Súng phóng đạn nhiệt áp Shmel-M - "hỏa thần" mới của bộ binh VN?

Bình Nguyên |

Cùng chung xuất xứ từ Viện Thiết kế KBP, liệu súng phóng lựu nhiệt áp Shmel-M có cơ hội song hành cùng súng chống tăng uy lực RPG-29 "Vampire" đang có trong biên chế Lục quân VN?

Việc sản xuất và đưa vào trang bị dòng súng chống tăng RPG-29 đã đánh dấu một bước phát triển mới về hỏa lực mang vác trong các đơn vị của Lục quân Việt Nam.

Trong tương lai gần, Việt Nam vẫn xác định phương châm xây dựng các đơn vị bộ binh theo hướng mang vác là chính, đã và đang được bổ sung một số vũ khí cá nhân thế hệ mới đầy uy lực sản xuất trong nước như RPG-29, SPG-9T2 và RPG-7 với đạn cải tiến.

Tuy nhiên, có thể thấy rõ rằng trong khi ước mơ được trang bị nhiều hơn các loại tên lửa chống tăng có điều khiển thế hệ mới, hiện đại chưa thể thành hiện thực trong ngày một ngày hai, thì dường như chỉ có các loại hỏa lực trên thì chưa đủ, vẫn thiếu một mảnh ghép gì đó.

Có ý kiến cho rằng một khi Việt Nam đã được chuyển giao công nghệ chế tạo súng chống tăng RPG-29 từ phía Nga thì việc mua mua một số súng phóng đạn nhiệt áp RPO-PDM-A Shmel-M là hoàn toàn khả thi, thậm chí là có thể sản xuất ngay tại Việt Nam!

Quả thật, ý kiến không phải không có lý, nếu bộ đôi hỏa lực này cùng được trang bị sẽ giúp tăng đáng kể sức mạnh chiến đấu cho Lục quân Việt Nam.


Súng phóng đạn nhiệt áp Shmel-M.

Súng phóng đạn nhiệt áp Shmel-M.

Uy lực của "hỏa thần" Shmel-M

Súng phóng đạn nhiệt áp Shmel-M (dùng đạn RPO-PDM-A) là phiên bản mới nhất được phát triển dựa trên nền tảng súng phóng đạn nhiệt áp Shmel (với đạn PRO-A) vốn đã được sản xuất và biên chế cho Quân đội Liên Xô từ đầu những năm 1980.

Qua thực chiến ở Afganishtan và sau này là Chesnia cho thấy RPO-A có sức công phá khủng khiếp, đủ sức hủy diệt mọi loại mục tiêu như công sự kể cả hầm ngầm, các cứ điểm phòng ngự, phương tiện cơ giới quân dụng và phương tiện chiến đấu bọc giáp nhẹ.

Shmel-M đã kế thừa và phát huy tối đa toàn bộ các đặc tính ưu việt của người tiền nhiệm Shmel cả về uy lực, độ tin cậy, dễ sử dụng và đặc biệt hữu dụng đối với các đơn vị bộ binh tác chiến ở những địa hình mà các lực lượng pháo binh hay thiết giáp khó tiếp cận.

Chúng thích hợp với mọi môi trường tác chiến như núi cao, rừng rậm, khu vực trận địa phòng thủ kiên cố, đầm ruộng có nền đất không phù hợp cho các phương tiện cơ giới cơ động, hoặc ở khu vực mục tiêu đã bị không quân, pháo binh đối phương không chế.

Bên cạnh đó, dòng súng mới có đường kính nhỏ và trọng lượng nhẹ hơn, nhưng lại có tầm bắn xa và độ chính xác vượt trội so với RPO-A.

Về uy lực, đạn RPO-PDM-A (trong đó PDM có nghĩa là tăng tầm và uy lực) có sức công phá tương đương đạn pháo cỡ 152-155mm, tương đương với 5-6kg thuốc nổ TNT, trong khi RPO-A chỉ tương đương đạn pháo cỡ 122mm.

Có thông tin cho rằng Shmel-M còn dùng được 2 loại đạn khác như đạn cháy để phóng hoả và đạn khói để tạo màn khói nguỵ trang, vô hiệu hệ thống điều khiển vũ khí tấn công của đối phương, cũng như dùng để hun khói binh lực ẩn nấp trong các hệ thống hầm ngầm.


Cơ cấu phóng và đạn nhiệt áp của súng Shmel-M (bên phải). Ảnh: Vitaly Kuzmin.

Cơ cấu phóng và đạn nhiệt áp của súng Shmel-M (bên phải). Ảnh: Vitaly Kuzmin.

Cơ hội của Shmel-M tại Việt Nam

Trước hết, uy lực của "hỏa thần" Shmel là không phải bàn cãi, đã được chứng minh trong các cuộc chiến ở Afganishtan và Chesnia. Rất có thể, chúng cũng tham chiến trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, thiêu cháy nhiều xe tăng, xe bọc thép của quân Chính phủ.

Thứ hai, cả RPG-29 và Shmel-M đều có chung xuất xứ từ Văn phòng thiết kế KBP (Tula). Trong 2 loại vũ khí mang vác trên thì RPG-29 đã được sản xuất tại Việt Nam và đưa vào trang bị đại trà.

Shmel-M dù là vũ khí mới, nhưng không phải là loại vũ khí chiến lược, quá hiện đại và tinh xảo hoặc bí mật gì ghê gớm đến mức Nga không thể bán hoặc chuyển giao công nghệ sản xuất cho Việt Nam.

Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng tiếp nhận công nghệ sản xuất loại súng mới này như đã từng làm với RPG-29.

Vấn đề ở chỗ là Việt Nam có nhu cầu, quyết tâm đến đâu và nhất là có đủ tiềm lực tài chính hay không thôi. Chứ bản thân Shmel-M hoàn toàn thích hợp với cách đánh, địa hình, trình độ sử dụng và thể trạng của những người chiến sĩ Việt Nam.

Thứ hai, một điểm chung đáng chú ý, là cơ cấu phóng của súng phóng lựu nhiệt áp Shmel-M có thể tái sử dụng nhiều lần, một cải tiến vượt bậc so với hệ súng tiền nhiệm Shmel vốn chỉ sử dụng được 1 lần và phải vứt bỏ.

Cũng giống như súng chống tăng RPG-29, việc cơ cấu phóng dùng nhiều lần rất phù hợp với định hướng sử dụng của Việt Nam bởi nó sẽ có chi phí thấp hơn khi tính bình quân trên mỗi phát bắn nếu gộp cả đạn và cơ cầu phóng.

Thứ ba, việc đào tạo kíp sử dụng có thể mất thời gian hơn so với các loại súng dùng 1 lần, nhưng "khổ luyện thành tài", các chiến sĩ được giao sử dụng loại hỏa lực này sẽ có điều kiện tập trung huấn luyện sử dụng thành thạo, giúp hiệu suất sử dụng cao hơn.

Hy vọng, trong tương lai Shmel-M (hoặc chỉ cần có được người tiền nhiệm của nó là Shmel) sẽ hợp cùng RPG-29 tạo thành bộ đôi hỏa lực mang vác cực mạnh, tạo chất mới để các đơn vị bộ binh hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thông số kỹ thuật cơ bản (RPO-PDM-A/RPO-A):
Đường kính (mm): 90/93; Dài (mm): 940/920; Trọng lượng (kg): 8,8/12;
Tầm bắn (m): Tối đa: 1.700/1.000; Hiệu quả: 800/600
Tư thế bắn: Đứng, quỳ hay nằm sấp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại