Triều Tiên đang "tấn công quyến rũ" khắp thế giới

Chiến lược này là một sự chuyển hướng đáng ghi nhận so với những lời đe dọa quân sự mà Bình Nhưỡng thường sử dụng để thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Một loạt hoạt động ngoại giao gần đây và sắp tới của Bình Nhưỡng có thể là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang thực hiện một cuộc “tấn công quyến rũ” trong bối cảnh nước này đang gặp khó khăn do lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế liên quan đến chương trình hạt nhân và chuyện thử tên lửa.

Một yếu tố tác động nữa là quan hệ giữa Bình Nhưỡng với đồng minh hàng đầu Bắc Kinh được cho là đang xấu đi.

Sau chuyến thăm Iran đầu tuần này, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su-young dự kiến tham dự và có bài phát biểu tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc ở New York - Mỹ vào tuần tới. Nếu điều đó diễn ra, đây sẽ là quan chức cấp cao nhất của Bình Nhưỡng đến Mỹ trong 15 năm qua.

Vào tháng rồi, ông Ri đã thăm một số nước Đông Nam Á trước khi công du châu Phi và Trung Đông. Trong đó, Đông Nam Á là một điểm đến dễ hiểu bởi khu vực này vẫn duy trì quan hệ khá tốt với Triều Tiên dù hoạt động trao đổi thương mại giữa hai bên đã sụt giảm kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006. Vì thế, một trong những mục tiêu chính của ông Ri trong chuyến đi vừa rồi là thúc đẩy quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn.

Một hoạt động đáng chú ý khác là của bí thư phụ trách đối ngoại Đảng Lao động Triều Tiên Kang Sok-ju, người vào đầu tháng 9 có chuyến thăm hiếm hoi kéo dài 10 ngày đến 4 nước châu Âu là Bỉ, Đức, Ý và Thụy Sĩ với mục đích được cho là tìm kiếm thêm viện trợ, đầu tư. “Họ (Triều Tiên) muốn viện trợ từ người châu Âu nhưng bản thân Liên minh châu Âu vẫn có những vấn đề kinh tế của mình nên không dễ để có được kết quả tích cực” - ông Andrei Lankov, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin (Hàn Quốc), nhận định về chuyến đi này. Chưa hết, việc đồng ý thảo luận về vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc cũng là động thái cho thấy Bình Nhưỡng muốn cải thiện quan hệ với Tokyo.

Truyền thông Hàn Quốc gọi những bước đi nêu trên là một phần của “chiến lược tấn công ngoại giao” mà Triều Tiên đang phát động nhằm cải thiện kinh tế và thoát khỏi sự cô lập của cộng đồng quốc tế. Một lý do khác có thể là Bình Nhưỡng muốn cải thiện hoặc mở rộng quan hệ ngoại giao với càng nhiều nước càng tốt để giảm bớt sự quá phụ thuộc vào Bắc Kinh. Ngoài ra, theo đài Al Jazeera, việc Ngoại trưởng Triều Tiên tham gia cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc còn là nỗ lực nhằm bác bỏ những chỉ trích về tình hình nhân quyền của Bình Nhưỡng - vấn đề đang được Liên Hiệp Quốc điều tra.

Giới phân tích cho rằng không dễ để chiến lược trên mang lại kết quả đột phá bởi giữa Triều Tiên và cộng đồng quốc tế vẫn còn nhiều vướng mắc, đáng kể nhất là vấn đề vũ khí chiến lược (tên lửa và đầu đạn hạt nhân). Ông Choi Jin-wook, một nhà nghiên cứu tại Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc ở Seoul, nhận định: “Họ muốn nói chuyện với Mỹ, muốn sự viện trợ từ thế giới bên ngoài, muốn phá vỡ sự bế tắc hiện nay nhưng lại không muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân”.

Dù vậy, nếu chiến lược “tấn công quyến rũ” có thể cải thiện được quan hệ giữa Triều Tiên với cộng đồng quốc tế thì vẫn còn chỗ cho sự thỏa hiệp, chẳng hạn các bên liên quan có thể thương thảo về khả năng Bình Nhưỡng tạm ngưng thử nghiệm hạt nhân để đổi lấy viện trợ.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại