Báo Nga: Đến năm 2020, Việt Nam có thể trang bị tiêm kích Su-35

Ly Vy |

Theo tờ Lenta (Nga), Việt Nam xếp hạng cao trong các khách hàng tiềm năng của Su-35.

Tờ Lenta (Nga) ngày 15/7 dẫn thông tin từ báo cáo thường niên của Công ty nghiên cứu và chế tạo thiết bị liên lạc hàng không Polet (Flight, Nga) cho biết:

Công ty này đang sản xuất các hệ thống thông tin liên lạc hàng không gọi là C-107-1 lắp đặt trên tiêm kích Su-35 của Không quân Nga và loại xuất khẩu là C-108.

Ước tính đến năm 2020, Polet sẽ giao 96 bộ C-107-1 cho Không quân Nga, 24 bộ C-108 cho Trung Quốc, 60 bộ cho Việt Nam, Venezuela và Indonesia.

Số lượng bộ thiết bị này khớp với những dự đoán trước đó rằng Trung Quốc đặt hàng 24 chiếc Su-35.

Máy bay chiến đấu Su-35 của Không quân Nga.
Máy bay chiến đấu Su-35 của Không quân Nga.

Trước đó, một số chuyên gia nhận định, hợp đồng cung cấp Su-35 cho Venezuela có ít khả năng xảy ra nhất, bởi tình hình kinh tế của quốc gia này không thuận lợi cho một hợp đồng mua vũ khí lớn.

Việt Nam xếp hạng cao trong các khách hàng tiềm năng của Su-35, song các chuyên gia cho rằng, việc đặt hàng các máy bay chiến đấu Su-35 chỉ có thể diễn ra vào cuối thập kỷ này.

Trong khi đó, hợp đồng với Indonesia khá khó dự đoán.

Indonesia và Việt Nam từ lâu đã được đánh giá là khách hàng tiềm năng của Su-35 tại khu vực Đông Nam Á.

Hồi tháng 2/2014, phát biểu bên lề triển lãm hàng không Singapore, ông Mikhail Tyukhanov, Giám đốc marketing của Sukhoi cho biết công ty hiện có 3 khách hàng chủ lực tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm: Việt Nam, Indonesia và Malaysia.

Theo ông Tyukhanov, đây đều là các khách hàng tiềm năng của 2 loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất do Sukhoi sản xuất: Su-35 Super Flanker và T-50 PAK-FA.

Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ là quốc gia đầu tiên được Nga xuất khẩu Su-35. Trở ngại chính nằm ở số lượng đặt mua.

Theo một số nguồn tin, phía Trung Quốc muốn hạn chế tối đa số lượng máy bay đặt mua trong khi phía Nga muốn Bắc Kinh phải mua ít nhất 48 chiếc.

Một hợp đồng lớn với những điều khoản phạt trong trường hợp chấm dứt hợp đồng sớm sẽ đảm bảo Nga được bồi thường đầy đủ nếu Trung Quốc tự phát triển phiên bản nội địa của Su-35, như nước này từng cho ra đời phiên bản J-11 sau khi mua Su-27.

Con số thỏa hiệp cuối cùng là 24 chiếc. Giá trị của hợp đồng này không được công bố nhưng ước tính tổng chi phí có thể trên 3 tỷ USD (bao gồm vũ khí, phụ tùng thay thế, đào tạo, bảo dưỡng và các chi phí khác).

Theo các chuyên gia, cho dù Trung Quốc có sử dụng Su-35 để nghiên cứu thiết kế các mẫu máy bay thế hệ kế tiếp thì khoảng thời gian này cũng mất từ 10-12 năm.

Như vậy, Nga sẽ có đủ thời gian để hiện đại hóa Su-35, sản xuất hàng loạt và xuất khẩu máy bay thế hệ năm T-50.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại