Cựu ĐBQH "mách nước" giải quyết việc chây ì không trả nhà công vụ

Hoàng Đan |

Theo nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông, thay vì cấp nhà công vụ, trả tiền cho thuê như hiện nay thì Nhà nước sẽ tìm nhà bên ngoài và trả tiền thuê cho người được tiêu chuẩn cấp nhà công vụ.

Câu chuyện nhà công vụ đang làm nóng dư luận, đặc biệt là qua việc một số nguyên cán bộ lãnh đạo sau khi nghỉ hưu đã lấy nhiều lý do để không trả lại nhà công vụ được cấp trước đó.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Cuông (nguyên ĐBQH khóa 11, 12) cho rằng, nguyên nhân dẫn tới việc nhiều cán bộ nghỉ công tác nhưng vẫn chây ì trong việc giao trả nhà công vụ, xuất phát từ sự thiếu gương mẫu, thiếu quyết liệt của cơ quan chức năng.

"Thực tế các quy định pháp luật về nhà công vụ của chúng ta trong thời gian trước đây còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng một số cá nhân thiếu gương mẫu lợi dụng, không tự giác trả lại nhà khi không còn làm công vụ nữa.

Thêm vào đó, các cơ quan chức năng của chúng ta cũng thiếu sự quyết liệt, ngại va chạm, né tránh vì thực tế, những người ở nhà công vụ đều là các cán bộ cấp cao.

Chính những điều này đã dẫn đến việc thiếu đi sự quyết liệt đeo bám để thu hồi", ông Cuông cho hay.

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa khóa XII.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa khóa XII.

Ông Cuông cũng nhắc đến thông tin về việc có đến 30/80 căn tại khu nhà ở công vụ tại Hoàng Cầu chưa được thu hồi bởi có tới 30 cán bộ đã nghỉ hưu chưa trả lại nhà.

Đây là một hiện tượng thể hiện việc quản lý về nhà công vụ của chúng ta lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm".

Theo ông Cuông, ngoài xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý, thì chính những cán bộ được ở nhà công vụ cũng cần phải tự soi lại mình.

"Lẽ ra, các cán bộ thuộc diện được ở nhà công vụ là những cán bộ, Đảng viên ở vị trí cao, đều hiểu biết pháp luật thì phải ý thức được trách nhiệm, gương mẫu thực hiện.

Tuy nhiên, ở đây, họ lại lợi dụng việc lỏng lẻo của luật pháp, quản lý, đôn đốc của các cơ quan chức năng để không trả lại nhà cho Nhà nước.

Đến khi Nhà nước xem xét đến thì lại lấy lý do này, lý do khác để bao biện, đá quả bóng trách nhiệm sang cơ quan quản lý", ông Cuông nhấn mạnh.

Đồng quan điểm đó, bà Nguyễn Thị Khá, ĐBQH tỉnh Trà Vinh khóa XIII cũng cho rằng, không phải chúng ta không có các chế tài đủ mạnh để quản lý nhà công vụ mà chính là do việc thực thi pháp luật còn yếu kém.

Bà Nguyễn Thị Khá, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh.
Bà Nguyễn Thị Khá, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh.

Bà Khá phân tích, nhà công vụ được hiểu là nhà dành cho các cán bộ đương chức chuyển từ nơi này đến nơi khác công tác nhưng chưa có nhà ở, điều kiện thuê để ở.

Cán bộ như thế nào được ở nhà công vụ rồi phí, thuê hoặc khi hết nhiệm vụ phải trả lại... đã được quy định rất rõ ràng.

Vấn đề ở đây là do các cơ quan chức năng chưa thực sự mạnh dạn thực hiện theo đúng quy định.

Thêm vào đó, chính những người sử dụng nhà cũng thiếu trách nhiệm, thậm chí là thấy chưa ai hỏi nên không trả lại, rồi người này nhìn người kia, không trả. Những điều này đã dẫn đến thực trạng như hiện nay.

Giải pháp nào cho "nợ xấu" nhà công vụ?

Trước thực trạng "nợ xấu" nhà công vụ, ông Cuông cho rằng, việc thực thi nghiêm các quy định của pháp luật chính là giải pháp quan trọng nhất.

Vị này bày tỏ, các vấn đề lỏng lẻo của quy định pháp luật về nhà công vụ trước đây đã được điều chỉnh, bổ sung lại cho phù hợp rồi nên ở đây, việc thực thi nghiêm là giải pháp quan trọng nhất.

Nếu những ai chưa thực hiện nghiêm thì cần phải xử lý. Cụ thể, ở đây, nếu các cơ quan quản lý mà nể nang, không làm đến nơi, đến chốn thì phải chịu trách nhiệm.

Với những người không còn đủ tiêu chuẩn ở nhà công vụ mà vẫn không chịu trả thì tùy theo mức độ để xử lý. Nếu vi phạm nhẹ thì phạt hành chính, yêu cầu trả, còn cố tình chây ì thì phải tiến hành cưỡng chế, thu hồi.

Ngoài ra, cần phải xử lý trách nhiệm, người chây ì, không chịu trả theo quy định.

Bên cạnh đó, ông Cuông cũng đưa ra một giải pháp đó là, thay vì cấp nhà công vụ, trả tiền cho thuê như hiện nay thì Nhà nước sẽ tìm nhà bên ngoài và trả tiền thuê cho người được tiêu chuẩn cấp nhà công vụ.

"Theo cá nhân tôi, ở những nơi nào mà không có nơi cho thuê như vùng sâu, vùng xa thì Nhà nước phải xây nhà công vụ rồi bố trí cho cán bộ ở.

Còn những nơi mà có thể thuê nhà ngoài cho cán bộ ở như các thành phố, thị xã lớn thì các cơ quan quản lý không nên xây rồi cấp nhà công vụ cho cán bộ mà nên tìm rồi thuê, cấp tiền cho họ đến thuê để ở trong quá trình công tác.

Điều này sẽ giúp tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước và tránh những trường hợp tương tự xảy ra", ông Cuông kiến nghị.

Còn ông Chu Sơn Hà (Phó Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Nội) nhấn mạnh, để giải quyết vấn đề nhà công vụ thì việc quan trọng nhất là tất cả các đối tượng phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật.

Ông nói: "Chúng ta đã có các quy định của pháp luật rõ ràng nên mọi người từ một công dân đến cán bộ công chức đều phải nghiêm chỉnh chấp hành".

Trước đó, khi trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng đã đưa ra quan điểm trong việc thực hiện thu hồi nhà công vụ sử dụng sai mục đích:

Luật ban hành là phải thực thi, những người thực thi luật phải dám làm và làm cương quyết. Ngoài các trường hợp tự nguyện trả, nếu có tình trạng chây ì, cố tình không trả đương nhiên Bộ sẽ cưỡng chế”.

Đồng thời, ông Nam cũng đưa ra lộ trình: "Việc thu hồi nhà sẽ được tiến hành theo lộ trình thực tế. Còn lại những trường hợp cán bộ đã mất hoặc nghỉ hưu nhưng không trả lại mà khóa cửa hoặc cho người nhà ở, bộ sẽ kiên quyết thu hồi".

Việc này sẽ được tiến hành trong năm 2014 và đầu năm 2015”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại