn Long làm là ra lệnh thu hồi 4 sắc phong đã ban cho Ô Lạt Na Lạp thị trước đây, gồm có sắc phong của Hoàng hậu, Hoàng Quý phi, Nhàn Quý phi và Nhàn phi kim sách.

Tuy rằng không ban chiếu chỉ phế hậu, nhưng hành động này của Hoàng đế chẳng khác nào hủy bỏ tất cả mọi danh phận và quyền lợi của Ô Lạt Na Lạp thị.

Chưa dừng lại ở đó, Càn Long còn thể hiện thái độ "ghét ra mặt" đối với người vợ từng đầu gối tay ấp này. Ông cắt giảm số cung nữ theo hầu của Ô Lạt Na Lạp xuống chỉ còn 2 người. Theo quy định lúc bấy giờ, chỉ có phi tử địa vị thấp nhất mới sử dụng 2 cung nữ.

Hoàng hậu "hờ" và lễ tang "keo kiệt" nhất Thanh triều

Một năm sau khi bị Hoàng đế ghẻ lạnh, Ô Lạt Na Lạp thị buông tay trần thế trong sự tịch mịch và cô độc khi mới 49 tuổi. Khi qua đời, bên cạnh bà không có ai thân thích, chỉ có 2 cung nữ hầu cận.

Lúc bấy giờ, Càn Long đang cùng các đại thần đi săn thú. Khi nghe được hung tin, ông cũng không dừng buổi đi săn để trở về, mà chỉ sai con trai ruột của Hoàng hậu là Vĩnh Cơ hồi kinh chịu tang mẹ.

Khi Hiếu Hiền Hoàng hậu Phú Sát thị qua đời, Càn Long từng hạ lệnh cho "vương công quý tộc trong thành, quan tam phẩm trở lên cùng các Hoàng tử phải có mặt đầy đủ để thăm viếng."

Hiếu Hiền Hoàng hậu qua đời trong chuyến tuần du phía đông cùng Càn Long. Khi linh cữu của bà về tới kinh thành, Càn Long yêu cầu "quan tứ phẩm trở lên, công chúa, vương phi, mệnh phụ, tá lĩnh nội vụ phủ phải đến cổng Triều Dương, cổng Đông Hoa và Trữ Tú cung để nghênh đón."

Cách hành xử khó tin của Càn Long trong đám tang Hoàng hậu - Ảnh 3.

Phú Sát thị - vị Hoàng hậu tiền nhiệm của Ô Lạp Na Lạt thị được Càn Long tổ chức tang lễ vô cùng long trọng. (Tranh: nguồn internet).

Lúc bấy giờ, từ phi tần cho tới hoàng tử, công chúa đều phải để tang Phú Sát thị. Bách tính ngưng việc cưới hỏi trong vòng 27 ngày.

Trong kinh thành, "nam cấm đội mũ, nữ cấm đeo khuyên". Ngay tới Càn Long cũng mặc tang phục, không thiết triều 9 ngày. Vậy nhưng, tang lễ của vị Hoàng hậu thứ hai là Ô Lạt Na Lạp thị lại bị Càn Long cắt xén và keo kiệt tới mức khó tin.

Khi ấy, Càn Long chỉ đưa ra một đạo thánh chỉ, viết rằng: "Lễ nghi không tiện làm lớn như tang lễ của Hiếu Hiền Hoàng hậu. Tất cả mọi nghi thức cứ chiếu theo lễ tang cho Hoàng Quý phi mà làm."

Theo đó, tang lễ của Ô Lạt Na Lạp thị không được tổ chức theo nghi lễ cho Hoàng hậu mà bị giáng xuống một bậc.

Chiếu theo quy định, khi Hoàng Quý phi mất, mỗi ngày đều phải có đại thần, công chúa, mệnh phụ vào thăm viếng và hành lễ. Tuy nhiên lễ tang của Ô Lạt Na Lạp thị lại hoàn toàn bị cắt bỏ nghi thức này.

Bấy giờ, một sử gia đã cả gan cầu xin Càn Long tổ chức tang lễ xứng với địa vị của Ô Lạt Na Lạp Hoàng hậu. Hoàng đế ngay lập tức nổi trận lôi đình, đày người này ra biên cương.

Cũng theo lệ thường, Hoàng hậu phải được an táng chung với Hoàng đế. Nhưng mộ phần của Ô Lạt Na Lạp thị thậm chí không được tiến vào địa cung Dụ Lăng của Càn Long.

Bà chỉ được táng tại Phi Viên tẩm – nơi an nghỉ của các phi tần bình thường. Trong khi đó, địa cung Dụ Lăng từng chôn cất 2 vị Hoàng hậu và 3 Hoàng Quý phi.

Cách hành xử khó tin của Càn Long trong đám tang Hoàng hậu - Ảnh 4.

Trên thực tế, tang lễ của Càn Long tổ chức cho Ô Lạt Na Lạp thị còn không được như thánh chỉ ông ban ra. (Ảnh: nguồn internet).

Ngay tới các phi tần bình thường được an táng ở Phi Viên tẩm đều có địa cung riêng. Ô Lạt Na Lạp thị thân là Hoàng hậu, nhưng lại phải táng "nhờ" trong địa cung của Thuần Huệ Hoàng Quý phi, thậm chí còn được chôn ở gian phòng phụ như mộ phần cung nữ.

Chưa dừng lại ở đó, theo luật lệ Thanh triều, tất cả các thê thiếp từ hàng "phi" trở lên sau khi qua đời đều có bài vị và được thờ cúng trong tẩm điện. Những phi tần thấp hơn tuy không có bài vị nhưng đều được hưởng tế phẩm.

Chỉ riêng Ô Lạt Na Lạp thị khi mất không được lập bài vị, không được cúng tế, thậm chí không có thụy hiệu.

Từ "Kế" trong cách gọi không phải thụy hiệu của bà, mà có nghĩa là Hoàng hậu kế tiếp của hoàng đế. Bà được biết đến là hoàng hậu đầu tiên và duy nhất của nhà Thanh không được ban thụy hiệu sau khi qua đời.

Không kể tới các Hoàng hậu và phi tần khác, chỉ cần so sánh với lễ tang của thường dân cũng đủ để thấy Ô Lạt Na Lạp thị đến lúc qua đời vẫn phải chịu thiệt thòi.

Cho tới ngày nay, nguyên nhân Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị bỗng nhiên thất sủng vẫn còn là bí ẩn. Tuy nhiên, việc một Hoàng đế nổi tiếng xa xỉ như Càn Long lại keo kiệt tới khó hiểu trong đám tang vợ mình đã chứng tỏ ông không thừa nhận thân phận Hoàng hậu của Ô Lạt Na Lạp thị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại