Siêu tàu ngầm Nga có thể khiến TSB Mỹ "một đi không trở lại"?

Hải Vy |

Tạp chí National Interest (Mỹ) dẫn nguồn tin từ báo chí Nga cho biết, Nga đang thiết kế một lớp tàu ngầm có khả năng tiêu diệt tàu sân bay.

"Sát thủ tàu sân bay"

Tờ The Moscow TimesPravda dẫn lời ông Anatoly Shlemov, đại diện Tập đoàn đóng tàu thống nhất Nga (USC) cho biết:

Nga hiện đang chế tạo 2 mẫu tàu ngầm thế hệ 5 trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa quân đội mà Tổng thống Vladimir Putin đã đề ra.

Mẫu tàu đầu tiên sẽ được thiết kế để ngăn chặn các tàu ngầm chiến lược của đối phương, còn mẫu tàu thứ 2 sẽ nhắm tới mục tiêu là các tàu mặt nước cỡ lớn, đặc biệt là tàu sân bay.

Tạp chí National Interest nhận định, "mục tiêu" ở đây sẽ là các tàu sân bay Mỹ.

"Mặc dù các thiết kế này chưa được định danh nhưng một mẫu sẽ là 'tàu ngầm đánh chặn' và mẫu còn lại là 'sát thủ tàu sân bay'" - Tờ The Moscow Times dẫn lời ông Shlemov cho hay.

"Mục tiêu chính của mẫu đầu tiên (tàu ngầm đánh chặn) là bảo vệ nhóm các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và giao chiến với tàu ngầm đối phương. Mẫu tàu thứ 2 sẽ mang theo tên lửa để tiêu diệt các mục tiêu mặt nước và ven biển của đối phương" - ông Shlemov nói.

Hai mẫu tàu ngầm mới của Nga sẽ dựa trên một thiết kế chung, điểm khác biệt chủ đạo giữa chúng là mục đích sử dụng và hệ thống vũ khí.

Tờ The Moscow Times cho biết, 2 mẫu tàu ngầm mới sẽ thay thế cho các tàu ngầm hạt nhân đa nhiệm lớp Victor, Sierra và Oscar II đã hoạt động từ thời Liên Xô.

Theo thông tin từ tạp chí National Interest vào tháng trước, Nga đã xúc tiến công tác phát triển tàu ngầm thế hệ 5.

Vladimir Dorofeyev, CEO của Cục thiết kế hàng hải Malakhit  (Nga) nói với hãng thông tấn TASS rằng, dự án tàu ngầm thế hệ 5 đã được tiến hành và sẽ triển khai chế tạo sau khi dự án tàu ngầm hạt nhân Yasen hoàn tất.

Tư lệnh Hải quân Nga Viktor Chirkov sau đó đã xác nhận thông tin này trong một hội nghị: "Để tránh bị trì hoãn, chúng tôi đã bắt đầu công tác thiết kế lớp tàu ngầm kế tiếp, tiêu biểu là tàu ngầm thế hệ 5".

Dự án tàu ngầm thế hệ 5 là một phần trong nỗ lực phục hồi ngành công nghiệp đóng tàu ngầm của Nga. Sau khoảng thời gian xuống dốc trong phần lớn thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, ngành công nghiệp Nga gần đây đã cho ra mắt 2 lớp tàu ngầm thế hệ 4.

Các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) lớp Borei đã được đưa vào biên chế Hải quân Nga từ năm 2013 và sẽ là một thành phần trong bộ 3 răn đe hạt nhân của Nga.

Tàu ngầm Project 885 (lớp Yasen) của Nga trong quá trình thử nghiệm. Ảnh: Viện Hải quân Mỹ

Tàu ngầm Project 885 (lớp Yasen) của Nga trong quá trình thử nghiệm. Ảnh: Viện Hải quân Mỹ

Chiếc tàu ngầm tấn công đầu tiên lớp Yasen cũng được Nga đưa vào biên chế năm 2013 và đã khiến nhiều sĩ quan Mỹ vô cùng ấn tượng.

Giống như tàu ngầm "sát thủ tàu sân bay" thế hệ 5 của Nga, tàu ngầm lớp Yasen được thiết kế để tiêu diệt các tàu mặt nước của đối phương.

Theo nhà báo Dave Majumdar trên tạp chí National Interest, các tàu ngầm lớp Yasen trang bị 24 ống phóng có thể bắn tên lửa siêu thanh P-800 Onik, với khả năng tiêu diệt mục tiêu cách xa gần 200 hải lý.

Bên cạnh đó, tàu ngầm Severodvinsk còn phóng được tên lửa hành trình tấn công mặt đất có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Novator RK-55 Granat với tầm bắn 1.600 hải lý.

Chưa hết, ống phóng ngư lôi trên tàu ngầm Yasen còn có thể phóng các tên lửa chống tàu và tấn công mặt đất 3M14 Kalibr và 3M54 Biryuza, với tầm bắn gần 300 hải lý.

Model of Russian submarine Severodvinsk built for NAVSEA. US Naval Institute Photo

Do quá ấn tượng với tàu ngầm lớp Yasen, Chuẩn Đô đốc David Johnson của Mỹ đã yêu cầu làm một mô hình tàu ngầm K-329 Severodvinsk cho phòng làm việc của mình. Ảnh: Viện Hải quân Mỹ

Những hoài nghi

Tuy nhiên, theo National Interest, một số chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của đội tàu ngầm vừa chớm nở của Nga.

Điển hình là Norman Friedman, một chuyên gia phân tích hải quân lâu năm, nói với tờ Defense News rằng, ông "hoài nghi" về sự bùng nổ các chương trình thiết kế và chế tạo tàu ngầm mới của Nga.

Nguyên do là trong quá khứ, Nga từng có nhiều dự án tàu ngầm được vạch ra nhưng không thể hoàn thành trong một thời gian dài.

"Họ có thể khởi đóng các tàu ngầm này nhưng quá trình chế tạo chúng sau đó mới là vấn đề" - ông Friedman nói.

Song, vẫn có một số chuyên gia khác không đồng tình với quan điểm này. Chuyên gia Bryan Clark tại Trung tâm đánh giá Chiến lược và Ngân sách nhận định:

Nga đã đầu tư tiền của để phát triển và chế tạo tàu ngầm. Họ coi đó là một cách  tạo ra lợi thế phi đối xứng đối với các lực lượng Mỹ.

Nếu Nga có thể phát triển một lực lượng tàu ngầm thực sự mạnh mẽ như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh thì điều này sẽ là một thách thức lớn đối với các nhà hoạch định kế hoạch hải quân và chiến lược Mỹ, khi họ phải tìm ra cách đối phó với mối đe dọa tiềm tàng từ Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại