Để mẹ già nằm hấp hối dưới mưa: Có thể xử lý hình sự

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - LS Thảo cho rằng, nếu công an điều tra và xác định đây là hành vi để mẹ già nằm co quắp dưới mưa là rất nghiêm trọng thì có thể xử lý hình sự.

Xung quanh sự việc cụ bà Trần Thị T. (82 tuổi, ở Phúc Xá, Hà Nội )phải nằm co quắp ngoài trời mưa nhiều tiếng đồng hồ vì con dâu, cháu nội khóa trái cửa không cho vào nhà, trao đổi với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Thạch Thảo, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn Luật sư Tp Hồ Chí Minh) đã bảy tỏ sự bức xúc, phẫn nộ trước những hành động ngược đãi mẹ già đang ốm yếu.

"Qua thông tin trên báo chí , tôi vô cùng phẫn nộ và vô cùng bức xúc đối với hành vì ngược đãi bà cụ của con dâu và cháu nội. Rõ ràng với những hành vi ngược đãi một cụ già là mẹ chồng và cũng là bà nội của mình là không thể chấp nhận được, nó thể hiện sự tàn nhẫn và vô nhân đạo đi ngược với truyền thống gia đình tốt đẹp và tình máu mũ thiêng liêng.

Điều này đã đi ngược với tôn chỉ mà tất cả chúng ta đều mong muốn xây dựng một gia đình theo tinh thần của điều 2 khoản 4 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000, đó là " Cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dạy con thành công dân có ích cho xã hội; con có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ; cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà; các thành viên trong gia đình có nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau".

Ngoài ra, theo qui định của điều 59 khoản 2 Luật HNGĐ năm 2000 còn qui định về trách nhiệm phải cấp dưỡng cho ông bà như sau: " Cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ông bà nội, ông bà ngoại trong trường hợp ông bà không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật này".

Như vậy, việc họ thường xuyên không cho bà ăn uống hay cho ăn nhưng thất thường... cũng là 1 hành vi ngược đãi và không thể chấp nhận được", Luật sư Thảo nói.

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo.
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo.

Cũng theo Luật sư Thảo, đối với sự việc xảy ra với cụ Trần Thị T., nếu cơ quan công an tiến hành điều tra và xác định đây là hành vi rất nghiêm trọng thì hoàn toàn có thể xử lý hình sự. Trong trường hợp không chứng minh được thì tùy theo mức độ, con dâu, cháu nội của cụ T. có thể bị xử phạt hành chính và nếu sau khi bị xử phạt mà người này vẫn tiếp tục vi phạm thì có thể khởi tố vụ án hình sự.

"Đối với hành vi ngược đãi cụ già như trên thì pháp luật chúng ta cũng có những qui định rất chi tiết về những hành vi này. Nếu các hành vi đó nhẹ thì có thể bị xử phạt hành chính theo qui định của điều 50 Nghị định 167/2013/ NĐ-2013 cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;

b) Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

Còn nếu hành vi đó gây ra hậu quả nghiêm trọng thì những người đã có hành vi ngược đãi sẽ bị xử lí hình sự theo qui định của điều 151 BLHS 1999 cụ thể như sau: " Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt  tù từ ba tháng đến ba năm" và theo Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC, hành vi ngược đãi được hiểu như sau:

1.Hành vi ngược đãi, hành hạ thông thường được hiểu là việc đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hàng ngày khác đối với người thân như: nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách một cách không bình thường hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể người bị hại như: đánh đập, giam hãm,... làm cho người bị hại bị đau đớn về thể xác và tinh thần.

2. Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Hành vi ngược đãi, hành hạ gây hậu quả nghiêm trọng, tức là làm cho người bị ngược đãi, hành hạ luôn luôn bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần hoặc bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe. Hậu quả thương tích hay tổn hại đến sức khỏe là do lỗi vô ý; nếu dẫn đến chết người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người (Điều 98 BLHS).

Trong trường hợp thương tích, tổn hại sức khoẻ hoặc chết người xảy ra do lỗi cố ý, thì tuỳ trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản tương ứng của Điều 104 BLHS về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác hoặc Điều 93 BLHS về tội giết người; nếu làm cho nạn nhân bị uất ức mà tự sát, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bức tử theo Điều 100 BLHS.

b) Người thực hiện hành vi ngược đãi, hành hạ đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

3. Đối tượng bị xâm hại quy định tại Điều 151 BLHS bao gồm:

a) Ông bà, bao gồm ông bà nội, ông bà ngoại;

b) Cha mẹ, bao gồm cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế;

c) Vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình;

d) Con, bao gồm con đẻ (con trong giá thú và con ngoài giá thú); con nuôi; con rể; con dâu; con riêng của vợ hoặc con riêng của chồng;

đ) Cháu, bao gồm cháu nội, cháu ngoại;

e) Người có công nuôi dưỡng mình là anh chị em, cô, dì, chú, bác, bà con thân thích hoặc những người khác đã hoặc đang nuôi dưỡng người thực hiện hành vi ngược đãi, hành hạ.

Cần lưu ý là, chỉ những trường hợp hành hạ, ngược đãi các đối tượng nêu trên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này; nếu hành vi hành hạ, ngược đãi được thực hiện đối với người không thuộc những đối tượng nêu trên, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác theo Điều 110 BLHS.

Trường hợp hành vi hành hạ, ngược đãi là thủ đoạn của tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ theo quy định tại Điều 146 BLHS...", Luật sư Thảo nhấn mạnh.

Trước tình hình con cái có những hành vi ngược đãi cha mẹ, ông bà ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây, theo Luật sư Thảo, chúng ta cần tuyên truyền và phổ biến pháp luật về vấn đề chống ngược đãi người già đến rộng rãi với người dân.

"Bên cạnh đó, chúng ta cần phải đưa những vụ ngược đãi ông bà, cha mẹ,... ra xét xử theo hình thức xử lưu động nhằm tuyên truyền, răn đe và phổ biến pháp luật đối với người dân bằng những vụ án cụ thể có như thế thì mới hy vọng cảnh tỉnh và hạn chế được những hành vi bất hiếu trên", Luật sư Thảo khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại