Nới lỏng xuất khẩu, vũ khí Nhật Bản vẫn có nguy cơ ế: Vì sao?

Hải Vy |

Hiện thế giới không có mấy nhu cầu đối với vũ khí Nhật Bản. Những khách hàng tiềm năng của Nhật như Malaysia, Việt Nam... lại khó có thể mua vũ khí của nước này.

Mở cửa cho ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản tiến ra thị trường quốc tế là một bước tiến đáng kể, tuy nhiên, quá trình này không thể diễn ra trong một sớm một chiều.

Ngày 1/4/2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí của Nhật Bản và ban hành “3 nguyên tắc chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng”.

Trong đó, Nhật Bản sẽ được phép xuất khẩu vũ khí sau khi các đề nghị cung cấp trải qua một quá trình phê duyệt nghiêm ngặt để đảm bảo rằng giao dịch sắp thực hiện sẽ thúc đẩy hòa bình quốc tế và an ninh của Nhật Bản.

Mặc dù bước tiến trong chính sách xuất khẩu vũ khí không thu hút nhiều sự quan tâm hay tranh cãi như các sáng kiến an ninh khác của ông Abe nhưng đây là một sự thay đổi đáng kể trong vị thế quốc phòng của Nhật Bản.

1 năm rưỡi sau, vào ngày 1/10 năm nay, Bộ Quốc phòng Nhật Bản (MOD) đã thành lập Cơ quan Hậu cần, Công nghệ và Mua sắm (ATLA) hùng hậu với 1.800 nhân viên để giải quyết nhiều thách thức còn tồn tại trong việc thực hiện chính sách xuất khẩu mới.

Một nhóm 50 thành viên trong ATLA sẽ được phân công đặc biệt để thúc đẩy kế hoạch xuất khẩu vũ khí.

Trước thời cơ lịch sử này, tạp chí The Diplomat đã có bài viết thảo luận về những yếu tố thúc đẩy hướng chính sách mới của ông Abe và tìm hiểu xem con đường phía trước của chính phủ, cũng như ngành công nghiệp vũ khí Nhật Bản sẽ ra sao.

Những lo ngại mang tính chiến lược và liên quan đến ngành công nghiệp đã thúc đẩy chính phủ Nhật Bản.

Tuy nhiên, sự không chắc chắn trong cách thực hiện những thay đổi này và nhu cầu vẫn còn tương đối ít đối với vũ khí Nhật Bản trên thị trường quốc tế sẽ đặt ra những khó khăn lớn.

Các cuộc thảo luận được công bố với Ấn Độ và Australia, liên quan tới khả năng cung cấp thủy phi cơ tìm kiếm – cứu nạn US-2 và tàu ngầm diesel-điện lớp Soryu, là 2 trường hợp hiếm hoi.

Thủy phi cơ US-2
Thủy phi cơ US-2

Trong tương lai, Nhật Bản có vẻ sẽ tập trung mở rộng xuất khẩu những thiết bị nhỏ hơn, thay vì các loại vũ khí đắt tiền như vậy.

Các yếu tố thúc đẩy

Điều gì đã thúc đẩy ông Abe nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí? Theo Jeffrey Hornung, nhà phân tích các vấn đề an ninh và đối ngoại tại Quỹ hòa bình Sasakawa, Nhật Bản muốn:

1 – Giảm chi phí mua sắm trong nước.

2 – Tăng cường hợp tác với Mỹ.

3 – Trở thành đối tác an ninh tích cực hơn với các quốc gia có cùng chung chí hướng, lợi ích.

Giảm chi phí là yếu tố được đặc biệt ưu tiên bởi các loại vũ khí nội địa của Nhật Bản hiện nay có mức giá “cắt cổ”. Nếu Chính phủ Nhật Bản muốn tăng cường năng lực, họ phải có khả năng trang bị công nghệ với mức giá rẻ hơn.

Do chi phí dành cho công tác nghiên cứu và phát triển rất cao nên việc bán được nhiều sản phẩm sẽ giúp giảm chi phí trên mỗi đơn vị, ở mức độ gần như thường xuyên.

Một ví dụ trong trường hợp này là thỏa thuận bán tàu ngầm lớp Soryu cho Australia. Nếu Nhật Bản giành được hợp đồng này, chi phí của mỗi con tàu sẽ giảm xuống vì chi phí đầu tư nghiên cứu và thiết kế tàu ngầm Soryu là một khoản cố định đã được chi trả trước đó.


Tàu ngầm lớp Soryu

Tàu ngầm lớp Soryu

Tuy nhiên, liệu việc nới lỏng lệnh cấm vũ khí có dẫn tới sự thay đổi về giá cả trong thời gian ngắn hay không vẫn là một câu hỏi mở.

Trên thực tế, việc giảm giá này có thể phải mất nhiều năm, nếu không muốn nói là hàng thập kỷ, mới có thể trở thành hiện thực do vẫn còn tồn tại nhiều nghi ngại về mức độ cạnh tranh của ngành xuất khẩu vũ khí Nhật Bản trên thị trường quốc tế.

Stephen T. Ganyard, chủ tịch công ty tư vấn Avascent International, cho rằng nhu cầu còn ít ỏi với vũ khí Nhật là trở ngại lớn để đạt được mục tiêu của chính phủ nước này.

Theo Ganyard, hiện thế giới không có mấy nhu cầu đối với vũ khí Nhật do nước này thiếu tầm nhìn, ít các sản phẩm mang tính cạnh tranh toàn cầu trong khi mức giá quá cao.

Cho tới hiện tại, khách hàng duy nhất của các nhà sản xuất quốc phòng Nhật Bản là chính phủ của nước này. Điều đó khiến ngành công nghiệp Nhật Bản thiếu các nguyên tắc thị trường cơ bản.

Ganyard cho biết, ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản là “một thế giới riêng, với những quy luật riêng”.

Chính phủ Nhật Bản là bên định giá cho các loại vũ khí và không chịu tác động của thị trường quốc tế. Hiện chưa có cơ chế nào để đạt được hiệu quả đề ra.

Có vẻ như điều trái khoáy nhất là những quốc gia có tiềm năng trở thành khách hàng đầu tiên của vũ khí Nhật, như Malaysia, Việt Nam, Indonesia, Philippines và Thái Lan, lại có nguy cơ không đủ tiền mua chúng.

Các quốc gia khác có nguồn tài chính để mua những sản phẩm tốt nhất, như Singapore, sẽ tiếp tục lựa chọn vũ khí từ Mỹ, do vũ khí Nhật Bản không còn là loại tiên tiến nhất hay chúng cũng chưa từng được thử nghiệm thực chiến.

Do đó, xét từ góc độ kinh tế, những lợi ích trong ngắn hạn của việc nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí vẫn còn nhiều vấn đề.

Tuy nhiên, nếu chỉ nhằm phục vụ những lợi ích chiến lược của cam kết tăng cường năng lực thì điều quan trọng đối với Nhật Bản lúc này là bắt đầu bổ sung nguyên tắc thị trường vào ngành công nghiệp.

Xuất khẩu và hợp tác sản xuất vũ khí sẽ mang lại nhiều hơn sự cân bằng bên trong – củng cố năng lực công nghiệp nội địa của Nhật, giảm phụ thuộc vào Mỹ - và sự cân bằng bên ngoài - lợi tức có được ở sẽ giúp Nhật chi trả cho các nghiên cứu và phát triển tương lai.

Đề nghị hợp tác chia sẻ công nghệ tàu ngầm giữa Nhật Bản và Australia là ví dụ cơ bản cho thấy Nhật Bản đang nỗ lực giảm bớt nỗi lo bị Mỹ “bỏ rơi” bằng cách chứng minh cam kết “chia sẻ gánh nặng” của mình.

Tại đây, sự cân bằng bên ngoài (ràng buộc Mỹ nhiều hơn với an ninh Nhật Bản) sẽ khớp với sự cân bằng bên trong (phát triển năng lực tự bảo đảm an ninh của Nhật Bản).

Narushige Michishita, Giám đốc Chương trình An ninh và Các nghiên cứu quốc tế tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia nói với Defense News:

“Bằng cách cung cấp vũ khí cho những quốc gia này, chúng ta có thể kiếm được tiền, cân bằng với Trung Quốc, tăng cường và thể chế hóa các quan hệ đối tác của chúng ta, trong khi giúp những quốc gia này củng cố năng lực. Đây là hợp tác các bên cùng có lợi”.

Xuất khẩu là yếu tố mà Nhật Bản cần có để khuyến khích hoạt động hiệu quả hơn từ phía các nhà sản xuất vũ khí. Đây là một sự thay đổi có lợi không chỉ cho Nhật Bản mà còn cho các đồng minh và đối tác của nước này.

Khi Mỹ đối mặt với áp lực ngân sách lớn hơn, Nhật Bản sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để chứng minh rằng họ là một đồng minh đáng để Mỹ bảo vệ.

Những “minh chứng” cho điều này sẽ đến từ việc thực hiện một cam kết nghiêm túc nhằm đáp lại nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực mà Mỹ tiến hành.

Những thách thức tương lai

Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều rào cản lớn do Nhật Bản hầu như không có kinh nghiệm sử dụng xuất khẩu vũ khí như một công cụ đối ngoại.

Mặc dù Nhật Bản đã bổ sung những nguyên tắc chính trị mới song chúng vẫn chưa được hệ thống hóa và các doanh nghiệp nước này sẽ không “bước vào sân chơi” cho tới khi một số vấn đề mơ hồ được làm sáng tỏ.

Trên thực tế, việc thiết lập những quy định mới khá phức tạp, đặc biệt là những quy định về việc sử dụng ngoài mục đích và chuyển giao cho bên thứ 3.

Theo Ganyard, sẽ là thảm họa nếu vũ khí Nhật cuối cùng lại được bán cho các tổ chức chính phủ hoặc phi chính phủ mà khiến nước này phải “bẽ mặt” vì đã cung cấp, dù trực tiếp hay gián tiếp.

Ganyard cho rằng, ngoài đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng, chính phủ Nhật Bản cần sẵn sàng cam kết chia sẻ rủi ro trong việc mở rộng sản xuất quốc phòng.

Điều này có thể được thực hiện qua những khoản vay lãi suất thấp dành cho những khách hàng tiềm năng hoặc tài trợ các chương trình nghiên cứu và phát triển.

Đối với các công ty Nhật Bản, theo Ganyard, sáp nhập là một cách để tạo sự răn đe chiến lược từ cơ sở công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ.

Phương thức độc đáo này sẽ cho phép Nhật Bản giành được vị trí trong thị trường quốc phòng toàn cầu thông qua việc sáp nhập, thâu tóm và mua lại quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm quốc phòng.

Tuy nhiên, một lần nữa, các công ty này cần được khích lệ. Họ cần cảm thấy thuyết phục rằng:

Khi đứng giữa 2 lựa chọn – mua lại 1 công ty nước ngoài không thuộc lĩnh vực quốc phòng, với các quy tắc rõ ràng và mua lại 1 công ty quốc phòng, với tương lai không chắc chắn thì việc thiết lập 1 công ty quốc phòng quốc tế sẽ xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra.

Những rủi ro cho các doanh nghiệp không chỉ nằm ở vấn đề tài chính mà còn là uy tín.

Các công ty lớn của Nhật Bản như ShinMaywa, Mitsubishi, Kawasaki, Hitachi và Toshiba không muốn bị mang tiếng là "sứ giả của thần chết".

Hội chợ vũ khí tổ chức tại Yokohama hồi tháng 5 năm nay đã thu hút tới 4.000 khách tham gia. Mặc dù đây là một bước tiến lớn nhưng đây là lần đầu tiên hình thức hội chợ này được tổ chức ở Nhật Bản.

Mô hình thủy phi cơ US-2 do tập đoàn ShinMaywa Industries sản xuất tại hội chợ ở Yokohama
Mô hình thủy phi cơ US-2 do tập đoàn ShinMaywa Industries sản xuất tại hội chợ ở Yokohama

Sự vắng mặt các loại súng, tên lửa và những thiết bị “gai góc” khác của Nhật Bản đã cho thấy tâm lý của nước này.

Yếu tố uy tín cũng lý giải tại sao chính phủ Nhật Bản rất hào hứng thúc đẩy việc bán các thủy phi cơ tìm kiếm, cứu nạn US-2 bởi sẽ dễ được lòng công chúng hơn khi đây là một giao dịch phi quân sự.

Trong tương lai, Ganyard tin rằng Nhật Bản sẽ tập trung vào xuất khẩu các thiết bị nhỏ hơn như cảm biến theo dõi trên các hệ thống tên lửa đạn đạo.

Tốc độ thực hiện cải cách mới sẽ phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của Nhật Bản trước mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên.

Tuy nhiên, những thách thức mà ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản phải đối mặt sẽ khiến tiến trình này diễn ra một cách chậm rãi và thận trọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại