Được biết ngoài 2 chiếc vừa nhận, sắp tới Nga sẽ cung cấp thêm 8 chiếc Su-24M2 nữa cho Không quân Syria nhằm giúp lực lượng này khôi phục khả năng chiến đấu sau khi bị tiêu hao khá nhiều do cuộc nội chiến dai dẳng.
Các máy bay Su-24M2 trên đều được nâng cấp khả năng tác chiến, bao gồm hệ thống định vị chuẩn GPS cũng như GLONASS, hệ thống điều khiển hỏa lực và hiển thị thông tin trên khoang mới, trong đó đáng chú ý nhất là tổ hợp ngắm bắn tiên tiến SVP-24 đã chứng minh sức mạnh qua thực chiến.
Như vậy ngoài xe tăng T-90A, Su-24M2 là vũ khí thứ hai theo đúng chuẩn nội địa của Nga có mặt trong biên chế Quân đội Syria.
Máy bay cường kích Su-24M2
Việc Nga sẵn lòng rút vũ khí từ các đơn vị trực chiến để chuyển giao cho đối tác thân thiết đã mở ra cơ hội cho một vài quốc gia khác (trong đó có Việt Nam) đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa không quân của mình.
Hiện tại loại cường kích xương sống của chúng ta là Su-22M3/M4 có năng lực đối hải khá hạn chế do nó không được trang bị radar mà phải hoàn toàn dựa vào thiết bị ngắm bắn quang học Klen, dẫn đến việc không thể dẫn bắn tên lửa chống hạm tầm xa hay ném bom có điều khiển một cách độc lập.
Bên cạnh đó tuổi thọ của Su-22 cũng không còn dài, dự kiến chúng sẽ lần lượt ngừng bay sau khoảng chục năm nữa trong khi ứng viên thay thế tối ưu vẫn chưa lộ diện. Vậy trong hoàn cảnh này, Việt Nam có nên "tạm chữa cháy" theo cách của Syria?
Su-24M2 có khả năng sử dụng nhiều loại vũ khí tấn công mặt đất, mặt biển hiện đại
Trước hết hãy nhìn vào những ưu điểm, do sử dụng kết cấu "cánh cụp cánh xòe toàn phần" chứ không "nửa vời" như Su-22 mà Su-24 có độ ổn định khi bay tốt cùng quãng đường cất hạ cánh ngắn hơn, lực nâng cánh cao cung cấp sự vững chắc và hạn chế tối đa rung động khi gió mạnh.
Động cơ AL-21F-3 của Su-24 cũng đồng thời là loại lắp trên Su-22, sẽ không gây bỡ ngỡ cho đội ngũ kỹ thuật khi tiến hành các hoạt động bảo trì bảo dưỡng.
Nhờ khung máy bay lớn đi kèm 2 động cơ khỏe khiến Su-24 có tầm hoạt động rộng, mang được tải trọng vũ khí lên tới 8.000 kg (áp đảo hoàn toàn con số 4.250 kg của Su-22), trong đó có cả những loại tên lửa đối đất, đối hải tối tân như Kh-31A/P, Kh-35E, Kh-58...
Nhược điểm chết người nằm ở phương thức ném bom bổ nhào từ cự ly ngắn như trên các đời Su-24 trước đã được khắc phục triệt để ở biến thể M2 nhờ SVP-24, Su-24M2 giờ đây đã có năng lực tác chiến không thua kém nhiều so với chiếc cường kích tối tân nhất trong Không quân Nga là Su-34.
Su-24M2 sẽ là lựa chọn hợp lý để tạm thay thế Su-22?
Tuy vậy, nếu muốn mua lại Su-24M2 thì Việt Nam cũng phải vượt qua một vài rào cản lớn, trước hết là chi phí vận hành cực kỳ đắt đỏ, gần như tương đương với Su-30MK2, đây là điều khó chấp nhận đối với một chiếc cường kích đã tương đối lạc hậu.
Tiếp theo, khung thân của Su-24M2 cũng không còn bền do được nâng cấp từ những máy bay cũ, chuyên gia quân sự Anton Lavrov từng nói với báo Izvestia rằng: "Không quân Nga hiện có nhiều Su-24. Chúng rơi đều đều, riêng năm 2012 đã rơi 3 chiếc, nhưng vẫn đủ cho mấy năm tới". Đây là nguy cơ cực lớn đối với bất cứ quốc gia nào đang quan tâm.
Mặc dù khả năng cường kích cao hơn Su-22 nhưng năng lực không chiến của Su-24 cũng chỉ tương đương, nó gần như bất lực nếu gặp phải tiêm kích đánh chặn đối phương, cho nên sẽ yêu cầu phải có Su-27/30 bay theo yểm trợ, dẫn tới sự cồng kềnh rất không cần thiết.
Chỉ với 3 nhược điểm lớn trên là đủ để rút ra kết luận rằng Việt Nam không nên mua lại Su-24M2, đây chỉ là giải pháp cho tình huống cực kỳ cấp bách, cần gấp phương tiện để ngay lập tức tung vào trận chiến.
Với chủ trương tiến thẳng lên hiện đại, Không quân Việt Nam vẫn nên lựa chọn một chiến đấu cơ đa năng có thời hạn phục vụ dài chứ không phải là "Kiếm sĩ" già cỗi Su-24M2.