Ngày 2-2 (giờ địa phương), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC) khẳng định cơ quan y tế ở bang Texas đã phát hiện một ca nhiễm virus Zika (bị nghi gây chứng teo não) qua đường tình dục.
Ca nhiễm đầu tiên qua xét nghiệm
Trước đó, cơ quan y tế quận Dallas (bang Texas) ra thông báo cho biết bệnh nhân nhiễm virus Zika sau khi quan hệ tình dục với một người vừa trở về từ quốc gia có ca nhiễm Zika (Venezuela).
Giám đốc CDC Tom Frieden khẳng định: “Đây là ca nhiễm virus Zika đầu tiên qua đường tình dục trong nội địa đã được khẳng định bằng xét nghiệm”.
Người phát ngôn CDC cho biết không điều tra về cách thức lây nhiễm bởi đây rõ ràng là ca nhiễm qua đường tình dục.
Đây là ca nhiễm thứ hai được CDC ghi nhận ở Mỹ trong khi báo New York Times cho rằng bệnh nhân ở Texas là ca nhiễm thứ ba qua đường tình dục được biết đến trên thế giới.
Ông Zachary Thompson, Giám đốc cơ quan y tế hạt Dallas, ghi nhận: “Biết virus Zika có thể lây nhiễm qua đường tình dục sẽ giúp chúng tôi tăng cường chiến dịch đánh động công chúng về các biện pháp đề phòng”.
Ông nhấn mạnh: “Bao cao su là cách tốt nhất để bảo vệ mình trước mọi bệnh lây nhiễm qua đường tình dục”.
Thông tin chấn động virus Zika lây nhiễm qua đường tình dục càng làm gia tăng nỗi lo ngại. Lâu nay các cơ quan y tế vẫn nói virus truyền qua muỗi đốt thì nay virus Zika có thể lây nhiễm từ người sang người.
Virus Zika chuẩn bị bùng nổ. Ảnh của ARCADIO ESQUIVEL (Costa Rica)
Hai ca nhiễm chưa xác định
Hồi cuối tháng 1, TS Anne Schuchat, Phó Giám đốc CDC, đã công bố hai ca nhiễm virus Zika qua đường tình dục.
Năm 2008, nhà sinh học Brian Foy thuộc ĐH Quốc gia Colorado (Mỹ) đã đến vùng nông thôn Senegal cùng sinh viên Kevin Kobylinski trong sáu tuần.
Họ tìm bắt muỗi để nghiên cứu bệnh sốt rét và đã bị muỗi chích nhiều lần.
Một tuần sau khi từ châu Phi trở về nước, hai thầy trò đều ngã bệnh với các triệu chứng nhiễm bệnh giống như bệnh do muỗi đốt.
Vài ngày sau, vợ của nhà sinh học Brian Foy là y tá đã bộc lộ triệu chứng nhiễm bệnh như chồng, thậm chí còn nặng hơn. Ba bệnh nhân đều hồi phục.
Kết quả xét nghiệm cho thấy các bệnh nhân không nhiễm sốt rét hay bệnh do muỗi đốt nhưng lúc đó không ai nghĩ đến virus Zika.
Một năm sau, một nhà khoa học nghi ngờ virus Zika là nguyên nhân gây bệnh. Kết quả xét nghiệm máu lần nữa cho thấy đúng là nhà sinh học Brian Foy đã nhiễm virus Zika.
Đến năm 2011, nhà sinh học Brian Foy đã viết bài đăng trên tạp chí Emerging Infectious Diseases nêu lên nghi ngờ vợ ông bị nhiễm virus Zika qua đường tình dục.
Đến tháng 2-2015, tạp chí Emerging Infectious Diseases đã mô tả ca thứ hai nhiễm virus Zika qua đường tình dục.
Năm 2013, dịch virus Zika từng bột phát tại Polynésie thuộc Pháp và một cư dân trên đảo Tahiti đã bị nhiễm.
Hai tháng sau khi nhiễm, vào tháng 12-2013, các nhà nghiên cứu Pháp tìm thấy virus Zika trong tinh dịch và nước tiểu của người này trong khi virus Zika trong máu không còn nữa.
Zika không chỉ ở Mỹ Latinh
Ngày 2-2 tại Genève (Thụy Sĩ), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo thành lập một đơn vị đáp ứng toàn cầu nhằm đối phó kịp thời với virus Zika.
Đơn vị này sẽ đóng tại Nam Mỹ nhưng dự kiến có thể mở rộng sang châu Phi và châu Á.
Tại cuộc họp báo của WHO, TS Anthony Costello, chuyên gia về chứng teo não, giải thích: “Chúng tôi lo ngại virus Zika có thể lây lan nhiều khu vực khác tại nơi người dân chưa phòng tránh.
Chúng tôi biết muỗi mang virus Zika có mặt ở phần lớn châu Phi, các nước Nam Âu và nhiều khu vực ở châu Á, đặc biệt ở Nam Á”.
Hôm 2-2, Bộ Y tế Thái Lan đã thông báo vừa phát hiện một người đàn ông nhiễm virus Zika. Nhiều ca khác đã từng được phát hiện từ năm 2012. Ở Indonesia đã có ca dương tính với virus Zika trên đảo Sumatra.
Tại châu Phi, các ca nhiễm virus Zika vừa được phát hiện ở Cabo Verde.
TS Anthony Costello khẳng định: “Có vật trung gian truyền bệnh và chúng ta đang sống trên toàn cầu, virus Zika vượt Đại Tây Dương để đến Nam Mỹ được thì chắc chắn virus cũng có thể đi theo con đường ngược lại”.
Để đối phó với virus Zika, ngày 3-2, các bộ trưởng Y tế khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) đã tham gia hội nghị tại Montevideo (Uruguay).
Bộ Y tế Uruguay thông báo mục đích hội nghị nhằm đánh giá tình hình dịch tễ trong khu vực Nam Mỹ liên quan đến các bệnh nhiễm từ muỗi Aedes aegypti, vật trung gian truyền bệnh virus Zika.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn cầu về dịch virus Zika hôm 1-2.
Đây là lần thứ tư WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh trên toàn thế giới. Ba lần trước như sau:
- Ngày 11-6-2009: WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với dịch cúm gia cầm H1N1 ở châu Á sau khi virus lây nhiễm dễ dàng từ người sang người và từ nước này sang nước khác.
Tình trạng khẩn cấp đã được dỡ bỏ vào tháng 8-2010.
- Ngày 5-5-2014: WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu sau khi bệnh bại liệt lan tràn ở Afghanistan, Iraq và Guinea Xích đạo.
Virus lây nhiễm từ người sang người, tấn công hệ thần kinh và có thể gây bại liệt chỉ trong vài giờ. Chủ yếu bệnh nhân là trẻ dưới năm tuổi.
- Ngày 8-8-2014: WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với dịch Ebola. Đợt dịch này nghiêm trọng nhất từ khi Ebola được nhận dạng ở Trung Phi năm 1976.
Trong 29.000 ca nhiễm có 11.300 ca tử vong. 99% xuất hiện ở Guinea, Liberia và Sierra Leone.
___________________________________
7 ca có triệu chứng nhiễm virus Zika ở Hàn Quốc đều cho kết quả âm tính theo thông báo ngày 3-2 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hàn Quốc.
Hàn Quốc quyết định đưa virus Zika vào danh sách bệnh nhiễm quốc gia từ ngày 29-1.
_____________________________________
Cách duy nhất để ngăn chặn virus Zika là kiểm soát muỗi trung gian truyền bệnh hoặc cách ly hoàn toàn chúng với con người kèm theo các biện pháp giảm đói nghèo.
Ông WALTER COTTE, Giám đốc châu Mỹ của Liên hiệp Các Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế