Vì sao MiG-35 không có cửa thắng F-16 và JAS-39 tại Việt Nam?

Tuấn Trung |

Tiêm kích thế hệ 4++ MiG-35 từng nhiều lần được nhắc đến như một ứng viên sẽ thay thế vai trò của MiG-21 trong Không quân Nhân dân Việt Nam.

Tuy nhiên khác với trường hợp của F-16 khi Việt Nam đã cử phi công sang Mỹ tập huấn để có cơ hội tiếp cận, đánh giá; hay chủ động thực hiện một vài cuộc tiếp xúc với Tập đoàn Saab, đơn vị sản xuất JAS-39 để đàm phán; MiG-35 chỉ đơn giản là ứng viên do phía Nga đề xuất mà thôi.

Việc Việt Nam tỏ ra không mấy mặn mà với MiG-35 có thể xuất phát từ những lý do sau đây.

Vì sao MiG-35 không có cửa thắng F-16 và JAS-39 tại Việt Nam? - Ảnh 1.

Tiêm kích MiG-35

Việt Nam đang cần một loại tiêm kích nhẹ có tính năng kỹ chiến thuật tiên tiến để lấp đầy khoảng trống do MiG-21 để lại. Nhưng với trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 29.700 kg, gần bằng F-15 (30.845 kg), MiG-35 phải được phân loại là tiêm kích hạng nặng.

Sử dụng tiêm kích nặng để thay thế chiến đấu cơ hạng nhẹ không phải là giải pháp tối ưu, hơn nữa nếu so sánh với Su-30 dày dạn chiến tích thì chiếc MiG-35 chưa hoàn thành đầy đủ các bài thử nghiệm chỉ là một trang giấy trắng.

Năng lực tác chiến lý thuyết của MiG-35 so với Su-30SME/MKI chưa có gì nổi trội cả về không chiến tầm xa lẫn quần vòng, thậm chí radar Zhuk-AE của MiG-35 có tầm hoạt động còn thua xa N011M (250 km so với 400 km), trong khi tầm bay bằng 2/3, tải trọng vũ khí bằng 7/8.

Do vậy, nếu vì một lý do nào đó Việt Nam vẫn phải lựa chọn tiêm kích hạng nặng để bảo vệ bầu trời thì Su-30 sẽ là phương án tốt hơn hẳn MiG-35. Ngoài những ưu điểm đã nêu, chúng ta còn tận dụng được cơ sở hạ tầng kỹ thuật có sẵn để tiết giảm chi phí.

Vì sao MiG-35 không có cửa thắng F-16 và JAS-39 tại Việt Nam? - Ảnh 2.

 Các biến thể của Su-30 sẽ là lựa chọn tốt hơn cho Không quân Việt Nam, thay vì đặt mua MiG-35

So sánh với chiến đấu cơ hạng nhẹ của Mỹ và châu Âu, cũng tương tự như Su-30, F-16 và JAS-39 là hai loại tiêm kích cực kỳ thành công, đã được rất nhiều quốc gia trên thế giới tin dùng, tính năng của chúng chí ít là không để cho MiG-35 qua mặt dễ dàng.

Còn nếu xét đến yếu tố khác là tính kinh tế thì dễ nhận thấy MiG-35 thua kém hoàn toàn. 

Mặc dù được lắp động cơ mới tiên tiến hơn, nhưng chi phí trên một giờ bay của MiG-35 ước vào khoảng 15.000 USD/giờ (con số này ở F-16 là 22.500 USD/giờ, còn JAS-39 là 4.700 USD/giờ). Bên cạnh đó, tuổi thọ khung thân và động cơ MiG-35 vẫn không cao. 

Trong khi F-16 có độ bền 8.000 giờ bay (F-16 secondhand được Indonesia mua lại từ căn cứ Davis-Monthan đã trải qua 6.000 giờ bay, sau tân trang dùng thêm ít nhất 2.000 giờ nữa), JAS-39 là trên 10.000 giờ thì MiG-35 chỉ được tối đa 6.000 giờ, đây là khoảng cách rất đáng kể.

Động cơ Klimov RD-33MK tuy rằng không còn phun khói mù mịt như thế hệ trước, nhưng bộ phận chỉnh hướng phụt 3D cứ sau 500 giờ lại phải tháo ra đại tu với chi phí không hề rẻ, trong thời gian đó máy bay không thể trực chiến, đây thực sự là thảm họa với những quốc gia nghèo.

Vì sao MiG-35 không có cửa thắng F-16 và JAS-39 tại Việt Nam? - Ảnh 3.

 JAS-39 sẽ là lựa chọn tối ưu dành cho Không quân Việt Nam?

Tóm lại, do là một chiếc tiêm kích hạng nặng, không phù hợp tiêu chí đặt ra của Không quân Việt Nam, kết hợp với chi phí khai thác sử dụng vẫn còn khá "đắt đỏ", cơ hội để MiG-35 cạnh tranh và giành chiến thắng trước F-16 cũng như JAS-39 tại Việt Nam là rất thấp. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại