Hơn kém nhau chỉ một chữ, Tào Tháo muôn đời bị xếp sau Lưu Bị

Trần Quỳnh |

Ngày nay, "cuộc đấu" giữa Lưu Bị và Tào Tháo không còn là cuộc đấu phân tranh thiên hạ, mà là cuộc chiến tranh giành danh hiệu "anh hùng".

Thời kỳ Tam Quốc, Lưu Bị và Tào Tháo là người cầm đầu hai tập đoàn chính trị là Thục Hán và Tào Ngụy. Sinh thời, họ từng là những người đứng trên hai đầu chiến tuyến, cùng nhau tranh giành thiên hạ.

Vậy nhưng, ngay cả khi lịch sử đã lùi vào quá khứ, cuộc đấu giữa hai nhân vật lẫy lừng này vẫn chưa đi đến hồi kết.

Cuộc đấu ngàn năm để tranh giành danh hiệu "dòng chính thống"

Nhìn lại dòng chảy lịch sử của phong kiến Trung Hoa, ta có thể dễ dàng nhận thấy: Lưu Bị và nhà Thục Hán giành chiến thắng áp đảo so với phe Tào Ngụy trong cuộc chạy đua trở thành "dòng chính thống".

Từ thời Đông Tấn, giai cấp thống trị đã lựa chọn nhà Thục Hán làm dòng chính thống. Bởi vậy, Lưu Bị nghiễm nhiên được công nhận là "đế vương", tập đoàn chính trị của ông cũng được thừa nhận như một vương triều chính thức.

Hơn kém nhau chỉ một chữ, Tào Tháo muôn đời bị xếp sau Lưu Bị - Ảnh 1.

Từ đó tới mấy trăm năm trở về sau, cuộc chiến tranh giành danh hiệu "dòng chính thống" của Thục – Ngụy vẫn liên tục diễn ra. (Ảnh minh họa).

Đến thời nhà Tống, làn gió nghiên cứu lịch sử nổi lên mạnh mẽ. Lịch sử Tam Quốc cũng trở thành một chủ đề gây nên nhiều tranh cãi đối với giới văn nhân, trí thức lúc bấy giờ.

Sau cùng, học thuyết Lý học của Chu Hi chiếm thế thượng phong. Nhà "Thục" lại tiếp tục được coi là "đế" (vua), quân Tào trở thành "tặc" (giặc). Việc tập đoàn Tôn – Lưu soán ngôi Tào được coi là "kết cục đã định".

Đến thời Nguyên – Minh – Thanh, các sử gia cũng dựa vào quan điểm "Đế Thục khấu Ngụy" (nhà Thục là vua, nhà Ngụy là giặc) để viết sử. Theo đó, muốn tôn vinh Lưu, ắt phải hạ bệ Tào.

Tào Tháo – tài đủ đường, chỉ thiếu chữ "nhân"

Tào Tháo là một nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử Trung Quốc. Trong lịch sử, ông "thua đau" Lưu Bị khi không được công nhận là "dòng chính thống". Trong thi ca, nghệ thuật, hình tượng của Tào luôn là kẻ gian hùng, đa nghi, xảo quyệt.

Lật lại vụ án oan ngàn năm về thanh danh của Tào Tháo, các sử gia hiện đại đã đặt Tào và Lưu để so sánh một cách công bằng. Vậy nhưng, mặc dù "ăn đứt" đối thủ về mưu lược, tài năng, nhưng Tào Tháo vẫn luôn Lưu Bị chỉ vì thiếu một chữ – "nhân"!

Luận về mưu lược, Tào Tháo được xem như gian hùng thời loạn. Ông sở hữu bộ óc đầy mưu lược của một chính trị gia đại tài, là người soán ngôi nhà Hán, đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở phía Bắc Trung Hoa.

Ông cũng là người lập nên chính quyền Tào Ngụy, dẹp loạn Hoàng Cân, Đổng Trác, thu thập nhiều anh tài thiên hạ như Điển Vi, Hạ Hầu Đôn, Quách Gia, Tuân Úc…

Cùng với Kiến An Thất Tử, Tào Tháo cũng là một trong những thi nhân tài năng vào giai đoạn cuối thời Đông Hán, đầu thời Tam Quốc. Ngày nay, vẫn còn 20 bài thơ của ông được lưu lại cho hậu thế với những dấu ấn riêng vô cùng độc đáo.

Hơn kém nhau chỉ một chữ, Tào Tháo muôn đời bị xếp sau Lưu Bị - Ảnh 2.

Sở hữu văn võ toàn tài, nhưng Tào Tháo lại bị Lưu Bị "đánh bại" về danh tiếng bởi sự thua kém về lòng nhân đạo. (Ảnh: nguồn internet).

Trong mục "Võ Đế kỷ" của "Tam Quốc chí", Trần Thọ từng ghi lại: phụ thân của Tháo bị giết hại ở Từ Châu. Tháo đoán là Đào Khiêm là, liền xuất binh đánh Từ Châu, giết hại rất nhiều người vô tội.

La Quán Trung trong "Tam Quốc diễn nghĩa" cũng từng miêu tả về cuộc tàn sát đẫm máu này bằng mấy chữ: "nơi nào đi qua, chó gà cũng không tha".

Theo một số nguồn sử liệu, số người bị Tào Tháo giết trong cuộc chiến ở Từ Châu ít nhất cũng phải lên tới con số hàng vạn.

Chưa dừng lại ở đó, Tào Tháo còn có nhiều "tật xấu" mà hậu thế đã nhớ mặt đặt tên, có thể kể tới như sở thích "cướp vợ thiên hạ", đa nghi, háo sắc…

Suy cho cùng, những tật xấu ấy cũng xuất phát từ việc coi nhẹ chữ "nhân" trong thái độ làm người của Tào Tháo.

Lưu Bị - thắng cũng nhờ một chữ "nhân"

Luận mưu lược, văn võ, Lưu Bị quả thật thua xa đối thủ họ Tào. Nhưng xét về lòng nhân đạo, Lưu Bị xứng đáng với danh hiệu anh hùng, xứng đáng làm đế vương nhờ tấm lòng yêu thương bách tính, quảng đại, đức độ.

Trong "Tam Quốc chí", Trần Thọ từng có lời khen cho vị quân chủ họ Lưu này:

"Tiên chủ (chỉ Lưu Bị) là người khoan hồng, đức độ, có lòng tri nhân đãi sĩ, có phong phạm của Cao Tổ, là bậc anh hùng."

Chính Tào Tháo đã thừa nhận mà nói với Lưu Bị rằng : "Anh hùng trong thiên hạ chỉ có ta và sứ quân mà thôi" khiến Lưu Bị giật mình đánh rơi đũa.

Điều đó chứng tỏ đến một nhân vật đa nghi, cầm quân mưu lược như Tháo cũng phải nể phục Lưu Bị.

Xét về những yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, Lưu Bị là vị quân chủ thiệt thòi nhất so với Tôn Quyền, Tào Tháo. Ông gây dựng đại nghiệp từ con số không (không tài chính, không căn cứ địa), sau lưng bị kẻ thù đuổi giết, khốn khổ đến nỗi phải bỏ cả thê tử.

Hơn kém nhau chỉ một chữ, Tào Tháo muôn đời bị xếp sau Lưu Bị - Ảnh 3.

Dùng chữ "nhân" làm tôn chỉ của suy nghĩ và hành động, Lưu Bị đã gây dựng nên đế nghiệp được hậu thế chính thức thừa nhận. (Tranh minh họa).

Lưu Bị có một ưu điểm mà Tào Tháo mãi mãi "đuổi không kịp" – đến nơi nào cũng làm việc ân đức, thu phục lòng người.

Không những không lạm sát người vô tội, Lưu Bị còn hết lòng "chiêu hiền đãi sĩ", hậu đãi với tướng lĩnh, sĩ phu.

Tư tưởng quan trọng nhất của Nho gia chính là lòng nhân ái, mà tác phong của Lưu Bị thể hiện trọn vẹn đạo lý ngàn đời này.

Bởi vậy, mặc dù ở các phương diện khác, Lưu Bị chưa hẳn là người xuất sắc nhất, nhưng ông xứng đáng với danh xưng anh hùng, xứng đáng được hậu thế tôn sùng, trọng vọng.

Nếu xét dưới góc độ tài trí mưu lược Tào Tháo xứng đáng được đánh giá ở vị trí đầu tiên. Nhưng chỉ nhờ một chữ "nhân" này, hậu thế muôn đời đem Lưu Bị xếp trên Tào Tháo một bậc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại