Vì sao tiêm kích MiG-35 quá xa tầm tay Không quân Hải quân VN?

Hoàng Minh |

Không quân Hải quân không nhất thiết phải trang bị một loại máy bay cho Hải quân như MiG-29K. Một lựa chọn khác chính là MiG-35, "em út" của dòng họ MiG-29. Liệu có khả thi?

Tổng quan về MiG-35

MiG-35 là dòng máy bay tiêm kích đa năng thế hệ 4++ do Mikoyan phát triển từ nền tảng máy bay MiG-29M/M2 và MiG-29K. Chiếc MiG-35 đầu tiên là phiên bản chỉnh sửa từ chiếc MiG-29M2 thử nghiệm.

Mig-35 xuất hiện lần đầu tại triển lãm Aero India 2007 với hy vọng sẽ thu hút được sự chú ý từ Không quân Ấn Độ (IAF).

Đây là một trong 5 mẫu máy bay tham gia cuộc đấu thầu MRCA của IAF, bao gồm MiG-35, Dassault Rafale, Eurofighter Typhoon, Jas-39 Gripen, F-16C/D và F/A-18E/F. Đáng tiếc là ứng viên của Nga đã bị loại từ giai đoạn đầu và Rafale đã được Ấn Độ lựa chọn.

So với người tiền nhiệm MiG-29K và MiG-29M, phiên bản MiG-35 vượt trội hơn hẳn ở hệ thống radar và cảm biến, cũng như động cơ thế hệ mới.

MiG-35 sử dụng radar mảng pha chủ động (AESA) Phazotron Zhuk-AE, thay vì radar mảng pha thụ động (PESA) Zhuk-ME trên MiG-29K. Radar này có nhiều ưu điểm vượt trội so với phiên bản PESA, như khả năng chống nhiễu tốt hơn và tầm trinh sát lớn hơn.

Zhuk-AE được cho là có khả năng phát hiện mục tiêu máy bay tiêm kích từ khoảng cách 160km (so với 120km của Zhuk-ME) và tàu chiến từ cách 300km. Số lượng mục tiêu theo dõi và bám bắt cùng lúc cũng cao hơn radar của MiG-29K.

Hệ thống trinh sát hồng ngoại và đo xa laser (IRST) OLS-35 của MiG-35 cũng hiện đại hơn, đây cũng là bộ IRST dùng trên siêu tiêm kích Su-35S.

Hệ thống điện tử hàng không của MiG-35 được thiết kế theo cấu trúc mở với đường truyền theo chuẩn MIL-STD-1553. Điều đó giúp khách hàng dễ dàng chọn lựa các thiết bị điện tử ngoài Nga, có xuất xứ từ Mỹ, châu Âu hay Israel.


MiG-35 có nhiều điểm vượt trội hơn so với người tiền nhiệm MiG-29K.

MiG-35 có nhiều điểm vượt trội hơn so với người tiền nhiệm MiG-29K.

Động cơ Klimov RD-33MK trang bị trên MiG-35 là phiên bản mới nhất trong dòng động cơ RD-33. Ưu điểm của động cơ này là lực đẩy lớn hơn 7% so với mẫu RD-33 tiêu chuẩn.

Điểm yếu cố hữu của "máy phun nhọ" RD-33 cũng được khắc phục triệt để, giờ đây MiG-35 sẽ không xả một dòng khói đen đằng sau nữa.

RD-33MK cũng được trang bị một số công nghệ giúp giảm độ bộc lộ hồng ngoại, tăng khả năng sống sót trên chiến trường cho MiG-35.

Vượt trội hoàn toàn so với MiG-29K

Phiên bản MiG-35 được phát triển và kế thừa những đặc điểm của MiG-29K, cũng như MiG-29M2, đồng thời mang nhiều cải tiến mới chưa có trên các dòng máy bay trước đó.

Trọng lượng rỗng của máy bay tăng thêm 2 tấn, sải cánh và khung thân cũng được nơi rộng hơn, giúp tăng bán kính chiến đấu của MiG-35 lên tới 1.000km. Con số này với MiG-29K chỉ là 850km khi mang theo thùng dầu phụ.

Nếu mang 3 thùng dầu phụ, MiG-35 có thể bay trên quãng đường tới 3.100km mà không cần tiếp nhiên liệu. Điều đó giúp triển khai máy bay ở khắp mọi nơi trên đất Việt Nam một cách bí mật nhất có  thể.

Có cùng 9 giá treo (1 dưới bụng và 8 dưới hai bên cánh), nhưng MiG-35 có thể mang tới 7 tấn vũ khí và thùng dầu phụ, trong khi MiG-29K bị giới hạn ở con số 5,5 tấn.

Nhờ đó, MiG-35 có thể mang nhiều loại bom và tên lửa có điều khiển hơn so với người anh em trên hạm của mình.

Nhờ sử dụng thiết kế cánh cố định, MiG-35 có độ bền cao hơn so vơi cánh gập của MiG-29K, đồng thời đơn giản hóa quá trình bảo dưỡng vốn rất phức tạp với cơ cấu cánh gập.

Áp dụng tiến bộ từ MiG-29K, MiG-35 cũng có khả năng chống ăn mòn tốt hơn, bảo đảm khả năng bố trí và triển khai từ mọi căn cứ ở ven biển.


Xem ra, với Việt Nam, MiG-29K (trong hình) lại có nhiều lợi thế hơn MiG-35. Ảnh: Airliners.net.

Xem ra, với Việt Nam, MiG-29K (trong hình) lại có nhiều lợi thế hơn MiG-35. Ảnh: Airliners.net.

Một phiên bản dành cho quảng cáo

Sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với MiG-29K, nhưng MiG-35 vẫn chưa thực sự hấp dẫn như quảng cáo và vẫn chỉ là một loại máy bay không có khách hàng đặt mua.

Trong khi người anh em MiG-29K đã có hàng loạt đơn hàng từ Hải quân Nga và Ấn Độ, MiG-35 vẫn chưa thát khỏi số phận "long đong".

Dù đã có sự chú ý từ Không quân Nga và Không quân Ai Cập, Mikoyan chưa ký được bất kỳ hợp đồng chính thức nào cho loại máy bay này. Rất nhiều nước, trong đó có Việt Nam, từng hy vọng Ấn Độ sẽ lựa chọn MiG-35 cho dự án MRCA của mình.

Tuy nhiên, thất bại của MiG-35 đã khiến các khách hàng đó từ bỏ ý định mua loại máy bay này do lo ngại đơn giá quá cao. Ban đầu, MiG-29 được thiết kế làm tiêm kích hạng nhẹ với mục đích đánh chặn bảo vệ các điểm quan trọng ở hậu phương.

Việc bổ sung khả năng tấn công mặt đất với vũ khí chính xác, cùng hàng loạt cải tiến qua các đời, đã làm tăng trọng lượng rỗng của máy bay lên khá nhiều.

Tới phiên bản MiG-35, chiếc máy bay này nằm "lửng lơ" giữa tiêm kích hạng trung và hạng nặng và gần như cạnh tranh trực tiếp với Su-27, dòng tiêm kích rất thành công trên thị trường quốc tế của Sukhoi.

Tuy mang nhiều công nghệ mới, MiG-35 vẫn chỉ dựa trên nền tảng thiết kế cũ kỹ của MiG-29. Dòng máy bay này gần như khó có tiềm năng nâng cấp và hiện đại hóa trong tương lai.

Điều này khiến khách hàng sẽ lựa chọn những giải pháp hiệu quả về giá và công nghệ như Su-30, thay vì đánh cược với MiG-35.

Cuối cùng, Việt Nam vốn có truyền thống chỉ sử dụng các loại vũ khí đã được thử nghiệm kỹ càng và được biên chế ở nhiều nước. MiG-35 vẫn chưa có khách hàng, thậm chí vẫn đang nằm trong giai đoạn thử nghiệm.

Bản MiG-29K ít nhất đã được vận hành bởi Không quân hải quân Nga và Ấn Độ. Chỉ riêng điểm này đã khiến MiG-35 gần như không có cơ hội gia nhập đội hình của Không quân Hải quân Việt Nam.

Nhìn chung, MiG-35 giống như một sản phẩm quảng cáo, hơn là một lựa chọn hợp lý cho Việt Nam vào thời điểm hiện tại.

Nếu có một vài khách hàng chấp nhận đặt mua MiG-35 với số lượng lớn, rất có thể Việt Nam sẽ xem xét tới dòng máy bay này. Nhưng đó có vẻ vẫn là một tương lai quá xa vời cho MiG-35.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại