Kỷ Hiểu Lam cả đời bị Càn Long "dìm hàng" vì... quá xấu

Trần Quỳnh |

Dù rất có tài nhưng nghiệp làm quan của Kỷ Hiểu Lam dưới thời Càn Long hết sức thăng trầm. Nguyên nhân khiến nhiều người ngưỡng mộ ông qua phim ảnh cũng phải bất ngờ.

Ngoại hình "quý tướng" hay xấu xí?

Kỷ Hiểu Lam (1726 – 1805) tự là Văn Đạt, người huyện Trực Đại Hiến (Hà Bắc – Trung Quốc), là học giả, văn nhân, thi nhân nổi tiếng của Thanh triều.

Năm 24 tuổi, Kỷ Hiểu Lam đỗ đầu kỳ thi Hương, 31 tuổi thành tiến sĩ, sau làm việc ở Hàn Lâm Viện.

Sinh thời, vị quan họ Kỷ nổi tiếng trong thiên hạ là người phong lưu tuấn tú, tài hoa phong nhã. Nhưng ít ai biết rằng, vị tài tử ấy thực chất lại sở hữu ngoại hình xấu xí đến nỗi bị Càn Long chán ghét.

Trong dân gian, Kỷ Hiểu Lam hiện lên như một người cả đời phóng khoáng, anh tuấn, tài hoa xuất chúng, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật. 

Kỷ Hiểu Lam cả đời bị Càn Long dìm hàng vì... quá xấu - Ảnh 1.

Hình tượng Kỷ Hiểu Lam tuấn tú trong phim đã lột tả chưa đúng ngoại hình thật của nhân vật lịch sử. (Ảnh: nguồn internet).

Cũng có giai thoại cho rằng, Kỷ Hiểu Lam kỳ thực không được anh tuấn như vậy, nhưng cũng có ngoại hình được xếp vào hàng "quý tướng".

Tương truyền rằng, đời vua Khang Hi nhà Thanh có đại văn hào tên Kỷ Hiểu Lam, tài cao học rộng, giàu sang phú quý, tiếng tăm lừng lẫy, nhưng tướng mạo lại hết sức tầm thường.

Lúc bấy giờ có một vị thầy tướng hết sức băn khoăn về trường hợp của vị quan họ Kỷ. Theo ông ta, xưa này nào có chuyện người có tướng hành khất mà lại thành đại thần?

Thầy tướng này bèn thay tên đổi họ, tìm cách tiếp cận Kỷ Hiểu Lam bằng việc trà trộn vào Kỷ phủ làm người hầu.

Kỷ Hiểu Lam cả đời bị Càn Long dìm hàng vì... quá xấu - Ảnh 2.

Vận mệnh trái ngược với ngoại hình từng khiến Kỷ Hiểu Lam trở thành câu đố đối với các bậc thầy tướng số đương thời. (Tranh: nguồn baike).

Vào một buổi chiều gần giờ lên đèn, Kỷ Hiểu Lam ngồi trong thư phòng. Trời nhá nhem tối, nhưng vị thầy tướng nọ thấy đôi mắt của ông vẫn sáng lên một cách kỳ lạ, thậm chí không cần thắp đèn mà vẫn đọc được sách.

Thầy tướng mới vô tình thốt lên: "Thì ra là quý tướng!" Lúc bấy giờ, Kỷ Hiểu Lam liền quay mặt lại, mặt ông vòng ra đằng sau, mắt có thể tự nhìn thấy lưng mình.

Thầy tướng vội xin tha tội rồi giải thích:

"Đại nhân có hai dị tướng, một là nhãn hữu quang thái, mắt phát ra ánh sáng, hai là nhãn năng phản cổ kỳ bối, quay mắt lại có thể nhìn thấy lưng. Cả hai thuộc cách cục long hình, mười độc một thanh đại quý tướng."

Vậy nhưng, thứ "quý tướng" này lại khiến cho cuộc đời làm quan của Kỷ Hiểu Lam hết sức thăng trầm.

Cả đời thăng trầm cũng vì... không đẹp

Theo sử sách ghi chép lại, Kỷ Hiểu Lam sở hữu ngoại hình "mạo tẩm đoản thị". Trong đó, "tẩm" là từ dùng để chỉ tướng mạo xấu xí. "Đoản thị" là cách gọi khác của mắt cận.

Không chỉ vậy, vị quan họ Kỷ này còn mắc tật nói lắp. Chính những đặc điểm sinh lý khiếm khuyết trên đã khiến Càn Long cả đời "bằng mặt không bằng lòng" với Kỷ Hiểu Lam. Điều này cũng khiến cho ông không được Hoàng đế quá tín nhiệm.

Kỷ Hiểu Lam cả đời bị Càn Long dìm hàng vì... quá xấu - Ảnh 3.

Ngoại hình chính là rào cản trên quan lộ của Kỷ Hiểu Lam. (Tranh: nguồn internet).

Vận mệnh quan trường của Kỷ Hiểu Lam hoàn toàn do Càn Long nắm giữ. Nổi tiếng là bậc minh chủ, nhưng vị Hoàng đế này từ lại sở hữu kha khá những sở thích và tiêu chuẩn khác người.

Theo đó, Càn Long lúc sinh thời chỉ thích những người tỉnh táo, nhanh nhẹn, thông minh, giỏi giang, và đặc biệt là phải sở hữu ngoại hình trẻ đẹp.

Những sủng thần, trọng thần của ông như Hòa Thân, Vương Kiệt, Vu Mẫn Trung, Lương Quốc Trì đều từng là những "mỹ nam tử" nổi tiếng một thời.

Bởi vậy, ngay cả khi sở hữu tài năng hơn người, Kỷ Hiểu Lam vẫn phải "chào thua" tiêu chuẩn về ngoại hình của Hoàng đế.

Dưới thời Càn Long tại vị, Kỷ Hiểu Lam từng làm chủ khảo của 2 lần thi Hương, 6 lần thi Hội, ba lần đảm nhiệm chức Lễ bộ Thượng thư. Trên thực tế, các chức quan này đều ít thực quyền, chỉ mang tính chất "bài trí" trong triều đình.

Kỷ Hiểu Lam cả đời bị Càn Long dìm hàng vì... quá xấu - Ảnh 4.

Ngoại hình không đẹp chính là một trong những lý do khiến Kỷ Hiểu Lam "không vừa mắt" Càn Long. (Ảnh minh họa).

Có lần, Càn Long phái Kỷ Hiểu Làm tới Đô sát viện để xử án. Do không hoàn thành nhiệm vụ, Kỷ Hiểu Lam đáng lẽ phải chịu phạt. Nhưng Càn Long lại nói:

"Lần này phái Kỷ Hiểu Lam tới, hắn vốn chỉ là tên mọt sách, nên ta chỉ có thể trách mắng hắn mà thôi. Hắn không quen chuyện xử án, lại cận thị, phạm sai lầm cũng có thể hiểu được."

Điều này có thể thấy trong thâm tâm Càn Long không thực sự sủng ái hay trọng dụng Kỷ Hiểu Lam, đồng thời còn có thái độ coi thường ngoại hình của vị quan này.

Trong cuộc đời làm quan của mình, Kỷ Hiểu Lam từng bị vướng vào vụ án "tiết lộ bị mật" khiến ông bị điều tới vùng biên ải Ô Lỗ Mộc Tề mấy năm. Sau này, Càn Long cần người biên soạn sách nên mới gọi ông về.

Nhiều lần đảm nhiệm chức vị Tổng biên soạn, Tả thứ tử, Binh bộ Thị lang, Tả đô Ngự sử, Lễ bộ Thị lang… nhưng khi nhắc tới nghiệp làm quan của mình, Kỷ Hiểu Lam vẫn không khỏi thở dài cảm thán:

"Phù trầm hoạn hải như âu điểu", ý nói nghiệp làm quan thăng trầm như cuộc đời mòng biển.

Ngay cả khi sở hữu tài năng xuất chúng và công lao to lớn, nhưng do rào cản về ngoại hình, Kỷ Hiểu Lam cả đời chỉ có thể làm cận thần của Càn Long chứ không phải sủng thần, trọng thần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại