ĐÁP ÁN:
Xe tăng và máy xúc (cũng như máy ủi, máy cày...) loại chạy xích đều là các loại xe cơ giới chạy bằng xích. Vì vậy cấu tạo thiết bị truyền động và điều khiển của chúng có nhiều điểm giống nhau.
Tuy nhiên, để trả lời cho thấu đáo câu hỏi này trước hết ta cần hiểu một chút về nguyên lý điều khiển của chúng.
Do cùng là xe chạy xích nên thiết bị truyền động lực của chúng tương đối giống nhau, thường bao gồm các cụm máy sau: ly hợp chính (côn) để đóng ngắt động lực từ động cơ sang hộp số, hộp số để thay đổi vận tốc, 2 ly hợp chuyển hướng để thực hiện chuyển hướng và cơ cấu dẫn động điều khiển các cụm máy trên.
Động lực từ động cơ sau khi truyền qua các bộ phận trên sẽ đưa ra bánh chủ động của thiết bị vận hành và guồng cho xích quay.
Do ma sát giữa mặt xích với mặt đường lớn nên sẽ làm cho xe chuyển động. Trường hợp vận tốc 2 băng xích tương đương nhau xe sẽ chuyển động thẳng. Còn nếu vận tốc 2 băng xích không đều nhau xe sẽ chuyển hướng về phía băng xích có vận tốc nhỏ hơn.
Từ nguyên lý này người ta chế tạo ra thiết bị điều khiển (lái) cho xe bằng cách đưa vào trục chính hộp số 2 bộ ly hợp chuyển hướng (LHCH).
Nhiệm vụ của 2 bộ LHCH này là cắt động lực tới bánh chủ động và khi cần thiết thì hãm nó lại không cho quay nữa nhờ vậy mà làm cho xe chuyển hướng theo ý muốn. Để điều khiển 2 bộ ly hợp chuyển hướng này thoạt kỳ thủy người ta thường dùng 2 cần lái.
Nếu kéo một bên cần lái về vị trí phân ly thì sẽ cắt động lực ra băng xích phía bên đó và làm xe chuyển hướng từ từ về bên đó.
Nếu kéo cần lái về vị trí hãm thì cơ cấu hãm sẽ bó chặt lại làm một bên băng xích đứng yên và xe sẽ quay tròn tại chỗ với bán kính bằng chiều rộng thân xe.
Đối với các thế hệ xe sau này người ta ứng dụng nhiều hơn các tiến bộ KH-CN nhằm làm cho thao tác của lái xe được thuận tiện, nhẹ nhàng hơn cho nên đã xuất hiện các loại xe tăng lái bằng vô- lăng hoặc ghi- đông, các bàn đạp ly hợp, hãm xe... được bổ trợ bằng thủy lực.
Tuy nhiên, về mặt nguyên lý cũng không có gì thay đổi.
Kíp tăng T-90 của Nga thực hành lái vượt chướng ngại.
Như vậy, xét về nguyên lý điều khiển thì xe tăng và các loại xe chạy xích khác về cơ bản là giống nhau. Còn nói về dễ hay khó thì chủ yếu là do nhiệm vụ, điều kiện công tác... của người lái khác nhau mà thôi.
Các loại máy xúc, máy ủi, máy cày... được chế tạo chủ yếu nhằm thực hiện một hoạt động chuyên biệt trong xây dựng kinh tế là chính nên nhìn chung chúng có vận tốc di chuyển không lớn lắm, điều kiện hoạt động cũng không quá căng thẳng, ác liệt; buồng lái thường được cấu trúc thoáng đãng, vị trí ngồi thoải mái, có tầm quan sát tốt... song người lái lại phải vận hành gầu xúc, lưỡi ben... một cách hết sức chính xác, an toàn và tiết kiệm.
Để làm được điều đó phải trải qua huấn luyện bài bản và sử dụng thực tế để tích lũy kinh nghiệm nên cũng không dễ dàng gì.
Còn xe tăng là loại phương tiện chiến đấu thường phải chạy trên những địa hình phức tạp với những vận tốc khác nhau nhằm đảm bảo yêu cấu chiến thuật của người chỉ huy.
Trong điều kiện bom đạn của đối phương ngăn chặn, lại phải hiệp đồng chặt chẽ với các thành viên khác trong xe để cùng hoàn thành nhiệm vụ; buồng lái thì hết sức chật hẹp, gò bó; điều kiện quan sát vô cùng hạn chế.
Nhân đây cũng xin trả lời bạn đọc có câu hỏi về vị trí lái tăng Armata T14: Không chỉ Armata T14 mà tất cả các loại xe tăng đều có 2 phương thức lái là: lái hành quân và lái chiến đấu.
Khi lái hành quân (hoặc duyệt binh, làm nhiệm vụ trong điều kiện không bị bom đạn đe dọa...) người ta sẽ mở cửa lái xe, nâng ghế lái lên vị trí cao và nhô đầu ra ngoài để lái xe cho thuận lợi hơn.
Còn khi bước vào chiến đấu (hoặc làm nhiệm vụ mà bị bom đạn đe dọa gây nguy hiểm) thì tất cả các thành viên kể cả lái xe đều phải vào hẳn trong xe, lái xe phải hạ ghế xuống vị trí thấp và đóng cửa lại, việc quan sát lúc này chỉ thông qua 2-3 kính tiềm vọng với kích thước rất nhỏ và phạm vi quan sát rất hẹp...
Một số loại xe lại có lắp súng máy phía trước (như T54/55/59...) nên lái xe cũng phải biết sử dụng loại vũ khí này để diệt địch.
Do đó, khi huấn luyện lái xe tăng người ta không chỉ HL lái xe trên đường bình thường mà còn phải HL lái xe vượt qua hàng loạt chướng ngại vật như: vách đứng, vách hụt, dốc nghiêng, hào chống tăng, bãi đánh phá và bắn súng máy phía trước v.v...
Không chỉ yêu cầu thành thạo kỹ thuật lái (điều khiển) xe qua mọi địa hình, người lái xe tăng còn phải có kiến thức về chiến thuật TTG trong các hình thức chiến đấu khác nhau, biết lợi dụng địa hình địa vật để bảo vệ mình và tạo điều kiện thuận lợi cho pháo thủ diệt địch.
Đặc biệt là phải hiệp đồng rất chặt chẽ và thuần thục với các thành viên khác trong xe để cùng hoàn thành nhiệm vụ.
Chẳng hạn khi pháo thủ đang bắt bám mục tiêu thì phải cố gắng chạy cho êm, khi pháo thủ yêu cầu dừng bắn là phải dừng được ngay, còn khi pháo thủ vừa bắn xong thì lập tức phải ‘vọt tiến” v.v...
Vì vậy, để trở thành một lái xe chiến đấu tốt cũng vô cùng khó khăn và phải trải qua một quá trình huấn luyện, luyện tập rất gian khổ, lâu dài.
Tóm lại, lái xe tăng cũng có cái khó nhưng cũng có cái dễ. Còn lái máy ủi (máy xúc, máy cày...) có cái dễ nhưng cũng có cái khó. Việc so sánh cho thật chi li, chính xác thì rất khó song qua những nội dung trên chắc từng bạn đọc sẽ có câu trả lời riêng của mình.
Chỉ có một điều chắc chắn là: nếu lái máy xúc (máy ủi, máy cày...) tốt thì khi chuyển sang lái xe tăng sẽ rất thuận lợi, dễ dàng và ngược lại.
TRAO GIẢI:
Sau khi cân nhắc phần bình luận của các bạn, nhóm chuyên gia quân sự nhận thấy chỉ có duy nhất bình luận của bạn Nguyễn Văn Nhật là tạm chấp nhận được. Vì vậy chúng tôi quyết định:
Bạn đọc Nguyễn Văn Nhật (17h06, ngày 09-11-2015)
Nhân chuyện Nga mời Việt Nam tham gia giải Đua xe tăng quốc tế, có người cho rằng lái xe tăng không phải là quá cao siêu, chỉ như lái máy xúc bánh xích! Quan điểm này đúng hay sai?. Theo tôi quan điểm này là sai, lí do là vì:
1. Xe tăng là công cụ phương tiện dùng để chiến đấu, nên trong chiến tranh đối phương luôn tìm và diệt xe tăng của bên đối địch cho nên trong chiến đấu sai 1 ly có thể đi 1 dặm.
Đặc biệt trong chiến đâu có vô vàn trường hợp, tình huống khác nhau, cho nên kíp điều khiển xe tăng bắt buộc phải thao tác đúng, chính xác từng ly từng tý, đảm bảo các chiến thuật, hợp đồng binh chủng, v..v..
Cho nên xe tăng không giống như máy xúc bánh xích, sai 1 tí thì ta sửa lại, còn xe tăng trong trường hợp chiến đấu sai 1 tí thì cẩn thẩn lên nóc nhà ngồi.
2. Kỹ thuật của xe tăng, và cách thức điều khiển xe tăng khó hơn nhiều so với máy xúc, mặc dù chúng có nguyên lý vận hành tương đối giống nhau.
Với các xe tăng thế hệ cũ T-55, v.v... thì điều khiển khá khó khăn, các chân đạp ga, cần nạp đạn, cần số đều có lực đẩy đến vài chục kg, đòi hỏi người lái xe tăng thế hệ cũ phải có thể chất và sức khỏe tốt.
Công nghệ ngày càng hiện đại, càng nâng cao vai trò con người và hệ thống máy móc và máy tính càng đảm nhận nhiều hơn ví dụ như xe tăng T-90SM.
Hay như xe tăng thế hệ mới nhất của Nga T-14 Armata đã có cần bảng điều khiển cảm ứng, tay cầm giống tay cầm chơi game, nạp đạn tự động, hệ thống ngắm bắn tự động giúp người lính thao tác nhanh hơn, không tốn sức nhiều.
Nhưng trong chiến đấu các xe tăng phải trực chiến lâu, tùy theo tình hình nhiệm vụ và chiến trường, cũng bắt buộc người lính cũng phải có sức khỏe, tuy máy móc, công nghệ đảm nhận nhiều vai trò thay cho con người trong hiện đại.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà không hiểu gì về xe tăng mà cũng lái được xe tăng là điều hoàn toàn sai lầm, muốn điều khiển 1 chiếc xe tăng tốt, ta phải thuộc lòng kĩ thuật cơ bản về nó, hiểu được cách điều khiển chuyên sau, và tập luyện đều đặn hàng ngày.
Trong chiến đấu, vô vàn tình huống kĩ thuật phát sinh, phải biết về nó để đảm bảo khả năng tự sữa chữa 1 phần, tự phán đoán tình huống để luôn cơ động.
Qua 2 lý do trên, việc lái xe tăng khác xa hoàn toàn như lái máy xúc bánh xích có thế so sánh như ăn 1 cái xúc xích với ăn 1 con tôm hùm...
Đơn cử trong lễ duyệt binh của nga, T-14 Armata đã được hiện đại hóa về cách điều khiển nhưng với 1 tổ điều khiển không kinh nghiệm nó đã chết máy và đến khi tổ lái thử nghiệm (những người chuyên lái xe tăng) đến đã khiến nó dễ dàng lăn bánh.
Trân trọng,