Ngày 9/5 năm nay, nhân loại kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng hoàn toàn của các nước Đồng Minh (trong đó có Liên Xô) đối với quân đội Đức Quốc xã.
Để đi đến Ngày Chiến thắng 9/5, quân và dân Xô viết đã trải qua những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh với những chiến công hiển hách, trong đó, không thể không nhắc đến trận đánh bảo vệ thủ đô Moscow.
Nguyên soái Liên Xô Georgy Konstantinovich Zhukov từng nói rằng: "Khi người ta hỏi tôi, điều gì khiến tôi nhớ nhất trong cuộc chiến tranh vừa qua, tôi luôn trả lời: Đó là trận đánh bảo vệ Moscow".
Có một điều vô cùng thiêng liêng và đặc biệt mà không nhiều người Việt Nam hiện nay được biết: Đó là trong chiến công đi vào lịch sử ấy, có sự đóng góp máu xương của những người con ưu tú đất Việt.
Những ngày mùa đông lạnh lẽo cuối năm 1941, đã có những chiến sĩ Hồng quân người Việt Nam ngã xuống ngay ở cửa ngõ Moscow.
Hành trình đi tìm danh tính của các chiến sĩ này từ phía Liên Xô và Việt Nam đã cho chúng ta biết được tên tuổi của những người anh hùng đó. Đã có 5 tấm Huân chương Vệ quốc hạng nhất được truy tặng cho các chiến sĩ Hồng quân người Việt, từ năm 1987.
Nhưng vẫn còn những câu chuyện khác, những câu chuyện chưa bao giờ được kể về họ, những người đã viết nên một trong những trang cảm động nhất trong quan hệ giữa hai nước.
Hành trình tìm danh tính
Trong cuộc hành trình đi tìm lại thân nhân những chiến sĩ Hồng quân Việt Nam, bằng nhiều mối quan hệ, chúng tôi đã có trong tay bản gốc bài báo “Những người đồng hương từ Nghệ Tĩnh” đăng trên tạp chí “Người cộng sản” số 11/1987 (từ trang 95 - 101).
Ảnh bài báo trên tạp chí "Người cộng sản"
Ở trang 99, bài báo của hai tác giả E.Kobelev và N.Solntsev có đoạn viết:
”Tháng 11/1967, trong một buổi chiều hiếm hoi không vang lên tiếng còi báo động máy bay, Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Tôn Đức Thắng thông báo trong cuộc trò chuyện với một trong hai tác giả bài báo này:
Khoảng đầu năm 1942, tôi bị giam trong nhà lao thuộc địa ở Côn Đảo. Chúng tôi nhận được thông tin từ đất liền về chiến thắng của Hồng quân ở ngoại ô Moscow.
Các đồng chí khi đó còn nói rằng, trong số những chiến sĩ tham gia trận đánh có mấy người Việt Nam…”
Tiếp tục thu thập tư liệu, chúng tôi tiếp cận được với cuốn hồi ký “Những chiến sĩ của mặt trận thầm lặng” của Ivan Vinarov, được dịch từ tiếng Bulgaria, do NXB Quân đội Liên Xô xuất bản năm 1971.
Ivan Vinarov (1896-1969) là một chiến sĩ cộng sản Bulgaria đã nhiều năm hoạt động ở các nước châu Âu và Liên Xô.
Năm 1941, Ivan Vinarov được chỉ định làm Chính ủy trung đoàn quốc tế, thuộc Lữ đoàn mô-tô cơ động đặc nhiệm (OMSBON), đơn vị thành lập ngay sau khi chiến tranh nổ ra (ngày 22/6/1941).
Trong hồi ký, trung tướng Vinarov cho biết trung đoàn này có khoảng 1.000 chiến sĩ, là người Tây Ban Nha, Bulgaria, Hy Lạp, Pháp… và 6 chiến sĩ người Việt Nam.
Lữ đoàn OMSBON (ảnh tư liệu)
Cùng với các đồng đội trong trung đoàn quốc tế của OMSBON, 6 chiến sĩ Việt Nam đã có mặt trên Quảng trường Đỏ tham dự Lễ duyệt binh lịch sử ngày 7/11/1941, để rồi từ đó tiến thẳng ra mặt trận, khi đó chỉ cách trung tâm thủ đô chưa đầy 30 km.
Theo nhà Việt Nam học người Nga A.A.Sokolov, người đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong loạt bài này, thì vào nửa cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, có hai người Nga đã khởi xướng việc tìm kiếm các chiến sĩ quốc tế người Việt Nam tham gia bảo vệ Moscow.
Đó là nhà báo, nhà sử học E.V.Kobelev và nhà báo N.N.Solnsev (khi đó là lãnh đạo Ban tiếng Việt Đài phát thanh nước Nga).
Nhờ sự nỗ lực của Ban biên tập tiếng Việt Đài phát thanh Moscow thông qua cuộc thi “tìm kiếm quốc tế” tổ chức trên Đài, cộng với sự giúp đỡ nhiệt tình của Hội hữu nghị Việt-Xô, Xô-Việt mà dần dần, danh tính của 4 trong 6 chiến sĩ Hồng quân người Việt đã sáng tỏ.
Đó là các chiến sĩ Vương Thúc Tình, Lý Anh Tạo, Lý Nam Thanh, Lý Thúc Chất. Trong số họ, 3 chiến sĩ Hồng quân Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Thúc Chất đã anh dũng hi sinh trong trận chiến với phát xít Đức ở cửa ngõ thủ đô Moscow vào tháng 12/1941.
Ngoài ra, nhóm tìm kiếm cũng đã xác định được danh tính ông Lý Phú San, người không tham gia chiến đấu mà làm công tác hậu cần tại quân y viện Moscow ngay trong những ngày thủ đô Liên Xô bị quân Đức bao vây.
Ngày 12/12/1986, theo Sắc lệnh của Đoàn Chủ tịch đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô, Nhà nước Liên Xô đã truy tặng Vương Thúc Tình, Lý Thúc Chất, Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Phú San Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng nhất.
Huân chương này ghi nhận “lòng dũng cảm thể hiện trong các trận chiến đấu chống bọn xâm lược Đức phát xít để bảo vệ Moscow” của các chiến sĩ. Ngoài ra, họ còn được truy tặng Huy chương vinh danh 40 năm Chiến thắng.
Bản chụp Sắc lệnh của Đoàn Chủ tịch đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô
Theo tin trên báo Nhân dân ra ngày 17/12/1986, phái đoàn Liên Xô do ông E.K. Ligachev, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng dẫn đầu sang Hà Nội dự Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI đã trao những tấm Huân chương này cho thân nhân các chiến sĩ.
Ảnh chụp trang báo Nhân dân số ra ngày 17/12/1986.
Đại sứ Liên xô tại Việt Nam D.I.Kachin trao tặng những tấm Huân chương cho thân nhân các chiến sĩ Hồng quân người Việt.
Huân chương Chiến tranh Vệ quốc
Nhờ vào các thông tin phản hồi nhận được từ nhiều phía, đến tháng 12/2014, nhà báo Aleksey Syunnerberg (Đài tiếng nói nước Nga) đã chính thức công bố thêm danh tính hai chiến sĩ Hồng quân người Việt còn lại, đó là Lý Văn Minh và Lý Chí Thông.
Những câu chuyện chưa bao giờ được kể
Nay, nhân dịp kỉ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử của quân và dân Xô Viết, phóng viên chúng tôi đã may mắn tìm đến được với thân nhân của các chiến sĩ Hồng quân người Việt năm nào, những người từ trước đến nay mới chỉ được biết đến qua những cái tên.
Mong rằng, qua những cuộc trò chuyện của chúng tôi với người thân của những chiến sĩ này, quý độc giả sẽ hiểu rõ hơn về cuộc đời họ, những người con Việt Nam đã mang dòng máu thanh xuân góp phần vào một trong những chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.
Trong kỳ tới, kính mời quý độc giả đón đọc bài viết về cuộc đời nhiều thăng trầm và ly tán của ông Lý Phú San, người duy nhất còn sống trong số 5 người Việt Nam được Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô truy tặng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc.
(Còn tiếp...)