Hồng quân người Việt: Vụ biến mất bí ẩn trong ký ức người chép sử

Long Nguyễn - Ngọc Tú - Phan Hồng Hà |

Hành trình về Nghệ An, tìm lại ký ức về các chiến sĩ Hồng quân người Việt đã chiến đấu và hy sinh trên phòng tuyến Moscow.

Chiến sĩ Hồng quân người Việt - Những chuyện chưa bao giờ được kể

Bảo vệ Moscow: Hành trình kỳ lạ của người Việt duy nhất còn sống

Câu chuyện của người chép sử

Khi bắt đầu loạt bài này, chúng tôi đã tha thiết mong gặp được thân nhân các chiến sĩ người Việt chiến đấu trên phòng tuyến Moscow những ngày máu lửa trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô.

Bởi như nhà thơ Nga Yevgeny Yevtushenko đã viết "mỗi số phận chứa một phần lịch sử", số phận của họ, cuộc đời của họ, dù chỉ vụt lóe lên như một ngôi sao băng lướt qua bầu trời, cũng đủ để soi sáng nhiều điều về một giai đoạn lịch sử không thể nào quên.

Tâm nguyện ấy thúc giục chúng tôi tìm về xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An, quê hương của 4 trong số 5 chiến sĩ người Việt được truy tặng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng nhất. Tại đây, qua nhiều lần dò hỏi, chúng tôi gặp được một người...

... Đã ngoài 80, sức khỏe phần nhiều giảm sút, chỉ có thể lí giải chính bởi sự nhiệt thành cùng lương tâm trách nhiệm, mới khiến cụ Hoàng Xuân Đàn (xóm Hoàng Trù, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An), trong cái tiết trời oi nồng xứ Nghệ này, nhọc công giúp chúng tôi đến thế.

Trong căn nhà ngói đơn sơ, bên cạnh tập tài liệu đã mở sẵn, cụ Đàn say sưa khi lần đầu chia sẻ những hiểu biết của mình về những con người đã vì lý tưởng cao đẹp mà thác mãi thân mình nơi đất khách quê người.


Cụ Hoàng Xuân Đàn đã dày công tìm hiểu về những người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống trong cuộc chiến tại Moscow

Cụ Hoàng Xuân Đàn đã dày công tìm hiểu về những người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống trong cuộc chiến tại Moscow

“Ít nhất là có 5 người, 4 ở Nghệ An còn 1 ở Hà Nội, đều trẻ trung và ưu tú, đã sát cánh với nhân dân và quân đội Liên Xô, làm nên chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc trước 2 triệu quân phát xít Đức”, cụ Đàn nhấn mạnh khi chúng tôi bắt đầu câu chuyện.

Thông tin cụ Đàn đưa ra không phải quá mới, nó dường như đã lác đác xuất hiện ở đâu đó từ những năm 90 của thế kỉ trước, nhưng chỉ như làn sương sớm. Thế nên, khi nhìn vào đôi mắt ngời sáng của người thầy giáo già, chúng tôi càng thấy sự cuốn hút kỳ lạ.

Cụ Đàn bảo, trước khi đến với phần bi tráng, hãy để cụ kể thêm về những gì đã xảy đến với nơi cụ đang sinh sống ở thời điểm gần 100 năm về trước, những năm 1920.


Cụ Đàn đã phải dựa vào rất nhiều nguồn tài liệu khác nhau để khái quát được toàn bộ nội dung câu chuyện

Cụ Đàn đã phải dựa vào rất nhiều nguồn tài liệu khác nhau để khái quát được toàn bộ nội dung câu chuyện

Lúc ấy, cụ Đàn còn chưa ra đời nên cũng chỉ được nghe kể lại, cũng có chi tiết không thể xác minh.

Sau này, khi được chính quyền xã Kim Liên giao trọng trách biên soạn một cuốn sách lịch sử địa phương, cụ Đàn mới có dịp xâu chuỗi các sự kiện lại, cố gắng khái quát nhất có thể bối cảnh thời ấy.

Những vụ biến mất bí ẩn

Theo lời cụ Đàn, vào thời kỳ lịch sử trên, ở tổng Kim Liên vốn đã rất nghèo đói, lại thỉnh thoảng xảy ra những vụ biến mất bí ẩn.

Một số thiếu niên từ độ 12 - 15 tuổi, đều được đánh giá là nhanh nhẹn và thông minh bỗng nhiên lặng lẽ đi khỏi nhà. Nhiều năm sau, cũng không thấy người nào trở lại.

Aleksandr Kazitsky, người từng là Chủ tịch Hội đồng Cựu chiến binh OMSBON nhớ lại rằng ông đã nhiều lần gặp gỡ những chiến sĩ người Việt khi đang hành quân hay trên chiến hào nơi tiền tuyến.

Ông đã nhìn thấy họ bắn rất trúng đích vào quân thù. Ông tin chắc rằng đó là những con người dũng cảm.

Những chiến sĩ người Việt nói tiếng Nga rất thạo và thích hát những bài ca Nga. Aleksandr Kazitsky nhớ rằng các chiến sĩ tình nguyện này đã cùng với các đồng đội Nga chia sẻ mọi khó khăn gian khổ ngoài mặt trận.

(Nguồn: Sputnik)

Cho đến cuối năm 1986, tức là đằng đẵng hơn nửa thế kỷ sau...

Một phái đoàn từ nước bạn xa xôi, chiếu theo sắc lệnh của Đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô, đã truy tặng Huân chương "Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại" hạng Nhất và Huy chương vinh danh 40 năm Chiến thắng cho 5 người Việt Nam - những chiến sĩ quốc tế.

Trong số này, có 4 người là các thanh thiếu niên ở tổng Kim Liên, đã thoát ly gia đình từ nhiều thập kỷ trước. Đó là các liệt sĩ Vương Thúc Tình, Lý Nam Thanh, Lý Thúc Chất, Lý Anh Tạo.


Những bằng chứng nhận và huân chương bằng tiếng Nga được trao cho thân nhân liệt sĩ Lý Thúc Chất

Những bằng chứng nhận và huân chương bằng tiếng Nga được trao cho thân nhân liệt sĩ Lý Thúc Chất

Sự kiện lạ lùng đó ngay lập tức đã tạo ra cơn địa chấn rung động cả một vùng quê.

Cụ Đàn cho biết:

“Lúc đầu, gia đình của những liệt sĩ này còn chẳng hiểu cụm từ “Chiến sĩ Quốc tế” là gì, và tại sao tự nhiên lại được phong tặng nhiều danh hiệu đến thế, bởi hình ảnh của họ đã rất mờ nhạt rồi.

Thế nên khi hiểu chuyện, ai nấy đều rớt nước mắt mừng vui, xúc động và cả tự hào nữa”.

Cũng theo lời cụ Đàn, để có được những ghi nhận như trên, là cả một nỗ lực không biết mệt mỏi của nhiều người Nga, các nhà văn, nhà báo, nhà lịch sử.


Tên tuổi các chiến sĩ được vinh danh trên đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Tên tuổi các chiến sĩ được vinh danh trên đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Những thông tin cụ Đàn cung cấp cho chúng tôi cũng khá trùng khớp với những gì mà chúng tôi thu thập được trước đó, nhờ sự giúp đỡ của nhà Việt Nam học A.A.Sokolov.

Theo ông Sokolov, trong họ tên của các chiến sĩ Việt Nam ra mặt trận đều có một từ chung là Lý. Được biết, vào những năm hoạt động ở Trung Quốc nửa cuối những năm 20 thế kỷ trước, Hồ Chí Minh mang biệt danh Lý Thụy.

Cũng vào thời kỳ ấy Hồ Chí Minh tích cực tiến hành công tác đào tạo cán bộ cách mạng trong hàng ngũ thanh niên Việt nam.

Tiến sĩ Sokolov dẫn các tài liệu của nhà báo Hồ Bất Khuất (bài đăng trên Tạp chí cộng sản, số 11/1987) cho biết có ba thanh niên Việt Nam trong xã Kim Liên: Nguyễn Sinh Thành, Vương Thúc Toại và Hoàng Tô đã sang Xiêm.

Một năm sau đó họ đã có mặt ở Trung Quốc. Tại đây, họ đã gặp Hồ Chí Minh, bắt đầu con đường hoạt động cách mạng. Đồng thời họ cũng mang những cái tên mới: Lý Nam Thanh, Lý Thúc Chất và Lý Anh Tạo.

Sau khi đến Trung Quốc, bằng cách nào mà các thanh niên Việt Nam sang được Moscow để theo học các trường đào tạo ở đây?

Theo ông Sokolov, từ những năm 1920, chí sĩ Phan Bội Châu đã bí mật tiếp xúc với phía Liên Xô, cùng vạch ra một lộ trình tới Moscow: Đến Thượng Hải, lên tàu biển của Liên Xô đi thành phố Vladivostok, rồi đi xe lửa theo tuyến đường sắt xuyên Siberia để tới Moscow.

Chính theo lộ trình này năm 1934 Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai và các đồng chí khác đã đến được thủ đô Moscow.

Ngoài ra, còn có thể đi bằng một con đường khác. Đã có những người Việt Nam đến Moscow bằng cách đi tàu biển đến Hồng Kông, từ đó đi tiếp đến Hắc Long Giang, và có người dẫn băng qua núi đi đến trạm gác đầu tiên của biên phòng Liên Xô.

Tiếp theo là đi xe lửa đến Vladivostok, và từ đó đi tàu lên Moscow.

... Từ những trang sử, nhờ sự giúp đỡ của cụ Đàn, chúng tôi đã gặp được thân nhân của các ông Lý Thúc Chất và Lý Anh Tạo. Đó là một cuộc gặp gỡ để lại nhiều ấn tượng...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại