Từ bỏ "giấc mơ Trung Quốc", Triều Tiên tìm đến với "anh bạn Nga"

Hãng Interfax hôm 27/9 dẫn nguồn từ Đại sứ quán Triều Tiên tại Moscow cho biết chuyến thăm chính thức của Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su-yong đến Nga sẽ được bắt đầu vào ngày 30/9.

Trước đó, nguồn tin từ Đại sứ quán Triều Tiên cho biết chuyến thăm của ông Ri Su-yong được lên kế hoạch vào tháng 10.

Theo Interfax, Bình Nhưỡng hiện đang quan tâm tới việc đạt được những tiến bộ thực sự trong quá trình phát triển mối quan hệ Triều - Nga, trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang chịu sự cấm vận của Hội đồng Bảo an do chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình.

Lần gần nhất một ngoại trưởng Triều Tiên thăm Nga là vào tháng 12/2010. Khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tiếp người đồng cấp Park Ui-chun, đề cập tới sự cần thiết tổ chức cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Triều Tiên đang tấn công quyến rũ khắp thế giới Triều Tiên đang "tấn công quyến rũ" khắp thế giới

Chiến lược này là một sự chuyển hướng đáng ghi nhận so với những lời đe dọa quân sự mà Bình Nhưỡng thường sử dụng để thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Chuyến  thăm của Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su-yong tới nước Nga đánh dấu một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ hai nước, đặc biệt là trong nỗ lực xích lại gần Moscow của Bình Nhưỡng.

Đầu tháng 6 năm nay, trang tin News Focus International, vốn được sáng lập và điều hành bởi những người Triều Tiên lưu vong thuộc mọi tầng lớp xã hội, đưa tin, Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên đã ra sắc lệnh yêu cầu các công ty thương mại quốc doanh giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và tăng cường quan hệ thương mại với Nga cũng như các nước châu Âu khác.

Cùng khoảng thời gian đó, Nga và Triều Tiên đã tổ chức một phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học và kỹ thuật giữa hai nước. Kết thúc cuộc họp, hai bên công bố một loạt thỏa thuận mà nếu được thực thi sẽ đánh dấu sự gia tăng đáng kể trong quan hệ thương mại song phương.

Quan hệ giữa Triều Tiên và Nga khởi sắc trong vòng khoảng hơn một năm trở lại đây. Vào tháng 4/2014, Nga chính thức nhất trí xóa cho Triều Tiên 90% số nợ có từ thời Chiến tranh Lạnh, đồng thời đưa ra những điều khoản thanh toán ưu đãi cho 10% còn lại.

Tháng 6 vừa qua, trong một động thái lấy lòng nước Nga, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gửi bức điện chúc mừng đến chính quyền Nga nhân Ngày nước Nga 12/6.

Trong bức điện của, ông Kim Jong-un nhận định rằng nhờ công lao lãnh đạo của Tổng thống Nga, Liên bang Nga đã thành công trong nhiều lĩnh vực.

"Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống, nhân dân Nga đã đạt được thành tích to lớn trong sự nghiệp đảm bảo an ninh và ổn định cho đất nước, hiện đại hóa kinh tế và củng cố quốc phòng", trích một đoạn trong bức điện.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng ghi nhận rằng, quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Moscow “đang tiếp tục mở rộng và phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước”.

Lý giải nguyên nhân Kim Jong-un đi tập tễnh, rồi biến mất bí ẩn Lý giải nguyên nhân Kim Jong-un đi tập tễnh, rồi biến mất bí ẩn

Truyền thông Triều Tiên lần đầu tiên thừa nhận lãnh đạo Kim Jong-un của họ đang “khó chịu trong người", sau khi ông không xuất hiện cùng vợ kể từ một buổi hòa nhạc ngày 3/9.

Xích lại gần Nga, Triều Tiên có vẻ như muốn Moscow thay Bắc Kinh làm người bạn lớn của mình. Kể từ khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có loạt động thái nhằm đưa đất nước "thoát Trung". Đáng lưu ý nhất, cũng theo News Focus International, sắc lệnh nội bộ của Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 4/2014 đã yêu cầu các quan chức nước này "từ bỏ giấc mơ Trung Quốc".

“Trước đây, Trung Quốc là một người bạn cách mạng (của Triều Tiên)… Nhưng ngày nay, Trung Quốc đã trở nên ích kỷ, theo đuổi cải cách và mở cửa, bởi thế đặt các giá trị vật chất lên trên ý thức hệ”, sắc lệnh trên có đoạn viết.

Sắc lệnh này cũng cáo buộc Trung Quốc “đồng sàng với đế quốc và mơ cùng giấc mơ với họ” thể hiện qua việc Trung Quốc phản đối chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại