Tiêm kích MiG-29 chính thức hết cơ hội được Việt Nam lựa chọn?

Hải Dương |

Những tai tiếng xảy ra liên tiếp với các phiên bản MiG-29 Fulcrum đã khiến cho tương lai của dòng tiêm kích này trở nên thật u ám!

Tạp chí quốc phòng IHS Jane's của Anh mới đây cho biết, Hải quân Ấn Độ đã phàn nàn rất nhiều về chất lượng lô hàng 45 máy bay tiêm kích hạm MiG-29K/KUB mua từ Nga.

Cụ thể, động cơ RD-33MK có hiệu suất hoạt động không được như quảng cáo, hệ thống kiểm soát bay tồn tại nhiều vấn đề "chết người", thời gian bảo trì tăng gấp hơn 2 lần (từ 15,93% lên đến 37,63% với MiG-29K và 21,20% lên đến 47,14% với MiG-29KUB) dẫn tới đội chi phí khai thác cũng như làm giảm tuổi thọ của phi cơ.

Cách đây không lâu, chính Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã gửi thư cho cơ quan xuất khẩu vũ khí Liên bang Nga Rosoboronexport, nêu ra 14 điểm hạn chế của MiG-35 (phiên bản cao cấp nhất của gia đình MiG-29). Còn trong năm 2008, Algeria cũng đã gửi trả lại Nga 24 chiếc MiG-29SMT với lý do "không đảm bảo chất lượng".

Tiêm kích MiG-29 chính thức hết cơ hội được Việt Nam lựa chọn? - Ảnh 1.

Tiêm kích hạm MiG-29K của Hải quân Ấn Độ

Những tai tiếng liên tiếp xảy ra với các biến thể mới của MiG-29, kết hợp việc nhiều quốc gia sử dụng thông báo ý định bán tống bán tháo phi đội MiG-29 thế hệ cũ của mình chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến triển vọng của dòng chiến đấu cơ này tại Việt Nam, khi MiG-29M hay MiG-35 từng được nhắc đến như một ứng viên thay thế MiG-21.

Cần lưu ý rằng MiG-29M chính là MiG-29K bỏ đi móc hãm và thay thế đôi cánh gập lại được bằng cánh cố định, trong khi MiG-35 thực chất chỉ là MiG-29M lắp đặt các thiết bị điện tử hàng không thế hệ mới cùng động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3D mà thôi.

Kể cả không xảy ra những sự vụ vừa rồi thì triển vọng MiG-29M hay MiG-35 được Việt Nam lựa chọn vẫn là rất thấp, do chúng không phải tiêm kích nhẹ mà đã tiệm cận với trọng lượng của tiêm kích hạng nặng, chi phí khai thác, thời gian hoạt động hay tính năng kỹ chiến thuật không có gì nổi trội, thậm chí trên nhiều mặt còn thua kém Su-30.

Nếu vì một lý do nào đó Việt Nam vẫn phải lựa chọn tiêm kích hạng nặng để bảo vệ bầu trời thì Su-30 sẽ là phương án tốt hơn hẳn MiG-29M/35. Ngoài những lợi thế đã nêu, chúng ta còn tận dụng được cơ sở hạ tầng kỹ thuật có sẵn để tiết giảm chi phí.

Tiêm kích MiG-29 chính thức hết cơ hội được Việt Nam lựa chọn? - Ảnh 2.

Tiêm kích MiG-29 Fulcrum gần như không có cơ hội xuất hiện trên bầu trời Việt Nam

Tuy nhiên viễn cảnh Việt Nam mua tiếp Su-30 cũng đang bị đặt một dấu hỏi lớn, liên quan đến chất lượng máy bay chiến đấu Nga thời gian gần đây có dấu hiệu đi xuống rõ rệt, có thể thấy ví dụ việc Không quân Indonesia phát hiện ra lỗi nứt khung nghiêm trọng trên nhiều chiếc Su-30MK2 mới bàn giao.

Ngoài ra trong vụ rơi máy bay Su-30MK2 số hiệu 8585 của Việt Nam, phi công Nguyễn Hữu Cường cho biết đã có tiếng nổ phát ra trong buồng lái, đây là dấu hiệu cho thấy khả năng xảy ra lỗi kỹ thuật là tương đối cao.

Nếu các nhà sản xuất vũ khí Nga không nhanh chóng thay đổi cách thức làm việc, viễn cảnh họ để mất nhiều thị trường truyền thống vào tay những tập đoàn công nghiệp quốc phòng hùng mạnh đến từ Mỹ hay châu Âu là điều chắc chắn./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại