Chiến sĩ Hồng quân người Việt - Những chuyện chưa bao giờ được kể
Trong số 5 người Việt Nam được Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô truy tặng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng nhất vào tháng 12/1986 vì chiến công bảo vệ Moscow, chỉ duy nhất có ông Lý Phú San là còn sống, sau đó trở về quê hương.
Khi biết chúng tôi muốn viết về ông Lý Phú San, qua thư từ trao đổi, nhà Việt Nam học uy tín Anatoly Sokolov đã nói đây là công việc vô cùng khó khăn, bởi đến nay các thông tin chính xác về ông còn khá ít ỏi.
Tuy nhiên, tiến sĩ Sokolov vẫn cung cấp cho chúng tôi những tài liệu về Lý Phú San, do ông tổng hợp từ Cục lưu trữ Nga, các tài liệu của cơ quan Nhà nước Liên Xô, Quốc tế Cộng sản, và hồi ký của các nhà hoạt động chính trị xã hội Liên Xô và nhiều nước khác.
Qua một đồng nghiệp ở Đài Sputnik của Nga, chúng tôi cũng đã nối được thông tin với chị Lê Thị Phượng, con gái của ông Lý Phú San, hiện đang sống ở thủ đô Moscow.
Người viết cũng đã liên hệ với Cục phục vụ ngoại giao đoàn, Đại sứ quán Nga tại Hà Nội, những nơi ông Lý Phú San đã từng công tác, nhưng rất tiếc là không nơi nào còn giữ được những tư liệu về ông.
Còn có những khoảng thời gian bị che khuất, còn có nhiều sự kiện cần phải xác minh về cuộc đời không bình lặng của ông Lý Phú San, người đã được Nhà nước Liên Xô trao tặng những phần thưởng cao quý.
Nhưng các tài liệu lưu trữ, những cuộc trò chuyện cũng đã phần nào cho chúng ta biết được về ông, qua những ngã rẽ của lịch sử và số phận.
"Ba chìm bảy nổi"
Khi trò chuyện với chúng tôi về cuộc đời người cha yêu quý của mình, chị Lê Thị Phượng nhiều lần dùng đến câu ngạn ngữ này.
Cũng đúng thôi, bởi cuộc đời của ông Lý Phú San khá vất vả, với dằng dặc những cuộc hành trình, không đơn giản như “đi qua một cánh đồng”, như người Nga vẫn hay nói trong một câu ngạn ngữ.
Theo chị Phượng, ông Lý Phú San tên thật là Lê Phan Chăn, sinh ngày 1/6/1900, tại xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Trong giấy tờ đi làm sau này của ông ở Việt Nam, chỉ ghi vỏn vẹn là sinh năm 1904.
Lớn lên, Lê Phan Chăn đi làm thuê cho một gia đình người Pháp ở Hà Nội. Ít lâu, ông theo gia đình này vào Sài Gòn, sau đó cùng họ đi tàu thủy sang Campuchia rồi từ đó sang Pháp. Theo tài liệu của Đài tiếng nói nước Nga, đó là vào năm 1924.
Thời gian ở Pháp của Lê Phan Chăn không có nhiều thông tin. Theo tài liệu nghiên cứu của nhà Việt Nam học A.Sokolov công bố trong cuốn sách “Quốc tế Cộng sản và Việt Nam” xuất bản năm 1998 ở Nga thì từ năm 1924, Lê Phan Chăn sống ở Paris, làm nghề nấu bếp.
Ông là đảng viên trong chi bộ bí mật của Đảng cộng sản Đông Dương (ở Pháp). Cũng tại Paris, Lê Phan Chăn gia nhập Đảng Cộng sản Pháp.
Nhà báo Aleksey Syunneberg của Đài tiếng nói nước Nga (nay là Sputnik) trong một bài báo của mình cho rằng bí danh Lý Phú San của Lê Phan Chăn là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho và chính Người đã giác ngộ anh tham gia hoạt động cách mạng.
Thời gian hoạt động ở Pháp, Lê Phan Chăn còn có một số bí danh khác là Lê Công Bình, Bình, Công Minh Xông (tên Trung Quốc trong hộ chiếu)… Sau này, trong nhiều giấy tờ khác, ông còn có thêm bí danh khác là Svelton.
Nhà nghiên cứu Anton Tsvetov trong bài báo “Cuộc chiến xa xôi, nhưng không xa lạ với họ” đăng ngày 15/12/2011 trên trang stoletlie.ru bình luận: Trong những người tham gia bảo vệ Moscow, Lê Phan Chăn là người có nhiều bí danh nhất.
Chị Phượng kể lại:
"Cha tôi rất ít khi nói về những năm tháng ông ở Pháp, ở Liên Xô. Ông sống rất trầm, hầu như không bao giờ kể lại những chuyện đã qua.
Nhưng sau này, qua các bạn bè của ông hồi hương từ Pháp trở về kể lại, tôi mới biết thời đó cha tôi làm được khá nhiều tiền, nhưng ông không để dành, mà chủ yếu để giúp bà con khó khăn, các đám ma chay, cưới xin ông đều đứng ra lo giúp hết cả".
Năm 1932, Lê Phan Chăn, khi đó đã lấy bí danh Lý Phú San, được Đảng cộng sản Pháp bí mật cử sang Liên Xô học tập.
Trước ông, cũng đã có một số đảng viên Đảng Cộng sản Pháp là người Việt Nam như Hoàng Duy Cư, Trần Văn Kiệt, Trần Văn Mai...sang nhập học ở Trường Đại học Phương Đông, thủ đô Moscow.
Trong hồ sơ lưu trữ của Quốc tế Cộng sản mà nhà Việt Nam học Sokolov tiếp cận, Lý Phú San nhập học tại Đại học Phương Đông - Viện nghiên cứu những vấn đề dân tộc và thuộc địa ngày 2/1/1933.
Trong các năm tiếp theo, ông học ở Moscow với cái tên Lý Phú San ghi trong thẻ quân nhân và trong giấy nhập quốc tịch Liên Xô. Cho đến cuối đời, ông vẫn giữ quốc tịch này.
Ngày 22/6/1941, phát xít Đức tấn công Liên Xô. Cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của quân và dân Liên Xô bắt đầu. Ngày 7/11/1941, trên Quảng trường Đỏ đã diễn ra cuộc duyệt binh lịch sử, từ đó các chiến sĩ Hồng quân tiến thẳng ra mặt trận bảo vệ thủ đô Moscow.
Trong cuộc duyệt binh đó, có cả những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam, thuộc quân số Lữ đoàn mô-tô đặc nhiệm OMSBON, đơn vị được thành lập khẩn cấp, chỉ sau 4 ngày nổ ra chiến tranh.
Theo tài liệu của nhà báo Aleksei Syunnenberg công bố, chúng ta biết dù đã nộp đơn tình nguyện nhập ngũ, nhưng Lý Phú San không thể tham gia trung đoàn tình nguyện quốc tế thuộc OMSBON vì lý do sức khỏe.
Đến cuối năm 1941, do tính chất ác liệt của cuộc chiến đấu bảo vệ thủ đô, ở Moscow và vùng ngoại ô đã thành lập tới 200 quân y viện. Vốn có kinh nghiệm trong ngành y, Lý Phú San được chuyển đến làm công tác chăm sóc thương bệnh binh trong quân y viện.
Để bạn đọc hình dung được tình hình ở các quân y viện Moscow trong những ngày cuối năm 1941, xin giới thiệu một đoạn hồi ức của trung tá quân y G.N.Treyster của quân y viện số 290, gần bến tàu điện ngầm Sokol:
“Ngày 25/10/1941 máy bay quân phát xít ném bom trúng tòa nhà bệnh viện gây cháy lớn. Các bác sĩ, y tá, hộ lý, nhân viên đã mạo hiểm tính mạng cứu thương binh, sơ tán họ ra khỏi tòa nhà cao tầng. Nhiều người bị bỏng, nhưng các thương binh đã được an toàn.
Trong thời gian bảo vệ Moscow, bệnh viện chúng tôi đã tiếp nhận rất nhiều thương binh từ mặt trận phía Tây và mặt trận Kalinin, có ngày lên tới 2-2,5 nghìn người. Chúng tôi làm việc hầu như suốt cả ngày đêm”
Ngoài công việc ở đây, Lý Phú San còn tham gia xây dựng các hầm hào phòng thủ ở ngoại ô Moscow, luân phiên trực nhật ở trạm phòng không, cảnh báo lúc máy địch xuất hiện, dập tắt những đám cháy do bom phát-xít gây ra.
Đầu năm 1942, kẻ thù bị đánh bật khỏi khu vực Moscow. Do nhu cầu xây dựng thêm nhiều nhà máy, công xưởng ở miền Đông, tháng 4/1942, Lý Phú San rời thủ đô, đến làm việc tại nhà máy điện Bắc Ural.
Tài liệu nghiên cứu của nhà Việt Nam học A.Sokolov cho biết, Lý Phú San đã từng làm việc tại công trường xây dựng nhà máy điện ở thành phố Artemovski (tỉnh Sverdlovsk).
Từ năm 1946, ông làm việc tại nhà máy chế tạo máy Artemovski (phân xưởng số 6).
Nhà máy chế tạo máy Artemovski, năm 1950
Có thể giả định ông làm việc ở nhà máy này cho đến trước khi về nước (năm 1956), bởi vì trong tài liệu lưu trữ của gia đình, hiện vẫn còn tấm thẻ chứng nhận một khóa đào tạo của Nhà máy chế tạo máy Artemovski năm 1953, cấp cho Lý Phú San Mikhail.
Thẻ chứng nhận của ông Lý Phú San
Ông Lý Phú San và các nữ công nhân tại Liên Xô
Chị Lê Thị Phượng kể tiếp về hành trình của cha mình:
"Từ Liên Xô, cha tôi về Việt Nam cuối năm 1956, làm phiên dịch cho đoàn chuyên gia Liên Xô giúp xây dựng Đài phát thanh Mễ Trì. Sau đó, tại Lễ khánh thành, Đại sứ quán Liên Xô mới phát hiện ra cha tôi, rồi mời về làm ở Đại sứ quán".
Những năm tháng trên đất mẹ
Trở về quê hương, việc đầu tiên mà ông Lý Phú San làm là tìm lại Đặng Thị Loan - người vợ yêu của mình sau 32 năm xa cách.
Mấy chục năm chiến tranh, vật đổi sao dời, cảnh xưa còn đây, nhưng người cũ nay đã ở chốn nao? Ngày chia tay, vợ ông vẫn còn rất trẻ, bởi theo chị Lê Thị Phượng, cha mẹ chị “tảo hôn”.
Sau nhiều lần tìm vợ không thành, ông San bèn nhờ đến ông Ung Văn Khiêm, khi đó là Thứ trưởng Bộ ngoại giao, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Đảng. Nhờ sự giúp đỡ này, đến năm 1957, ông mới tìm được bà, khi đó làm công nhân ở Nhà máy dệt Nam Định.
Mấy chục năm qua, bà Đặng Thị Loan vẫn ở vậy chờ chồng, âm thầm nuốt nước mắt một mình chịu bao thăng trầm của cuộc sống.
Bà từng làm công nhân Nhà máy dệt Nam Định, sau đó đi buôn hàng tấm, trở nên giàu có, đã từng đóng góp vàng cho Tuần lễ Vàng, rồi do thời cuộc xoay vần, bà trở nên trắng tay và trở lại làm công nhân.
Theo chị Lê Thị Phượng, năm 1957, cha mẹ chị tổ chức lại đám cưới, bởi khi đó, ông mang quốc tịch Liên Xô. Năm sau, hai ông bà có con gái Lê Thị Phượng.
Ông bà Lý Phú San, Đặng Thị Loan cùng con gái Lê Thị Phượng
"Cha tôi thường im lặng, ít khi kể về quá khứ. Ông chỉ nói là những ngày đầu chiến tranh ở Moscow rất đói và rét, chia nhau từng mẩu bánh mì.
Tính ông là vậy, “sang không khen, hèn không chê”, rất giản dị, hầu như không đòi hỏi bất cứ điều gì. Làm việc cho Đại sứ quán Liên Xô một thời gian, thì do có những bất đồng ở chỗ làm, cha tôi buộc phải nghỉ ở đó" - chị Lê Thị Phượng kể tiếp.
Về nhà ông viết đơn lên Bộ Ngoại giao, rồi Bộ Nội vụ, sau đó thì cha tôi được Cục phục vụ ngoại giao đoàn nhận vào làm.
Nhưng chẳng hiểu sao mà khi về hưu, cha tôi không được trả lương hưu hay phụ cấp gì cả. Mà kinh tế thời đó, chúng ta đều nhớ, cực kỳ khó khăn.
Thấy cha ủ rũ tội nghiệp quá, mẹ tôi liền “xui” ông đeo các huy chương đã được Liên Xô tặng vào sứ quán (huy chương “Vì lao động vẻ vang và quên mình trong Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại”, huy chương “100 năm ngày sinh Lenin”), xin đi làm trở lại.
Đại sứ I.S.Sherbakov ( đại sứ Liên Xô tại Việt Nam từ 1964-1974) nghe trình bày xong, liền nhận cha tôi về, lệnh cho cấp dưới phục hồi mọi chế độ, cho ông truy lĩnh các khoản...
Lý Phú San mất năm 1980, vì bệnh giãn phế quản. Thi hài ông được hỏa táng. Năm đó, chị Phượng, con gái ông vừa mới tốt nghiệp khoa Sinh, Đại học sư phạm 1.
Trở về Tổ quốc thứ hai
Chị Lê Thị Phượng kể:
"Thời đó, sau khi tốt nghiệp, ở nhà mấy năm, tôi bắt đầu đi làm, dạy tiếng Nga ở trường Bế Văn Đàn. Sở dĩ tôi thạo tiếng Nga là do cha tôi dạy.
Năm 1991, Liên Xô sụp đổ. Những năm sau đó, tiếng Nga ở Việt Nam không còn được trọng dụng, các giáo viên tiếng Nga phải chuyển sang học tiếng Anh để dạy học tiếp. “Nhưng không hiểu sao, tôi không thể học được tiếng Anh”
Năm 1992, khi gặp quá nhiều khó khăn, chị Phượng quyết định đưa mẹ già sang Nga sinh sống. Bởi khi đó, theo luật, chị vẫn mang quốc tịch Liên Xô, sang Moscow sẽ làm thủ tục chuyển đổi sang quốc tịch Nga.
Trong hành lý, chị Phương không quên đem theo hộp tro cốt của cha mình. Gia đình 3 người cùng hành trình sang xứ sở Bạch Dương, nơi mấy chục năm trước, ông Lý Phú San đã từng sống, hoạt động cách mạng và cống hiến 24 năm.
Sang Nga, chị Lê Thị Phượng có một thời gian dài công tác trong ngành giáo dục, cho đến khi về hưu. Hiện chị sống ở quận Tây, cùng con trai Misha, năm nay tốt nghiệp phổ thông.
Trong cuộc trò chuyện, chị Phượng cho biết đã giữ hộp tro cốt của cha mình trong nhà hơn 10 năm. Năm 1996, bà Đặng Thị Loan qua đời và được hỏa táng. Đến năm 2001, chị mua một mảnh đất ở nghĩa trang Krasnogorskoe ở rìa thành phố, đưa bố mẹ về an táng.
"Tâm nguyện của mẹ tôi là được về đất chùa Bồ Đề kia, nhưng do không có điều kiện, thêm nữa tôi cũng muốn các cụ ở đây, bên nhau để còn chăm nhau" - chị Phượng tâm sự.
Chị Lê Thị Phượng (thứ ba từ trái sang) bên mộ cha mẹ ở nghĩa trang Krasnogorskoe
Những nghĩa trang bao giờ cũng có một không khí trầm lặng, nơi đó sự yên tĩnh vĩnh hằng luôn ngự trị.
Sau 32 năm ly tán bởi chiến tranh, hai ông bà Lý Phú San và Đặng Thị Loan đã gặp lại nhau trên đất mẹ và rồi giờ đây, họ lại bên nhau, trên mảnh đất là quê hương thứ hai của mình.
Nhưng đó không chỉ là một cuộc hội ngộ với một xứ sở. Còn có một cuộc hội ngộ khác nữa, đâu đó, ở một cõi xa xăm.
Người viết tin rằng, ở cõi đó, ông Lý Phú San đã gặp lại những thiên thần nhỏ của mình, trên xứ sở này. Hẳn là ông yêu nước Nga, yêu từng nắm đất, bởi nơi đó có một phần máu thịt của những đứa con.
Trong một cuộc trò chuyện, chị Lê Thị Phượng kể rằng có dịp hiếm hoi, cha mình đã hé lộ khi sống trên đất Nga, ở nơi vạn trùng xa cách với quê hương đang bị xâm lược, khi hy vọng ngày về đã quá xa vời, ông đã thành hôn với một phụ nữ người Ukraine và có 2 người con.
Trong những ngày chia cách của chiến tranh, hai đứa con của ông đã mất, vì đói và rét trong những ngày quân Đức phong tỏa thành phố Leningrad. Người vợ Liên Xô của ông sau đó cũng mất liên lạc.
Trên tấm bia mộ của ông Lý Phú San và vợ mình ở nghĩa trang Krasnogorskoe, phía bên dưới có một dòng chữ:”Chúng tôi nhớ, yêu và tiếc thương”.
Nữ thi sĩ Olga Berggoltz cũng đã từng viết:”Không có ai bị quên lãng, không có gì bị lãng quên”.
Bài viết này như một nén hương nhỏ tưởng nhớ đến ông Lý Phú San, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng.