"Hà Đông là cái thùng không rỗng nên không muốn kêu to"

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - "Thay vì cổ vũ cho sáng tạo thì báo chí đang chà đạp, soi mói gia cảnh và làm cho câu chuyện Flappy Bird trở nên tối tăm hơn...", Tổng biên tập một tờ báo nhận xét.

LTS: Trước cái chết đầy bất ngờ của game sốt toàn cầu Flappy Bird, nhiều người đổ tội lỗi do truyền thông như ai đó có nói: “Tôi cảm thấy rất lo cho anh Đông khi thấy sự vồ vập hoang dã của báo chí”. Truyền thông là “ngòi châm” cho “quả bom tấn” Flappy Bird nổ tung. Các chuyên gia uy tín sẽ cùng báo điện tử giải mã: CÔNG - TỘI CỦA TRUYỀN THÔNG VỚI THÀNH CÔNG VÀ CÁI CHẾT CỦA FLAPPY BIRD bằng những góc nhìn thẳng thắn, khách quan nhất.

Bài 1: Flappy Bird khai tử: Dân mạng luận công tội truyền thông

Bài 2: Vụ Flappy Bird: Truyền thông có tội hay Hà Đông chém gió bất cẩn?

Những ngày qua, các thông tin liên quan đến Flappy Bird cũng như tác giả của trò chơi (game) này, lập trình viên Nguyễn Hà Đông đã thu hút được sự quan tâm lớn của dư luận. Đặc biệt, sự kín đáo với truyền thông và sau đó là tuyên bố gỡ game Flappy Bird ra khỏi các kho ứng dụng của anh Nguyễn Hà Đông đã khiến nhiều người phải ngỡ ngàng.

Xoay quanh sự kiện này, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi, phải chăng chính vai trò của truyền thông là một trong những "liều thuốc độc" dẫn đến "cái chết" của Flappy Bird (?).

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Tổng biên tập một tờ báo điện tử lớn (xin giấu tên) cho rằng, báo chí không phải là nguyên nhân dẫn đến sự "khai tử" của Hà Đông đối với Flappy Bird nhưng chính báo chí đã làm cho câu chuyện trở nên tối tăm hơn.

Ngôi nhà của
Ngôi nhà của "cha đẻ" Flappy Bird.

"Thay vì cổ vũ cho sáng tạo thì việc báo chí không chỉ là các tờ báo, trang tin mà ngay kể cả một số tờ báo lớn soi mói vào gia cảnh, cuộc sống của Nguyễn Hà Đông là một sự chà đạp, soi mói nếu nói không quá là thiếu đạo đức của người làm báo.

Qua những gì mà Hà Đông đã thể hiện thì anh ấy không phải là một con người bình thường mà là một người có tài, có sức sáng tạo rất cao nhưng muốn sáng tạo thì cần phải có sự bình yên và tĩnh lặng.

Tuy nhiên, sự soi mói của báo chí đã làm cho câu chuyện Flappy Bird trở nên tăm tối hơn... Nhưng để nói báo chí đã là tác nhân gây ra sự "khai tử" của Hà Đông đối với Flappy Bird thì không đúng. Bởi, nguyên nhân xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau mà theo tôi, dường như chàng trai này đơn giản là thấy quá ngợp...", vị Tổng biên tập này cho hay.

Vị Tổng biên tập này cũng bác bỏ ý kiến cho rằng, việc báo chí thông tin về vấn đề thuế, bản quyền trò chơi là đã quá soi mói, bới móc.

"Thông tin về thuế hay về bản quyền của Flappy Bird là chuyện hoàn toàn bình thường. Theo tôi, trong trường hợp này khi trò chơi tạo được thu nhập thì nhà nước cũng nên xem xét việc miễn thuế để kích thích cho ngành này phát triển. Còn với doanh thu vài chục tỷ của Hà Đông để mà thu thuế thì cũng chẳng phải là một con số lớn", vị này chia sẻ.

Đồng tình với cách giải quyết của Hà Đông, vị Tổng biên tập này bày tỏ: "Việc Hà Đông tránh trả lời báo chí dẫn đến các thông tin bị lệch lạc là do báo chí chứ không phải do cậu ấy. Còn quyết định im lặng, không gặp ai, rồi gỡ game đó là quyết định đúng đắn của cậu ấy và nếu là tôi thì tôi cũng chọn cách không trả lời báo chí. Cứ để đó, rồi mọi chuyện sẽ sáng tỏ.

Với báo chí, qua sự kiện này, tôi cho rằng, chúng ta cần hết sức tỉnh táo trước các thông tin, kể cả khi anh này bị tố sao chép thì cũng đừng vội lao vào ăn theo. Không nên đưa lại tin theo những nguồn tin không chính thống, kể cả của nước ngoài.

Hà Đông là người Việt Nam nên dù rất khó cũng hãy cố gắng để tìm gặp cậu ấy và quan trọng hơn là cần có cái nhìn xây dựng trong mọi trường hợp...".

Cùng quan điểm với vị Tổng biên tập này, nhà báo Bùi Hoàng Tám (báo Dân Trí) cũng cho rằng, báo chí đã quá soi mói vào gia cảnh, gia đình của Hà Đông và đó là việc không nên.

"Đặc biệt là các nhà khoa học, kỹ thuật như Hà Đông thì việc báo chí soi mói vào gia cảnh, gia đình của cậu ấy là không nên chút nào. Cách sống ẩn mình của Hà Đông đã thể hiện lên tính cách của một nhà khoa học, kỹ thuật đích thực, người ta không muốn phô trương mà muốn lặng lẽ sống, lặng lẽ cống hiến, làm việc.

Họ không phải như mấy cô ca sĩ, mấy cô người mẫu chân dài để muốn nhảy lên khoe mình. Các nhà khoa học, kỹ thuật như Hà Đông là cái thùng không rỗng nên họ không muốn kêu to.

Hà Đông là người có lòng tự trọng rất cao, điều đó thể hiện qua việc, dù một ngày có kiếm 1 tỷ nhưng cậu ấy vẫn sẵn sàng đóng cửa, gỡ bỏ trò chơi.

Cậu ấy muốn nhất chính là sự tĩnh lặng, bình yên để làm việc, sáng tạo và báo chí nên tôn trọng. Ở đây, cũng cần nói đến, trong Luật đã có những quy định cấm việc đưa các thông tin soi mói, quy chụp, không có lợi cho người ta, vì vậy, chúng ta càng cần tôn trọng đời tư của họ...", nhà báo Bùi Hoàng Tám nói.

Cũng theo nhà báo Bùi Hoàng Tám, việc soi mói vào gia cảnh của báo chí đã gây ra những ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của Hà Đông

"Trước hết, sự soi mói vào gia cảnh, gia đình Hà Đông của báo chí đã vô tình làm thiệt thòi cho kinh tế của cậu ấy. Thứ hai, nó góp phần làm thui chột đi niềm hứng khởi, sáng tạo trong một người trẻ như Hà Đông. Và một điều quan trọng hơn cả, là nó tạo ra một cái nhìn không tốt về báo chí trong giới khoa học, trong công chúng...", nhà báo Bùi Hoàng Tám chia sẻ.

Khi được hỏi về lời khuyên dành cho những người mới nổi tiếng trước sức ép của truyền thông và dư luận như trường hợp của Hà Đông, nhà báo Bùi Hoàng Tám nhấn mạnh: "Thực tế, tôi cũng chả dám khuyên gì nhưng tôi chỉ muốn nhắc lại lời chia sẻ của nhà thơ Trần Đăng Khoa, đó là bi kịch lớn nhất của đời Khoa là trở thành thần đồng.

Và khi Khoa trở thành thần đồng thì Khoa khoác trên vai cây thánh giá quá nặng, đó là sự nổi tiếng. Chính điều đó đã khiến cuộc sống của Khoa không còn được như người bình thường mà luôn luôn phải tạo ra sống như một thần đồng mà Khoa cũng chỉ là một con người.

Sự nổi tiếng đã mang lại cho người ta nhiều sự phiền toái và đó là một bi kịch nên những người bị ngợp bởi nó đang cố gắng trở lại thành người bình thường. Ở đây, Hà Đông cũng vậy và cách giải quyết của cậu ấy có phần nào đó dễ hiểu, hợp lý...".

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại