Dấu vết của Nga trong vụ bắn hạ trực thăng Mi-24 Ukraine

Thiên Minh |

(Soha.vn) - Mặc dù có rất ít thông tin về loại MANPADS đã được sử dụng để bắn hạ Mi-24 nhưng nhiều khả năng đó là Igla, có thể là phiên bản 9K310 Igla-1 hoặc 9K38 Igla.

Tạp chí quốc phòng IHS Jane's (Anh) có bài phân tích về sự kiện 2 chiếc trực thăng Mi-24 của Ukraine bị bắn hạ tại Slavyansk ngày 2/5.

Dưới đây là nội dung bài viết của IHS Jane's:

Hai chiếc trực thăng tấn công Mil Mi-24 "Hind" của chính quyền Kiev đã bị bắn hạ tại miền đông Ukraine vào ngày 2/5 khi mở chiến dịch tấn công vào Slavyansk.

Theo thông báo ban đầu của Bộ Quốc phòng Ukraine, cả 2 chiếc trực thăng bị bắn hạ bởi hệ thống phòng không vác vai (MANPADS). Ngoài ra, còn có một chiếc trực thăng vận tải Mil Mi-8 "Hip" bị bắn hỏng.

Hai thành viên trên những chiếc Mi-24 đã thiệt mạng, một số khác bị thương. Phi công của một chiếc Mi-24 đã bị thương rất nặng và sau đó đã bị tự vệ Slavyansk bắt giữ.

Video quay cảnh một chiếc trực thăng của Ukraine bị bắn hạ tại Slavyansk hôm 2/5

Quân đội Ukraine có khoảng 60 chiếc trực thăng Mi-24 với các biến thể khác nhau trong biên chế. Mi-24 "Hind" có thể chở được 8 binh sĩ, được trang bị nhiều loại vũ khí như pháo 30mm, rocket, tên lửa dẫn đường.

Tình hình bất ổn tại miền đông Ukraine đang leo thang nhanh chóng sau khi chính quyền Kiev mở chiến dịch tấn công để chiếm lại một số khu vực chủ chốt ở miền Đông Ukraine từ người biểu tình và các nhóm vũ trang ly khai. Mặc dù vậy, việc 2 chiếc trực thăng Mi-24 của quân đội Ukraine bị bắn hạ có thể là dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng đang bước sang giai đoạn mới của một cuộc giao tranh dữ dội.

Phi công Ukraine bị thương nặng. Phía Ukraine cho biết phi công này bị lực lượng tự vệ Slavyansk bắt giữ. Trong khi đó, tờ RT (Nga) cho hay viên phi công này bị đồng đội bỏ rơi và được các lực lượng thân Nga đưa tới bệnh viện

Mặc dù có rất ít thông tin về loại MANPADS đã được sử dụng để bắn hạ Mi-24 nhưng nhiều khả năng đó là Igla, có thể là phiên bản 9K310 Igla-1 (SA-16 'Gimlet') hoặc 9K38 Igla (SA-18 'Grouse'). Cả 2 loại này đều có trong biên chế của Lực lượng vũ trang Nga và Ukraine.

9K310 Igla-1 (SA-16 Gimlet)

9K310 Igla-1 (SA-16 'Gimlet'). Ảnh: Army Recognition

9K38 Igla (SA-18 Grouse)

9K38 Igla (SA-18 'Grouse'). Ảnh: Army Recognition

Việc các hệ thống MANPADS xuất hiện bên ngoài lực lượng vũ trang chính quy từ xưa đến nay rất hiếm, vì vậy, điều này đã gây quan ngại lớn cho rất nhiều quốc gia. Bộ Quốc phòng Ukraine cho hay "Việc các hệ thống MANPADS được sử dụng để chống lại Lực lượng vũ trang Ukraine là chứng cứ cho thấy những nhóm có vũ trang và được đào tạo chuyên nghiệp đang hoạt động tại Donetsk".

Tuy nhiên, sử dụng MANPADS trong cuộc xung đột này không thể khẳng định hoàn toàn là có sự tham gia của các lực lượng Nga tại đây. Hồi đầu tháng 3 vừa qua, các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin nhiều hệ thống tên lửa Igla đã tại 2 đơn vị quân sự của Ukraine ở Lvov đã "không cánh mà bay".

Mặc dù được trang bị hệ thống phòng thủ hiện đại nhưng các loại trực thăng vẫn rất dễ bị trúng đòn của MANPADS bởi chúng thường bay ở độ cao thấp và tốc độ thấp. Gần đây, MANPADS đã được sử dụng rộng rãi trong cuộc nội chiến ở Syria, rất nhiều trực thăng của quân chính phủ Syria đã bị bắn hạ trong năm qua.

Không rõ sự kiện bắn hạ Mi-24 chỉ đơn giản là 1-2 trường hợp hãn hữu hay nó vẫn sẽ còn tiếp diễn khi trực thăng Ukraine hoạt động tại miền Đông.

Mối đe dọa từ các hệ thống MANPADS nếu vẫn còn tiếp diễn sẽ có thể buộc chính quyền Kiev phải triển khai máy bay chiến đấu Su-25 "Frogfoot" để thay thế những trực thăng giống như Mi-24. Tuy nhiên, nếu Ukraine dùng máy bay cánh cố định để chống lại người dân của họ thì gần như khó tránh khỏi khả năng sẽ có một số hình thức can thiệp công khai của Nga vào cuộc xung đột này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại