"Vạ miệng", sử gia trứ danh TQ Tư Mã Thiên bị thiến như hoạn quan

Trần Quỳnh |

Tiếng thơm vang mãi đến ngàn đời sau nhưng sử gia trứ danh của Trung Quốc Tư Mã Thiên đã phải trải qua những năm cuối đời trong bi kịch khó tin.

Cách đây hơn 2000 năm, dưới thời nhà Tây Hán, Trung Hoa có một vị quan chép sử vô cùng lỗi lạc. Đó không ai khác chính là Tư Mã Thiên – tác giả của "Sử ký".

Nhờ những đóng góp to lớn của mình, Tư Mã Thiên từng được mệnh danh là "ông tổ của nghề chép sử", thậm chí còn được ví von là "sử gia sải bước qua nhiều thời đại".

Nhưng ít ai biết rằng, vị sử gia lừng danh ấy lại là cái gai trong mắt Hoàng đế lúc bấy giờ, thậm chí bị biến thành thái giám chỉ vì… "vạ miệng".

"Ông tổ" của nghề chép sử Trung Hoa

Tư Mã Thiên tự là Tử Thường (145 – 87 TCN), vốn là người huyện Long Môn (Hán Thành – Thiểm Tây – Trung Quốc) vào đời Hán Vũ Đế. Phụ thân ông là nhà văn nổi danh Tư Mã Đàm – người từng giữ chức Thái sử trong triều đình nhà Hán.

Tư Mã Thiên từ sớm đã bộc lộ vẻ thông minh trời phú, lại chuyên cần, chăm chỉ. Năm lên 10 tuổi, ông đã tinh thông cổ văn, tới năm 20 tuổi liền đi chu du khắp nước để nghiên cứu văn hóa, phong tục, địa lý, mở mang kiến thức về vùng miền.

Vạ miệng, sử gia trứ danh TQ Tư Mã Thiên bị thiến như hoạn quan - Ảnh 1.

Tư Mã Thiên từ sớm đã bộc lộ tài năng hơn người. (Tranh minh họa).

Năm 108 TCN, Tư Mã Đàm qua đời. Người cha này trước khi mất có để lại di huấn cho Tư Mã Thiên:

"Nếu cha có qua đời, con hãy nối tiếp chí cha để tâm vào việc soạn sử. Cái đạo hiếu của con người là phải thờ vua, thờ cha nhưng việc trọng yếu lớn hơn là phải làm một việc gì có ích cho đời, sau để cho cha mẹ được tiếng thơm lây ..."

Trước đó, Tư Mã Thiên từng giữ chức Lang trung (hầu cận của vua). Sau này, ông nối chức Thái sử của cha mình, bắt đầu sắp xếp tài liệu và chuẩn bị cho công việc biên soạn "Sử ký".

Tai họa bắt nguồn từ... "vạ miệng"

Sinh thời, Tư Mã Thiên không mấy thân thiết với Tướng quân Lý Lăng. Theo như lời của ông, thì mối quan hệ với Lý Lăng chỉ đơn giản là "đều ở dưới môn hạ chúa thượng, vốn cũng không quen thân nhau, chí hướng khác nhau, chưa từng nâng chén rượu, vui vẻ ân cần."

Vậy nhưng, vị tướng quân này lại trở thành nguyên nhân chủ yếu khiến Tư Mã Thiên phải trở thành thái giám và sống trong khuất nhục tới lúc cuối đời.

Vạ miệng, sử gia trứ danh TQ Tư Mã Thiên bị thiến như hoạn quan - Ảnh 2.

Chân dung Hán Vũ Đế - ngươi coi Tư Mã Thiên như cái gai trong mắt. (Tranh minh họa).

Lúc bấy giờ, Hán triều đối mặt với sự xâm lấn của tộc Hung Nô ở vùng biên cương. Hán Vũ Đế trước tiên sai anh rể là Lý Quảng Lợi dẫn đầu đoàn quân chủ lực tiến đánh Hung Nô.

Tiếc thay thế địch quá mạnh, Lý Quảng Lợi bị bao vây, phải gửi viện binh về cầu cứu. Vũ Đế lại sai Lý Lăng dẫn đầu 5000 quân chi viện để giải cứu anh rể.

Con số 5000 này so với 8 vạn binh của Hung Nô chẳng khác nào lấy trứng chọi đá. Sau khi giải cứu thành công Lý Quảng Lợi, tới lượt Lý Lăng rơi vào tay địch.

Để bảo toàn lực lượng và chờ thời cơ, Lý Lăng thực hiện kế hoãn binh, vờ quy hàng Hung Nô. Chủ tướng của quân địch thấy vị tướng này khí chất hơn người, liền ngỏ ý muốn gả con gái cho Lý Lăng.

Tin này vừa về tới triều đình, Lý Lăng lập tức bị vu vạ trở thành phản đồ. Hán Vũ Đế hạ lệnh tru di cửu tộc nhà họ Lý. Quan lại trong triều ai ai cũng hùa theo ý Thiên tử, chẳng xét đúng sai, đổ mọi tội lỗi cho Lý Lăng, phủ sạch mọi công lao của Lý gia từ khi lập quốc.

Lúc bấy giờ, chỉ có mình Thái sử Tư Mã Thiên là lên thanh minh cho nỗi oan của vị tướng họ Lý.

Theo Tư Mã Thiên, "thân Lăng (chỉ Lý Lăng) tuy hãm vào cảnh thất bại nhưng xem ý ông ta là muốn lập công để báo ơn nhà Hán. Việc đã đành như thế rồi nhưng kể công đánh bại quân địch của ông ta, cũng đủ tỏ với thiên hạ."

Hán Vũ Đế thấy vậy, cho rằng Tư Mã Thiên biện hộ cho Lý Lăng là có ý chê trách Lý Quảng Lợi (Lý Quảng Lợi là em sủng phi của Hán Vũ Đế), liền nổi giận : "Nhà ngươi dám bao che cho kẻ đã đầu hàng kẻ địch, chẳng phải là có ý chống lại triều đình?"

Vạ miệng, sử gia trứ danh TQ Tư Mã Thiên bị thiến như hoạn quan - Ảnh 3.

Chỉ vì một lời nói bênh vực Lý Lăng, Tư Mã Thiên bị Hán Vũ Đế tống ngục, giao cho đình úy thẩm vấn.

Thân là một quan chép sử trung thành với sự thật, bản thân Tư Mã Thiên từng nhiều lần thẳng tay vung bút ghi lại những tật xấu của nhà vua, khiến Vũ Đế từ sớm đã không vừa mắt. Bởi vậy, vụ việc của Lý Lăng trở thành một cái cớ hoàn hảo để Vũ Đế "xử đẹp" vị quan này.

Bị khép vào tội "coi thường nhà vua", Tư Mã Thiên vốn phải nhận án tử hình. Ông chỉ có đường sống nếu như đủ tiền chuộc mạng hoặc chịu án cung hình (thiến).

Chưa hoàn thành di huấn của người cha năm xưa, Tư Mã Thiên không đành lòng chịu chết. Nhưng tiền bạc trong nhà xoay sở thế nào cũng không đủ, ông đành phải chịu án cung hình.

Chết thảm trong ngục vì "đụng chạm" Hoàng đế

Vì di huấn của cha và cũng vì khát khao lưu lại thành tựu cho hậu thế, vị quan chép sử này can đảm nhận lấy hình phạt, kiên nhẫn nằm trong ngục tù, dùng những ngày tháng sau đó để hoàn thành tác phẩm để đời là "Sử ký".

Nhưng ngay cả khi đã bị tước đi quyền lợi của một người đàn ông, sử gia tài ba này vẫn bị Hán Vũ Đế tìm cách hạch sách.

Vạ miệng, sử gia trứ danh TQ Tư Mã Thiên bị thiến như hoạn quan - Ảnh 4.

Trở thành một thái giám là điều sỉ nhục ghê gớm đối với tài năng và lòng tự trọng của Tư Mã Thiên. (Ảnh minh họa).

Trong "thư trả lời Nhâm An", Tư Mã Thiên từng đề cập tới "chúa thượng" – tức Hán Vũ Đế:

"Ông cha tôi không có công được chẻ phù phong tước, viết chữ son để lại, nghề viết văn, viết sử, xem sao, xem lịch thì cũng gần với bọn thầy bói thầy cúng. Chúa thượng vẫn đùa bỡn, nuôi như bọn con hát, còn thế lực thì vẫn coi thường ."

Hán Vũ Đế vin vào bức thư này, cho rằng Tư Mã Thiên có ý hạ thấp Thiên tử, cố ý khép ông vào tội đại nghịch bất đạo. Tư Mã Thiên bị nhà vua bỏ ngục lần thứ hai, chịu đủ mọi nhục hình rồi qua đời trong lao tù.

Cho tới nay, người ta vẫn không rõ Tư Mã Thiên qua đời năm nào. Chỉ biết rằng, bút tích cuối của ông là "thư trả lời Nhâm An" được viết vào năm sử gia này 53 tuổi.

Theo Vương Quốc Duy trong "Thái sử công hành niên khảo", Tư Mã Thiên qua đời ở độ tuổi 60.

Là một nhân tài lỗi lạc với những cống hiến để đời cho hậu thế, nhưng Tư Mã Thiên cuối cùng vẫn phải nhận một kết cục bi thảm chỉ vì "không vừa mắt Hoàng đế".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại