Trận địa mộ giả lột tả bản chất gian hùng của Tào Tháo

Trần Quỳnh |

Nổi tiếng với tính cách đa nghi, Tào Tháo đã bày ra một "mê hồn trận" để giấu kín nơi an nghỉ cuối cùng của mình với hậu thế.

Sinh thời, Tào Tháo nổi danh với bản tính đa nghi, gian trá, thậm chí từng được mệnh danh là "đệ nhất gian hùng Tam Quốc".

Chính những tính cách "thâm căn cố đế" này trong con người của Tào Tháo đã khiến ông trở thành một trong những chính trị gia nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Bản chất "gian hùng" của Tào Tháo không chỉ được bộc lộ trên những đấu đá chính trường hay chiến trường, mà còn phản ánh thông qua việc lựa chọn cách thức chôn cất có một không hai.

Tung hỏa mù cho hậu thế bằng "mê hồn trận" mộ giả

Trong việc mai táng, Tào Tháo hành sự rất khác so với các bậc đế vương thuở trước. Ông chính là người đầu tiên đề xuất và khởi xướng phương thức "bạc táng" – chôn cất một cách đơn giản.

Nhiều người không khỏi thắc mắc, dù cả đời chưa xưng đế nhưng quyền lực của Tào Tháo cũng không thua kém bậc đế vương. Vậy vì sao ông lại lựa chọn cách thức yên nghỉ đơn giản như vậy?

Kỳ thực, điều này xuất phát từ bản tính đa nghi và tâm lý sợ bị quật mộ trong thâm tâm của chính trị gia họ Tào này.

Tương truyền rằng, khi chưa làm nên đại nghiệp, Tào Tháo từng có thời theo nghề trộm mộ. Chứng kiến nhiều thảm cảnh lăng mộ bị đào xới, thi cốt tung hành, một người có nhiều kẻ thù như Tào không khỏi lo lắng mình sẽ đi theo vết xe đổ của cổ nhân.

Bởi vậy, ông liền đề ra phương thức "bạc táng", có nghĩa là mai táng một cách đơn giản.

Trận địa mộ giả lột tả bản chất gian hùng của Tào Tháo - Ảnh 1.

Trăm ngàn năm qua đi, mộ tặc nhiều vô số kể, nhưng chưa ai thực sự phát hiện ra mộ thật của Tào Tháo. (Ảnh minh họa).

Chưa dừng lại ở đó, Tào Tháo còn áp dụng kế "nghi chủng" – xây nhiều mộ gió, mộ giả để tránh tai mắt của kẻ thù.

Nếu việc hạ táng đơn giản xuất phát từ tâm lý lo sợ, thì hành động xây hàng chục mộ giả lại phản ánh rõ nhất bản tính đa nghi làm nên "thương hiệu" muôn đời của Tào Tháo.

Sử cũ có ghi: Sau khi Tào Tháo qua đời, quan lại theo di mệnh của ông, chuẩn bị tới 72 cỗ quan tài, từ hướng Đông, Tây, Nam và Bắc cùng một lúc được khênh ra các cổng thành. Dân trong thành, thậm chí lính khênh quan tài cũng không hề hay biết đâu là quan tài thật hay mộ thật.

Nhiều người cho rằng, con số 72 ngôi mộ này thực chất là "mê hồn trận" Tào Tháo bày ra cho đời sau. Là một người túc trí, lại đa nghi có tiếng, Tào Tháo không thể không nghĩ tới khả năng hậu thế sẽ có thể đào hết hàng chục ngôi mộ này.

Bởi vậy, rất có thể 72 ngôi mộ ấy đều trống rỗng, còn thi thể của Tào Tháo đã được bí mật chôn cất ở nơi khác.

Thách thức muôn thuở của Tào Tháo để lại cho đời sau

Vào thời kỳ Trung Quốc xảy ra hỗn chiến với quân phiệt, một thương nhân của công ty Đông Ấn đã thuê công nhân đào bới liên tục 10 ngôi mộ được nghi là của Tào Tháo, nhưng chỉ thu được gốm sứ, gạch ngói.

Năm 1988, Nhân Dân nhật báo đăng tải bài viết với tiêu đề "Vén màn bí ẩn 72 ngôi mộ cổ của Tào Tháo", trong đó có đoạn:

"Ở tỉnh Hà Bắc có một quần thể mộ cổ. Vì thế nhiều người tưởng rằng Tào Tháo từng xây 72 ngôi mộ ở Hà Bắc. Nhưng Quốc vụ viện Trung Quốc đã quy hoạch nơi đây là điểm văn hóa quan trọng cần bảo vệ.

Hơn nữa, căn cứ vào đặc điểm mộ cổ theo quần thể thời bấy giờ, số mộ nơi đây là 134 chứ không phải 72!"

Bài thơ "Đồng Tước đài" của Lưu Đình Kỳ có đôi câu:

"Đồng Tước cung quán ủy hôi trần

Ngụy chi viên lăng Chương thủy tân"

(Cung điện nơi đài Đồng Tước đã phủ đầy bụi

Viên lăng của Ngụy chủ ở bên bờ sông Chương).

Dựa vào đây, nhiều người suy đoán mộ thật của Tào Tháo năm ở đáy sông Chương.

Trong khi đó, cuốn "Chương Đức phủ chỉ" lại khẳng định lăng của Ngụy Vũ Đế Tào Tháo nằm tại thôn Linh Chi, phía nam Đồng Tước đài 5000m.

Trận địa mộ giả lột tả bản chất gian hùng của Tào Tháo - Ảnh 2.

Nơi an nghỉ thực sự của "đệ nhất gian hùng Tam Quốc" đến nay vẫn là một bí ẩn gây nhiều tranh cãi. (Tranh minh họa).

Một giả thuyết khác lại cho rằng, mộ thật của Tào Tháo nằm ở "Tào gia cô đôi" thuộc huyện Tiều – quê cũ của Tào. Cuốn "Ngụy thư" trong chương "Văn Đế" (chương viết về Tào Phi – con Tào Tháo) có đoạn:

"Năm Giáp Ngọ (220), mở tiệc chiêu đãi quân lính và dân chúng ở Ấp Đông (thuộc huyện Tiều)."

"Bặc Châu chí" cũng ghi chép: "Văn Đế đến huyện Tiều, thết đãi phụ lão nơi đây. Lập đàn trước nhà lập bia gọi là thết đãi lớn."

Trong khi đó, Tào Tháo mất vào tháng giêng năm Giáp Ngọ, chôn cất ngay trong ngày thứ 2. Những hành động trên của Tào Phi diễn ra vào năm Giáp Ngọ khiến nhiều người không khỏi suy đoán Văn Đế đưa cha về an táng tại quê cũ.

Chưa dừng lại ở đó, "Ngụy thư" cũng từng đề cập: "Năm Bính Thân, Tào Phi đích thân đến tế ở Lăng Tiều."

Lăng Tiều chính là "Cô đôi Tào gia" – địa điểm cách Thành Đông 20km. Nơi đây là quê gốc của họ Tào, là nơi Tào Tháo khởi nghiệp, Tào Phi ra đời.

Điều này càng khiến nhiều người tin tưởng rằng Văn Đế Tào Phi thường xuyên về thăm quê cũ để cúng bái, tưởng niệm mộ cha mình. Tuy nhiên, những giả thiết kể trên tới nay vẫn chỉ là suy đoán.

Năm 2008, một nhóm nhà khoa học đã bắt đầu tiến hành khai quật khu mộ được cho là đã 1800 năm tuổi tại An Dương, Hà Nam. Khu mộ có diện tích lên tới 740m2, quá trình khai quật thu được 250 đồ vật bằng vàng, bạc, gốm và một vài mẫu xương.

Trận địa mộ giả lột tả bản chất gian hùng của Tào Tháo - Ảnh 3.

Ngôi mộ được cho là của Tào Tháo tại thôn Tây Cao Huyệt, xã An Phong, huyện An Dương, tỉnh Hà Nam (bên trái) và di vật được tìm thấy tại đây. (Ảnh: nguồn internet).

Phát hiện này đã khiến giới khảo cổ Trung Quốc dậy sóng. Nhiều người tin rằng đây là ngôi mộ của Ngụy Vũ Đế Tào Tháo. Một số khác lại khẳng định những mẫu vật được tìm thấy tại đây không đủ thuyết phục.

Việc xét nghiệm AND bất thành lại càng khiến cuộc tranh luận giữa hai luồng ý kiến trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.

Cho tới ngày nay, những tranh cãi về "mộ giả – mộ thật" của Tào Tháo vẫn chưa đi đến hồi kết, mộ thật của chính trị gia họ Tào này vẫn còn là một bí ẩn.

Vậy mới thấy, bản tính gian hùng và sự túc trí đa mưu của Tào Tháo không chỉ thách thức những đối thủ cùng thời, mà còn để lại cho hậu thế một câu hỏi lớn chưa có lời giải.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại