Vụ Flappy Bird: Truyền thông có tội hay Hà Đông chém gió bất cẩn?

Phương Nhi |

(Soha.vn) - Những chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến hoàn toán trái ngược nhau về công và tội của truyền thông trong vụ Flappy Bird - Nguyễn Hà Đông.

LTS: Trước cái chết đầy bất ngờ của game sốt toàn cầu Flappy Bird, nhiều người đổ tội lỗi do truyền thông như ai đó có nói: “Tôi cảm thấy rất lo cho anh Đông khi thấy sự vồ vập hoang dã của báo chí”. Truyền thông là “ngòi châm” cho “quả bom tấn” Flappy Bird nổ tung. Các chuyên gia uy tín sẽ cùng báo điện tử giải mã: CÔNG - TỘI CỦA TRUYỀN THÔNG VỚI THÀNH CÔNG VÀ CÁI CHẾT CỦA FLAPPY BIRD bằng những góc nhìn thẳng thắn, khách quan nhất.

Bài 1: Phần lớn truyền thông Việt Nam theo hướng bới móc

Bài 2: Flappy Bird khai tử: Dân mạng luận công tội truyền thông

“Trong sự kiện này, tôi không thể trách mà cũng không thể khen bởi truyền thông là thành tố đã dựng nên sự kiện này, đẩy nó theo các hướng khác nhau. Ban đầu là sự góp mặt của truyền thông thế giới, sau đó lan rộng ở truyền thông trong nước. Trang chính thống thì khai thác khía cạnh game, khía cạnh cộng đồng, khía cạnh chuyên gia phân tích còn lá cải thì xoay vào các vấn đề bản quyền,… Vụ thuế thì tôi chưa thấy báo nước ngoài nào nhắc tới” - ông Nguyễn Hồng Phúc, chuyên gia của diễn đàn an ninh mạng HVA nhận xét.

Cũng theo ông Phúc đánh giá: Truyền thông Việt Nam chỉ có một số rất ít báo theo hướng truyền thông mainstream tức là đưa tin khách quan còn phần lớn lại theo hướng "lá cải" phi mainstream, tức là bới móc các thông tin ngoài rìa không trọng tâm để đưa tin cho có.

Với các bạn Geek (đam mê một cách say sưa với công nghệ) thì thường họ sẽ tránh xa sự nổi tiếng cùng những ồn ào và rút vào góc làm việc thiên đường của họ.

"Với các bạn Geek (đam mê một cách say sưa với công nghệ) thì thường họ sẽ tránh xa sự nổi tiếng cùng những ồn ào và rút vào góc làm việc thiên đường của họ".

Ngay cả việc săn Nguyễn Hà Đông cùng người nhà của Đông, phỏng vấn hàng xóm, theo ông Phúc cũng là một việc làm không đúng, truyền thông cần chỉnh sửa lại. “Đừng nên theo hướng như các Paparazi, hãy ca ngợi, tìm hiểu về tài năng của con người thay vì các thông tin cá nhân và gia đình của họ” – ông Phúc nói.

Và hậu quả thì ai cũng đã rõ. Nguyễn Hà Đông bị áp lực truyền thông làm phiền và cảm thấy vô cùng mệt mỏi tới mức phát thốt lên “không thể chịu nổi”.

Sự nổi tiếng thực sự không phải điều dễ chịu. Có những người có thể chịu đựng và quen được với nó nhưng một số người khác thì không. Với các bạn Geek (đam mê một cách say sưa với công nghệ) thì thường họ sẽ tránh xa sự nổi tiếng cùng những ồn ào và rút vào góc làm việc thiên đường của họ” – ông Phúc nhấn mạnh.

Có thể thấy, bản thân sự nổi tiếng của Flappy Bird đã đem lại nhiều sự ồn ào. Sự im lặng “né” báo chí của vị “cha đẻ” tài năng Nguyễn Hà Đông càng làm cho dư luận và truyền thông tò mò hơn bao giờ hết. Giới truyền thông đặt ra nhiều giả thuyết liên quan tới sự “im hơi lặng tiếng” này, từ việc vi phạm bản quyền tới trách nhiệm xã hội trong việc đóng thuế. Đâu ai biết được rằng: “Anh Nguyễn Hà Đông là một người ít giao tiếp với mọi người nên không ngạc nhiên khi anh từ chối trả lời phỏng vấn của báo chí. Thật khó yêu cầu một cách ứng xử với báo chí thông minh từ những lập trình viên tự do, chỉ làm việc một mình ở nhà” như một người bạn của Đông đã từng chia sẻ.

Với những ai ủng hộ Đông thì cách đưa thông tin của báo chí rõ ràng đã không mang tính hỗ trợ cho Flappy Bird. Ông Nông Gia Tự (hiện đang làm việc tại Open Digital), người đã từng gặp và trao đổi với Nguyễn Hà Đông từ cách đây hơn 3 năm trước, bày tỏ sự bức xúc trên trang cá nhân của mình: “Họ (giới truyền thông – pv) không biết thế nào là indie game developers, những người làm việc tự do vì đam mê và có cộng đồng rất mạnh. Họ không viết về quá trình phát triển game, tích lũy kinh nghiệm lâu dài của Nguyễn Hà Đông mà luôn cho rằng anh là một lập trình viên trẻ tuổi. Điều này khiến cho rất nhiều người có cách nhìn sai lệch về anh và sự thành công của trò chơi.

Việc Flappy Bird có thể bị Nintendo kiện và đòi bồi thường chỉ là tin đồn nhưng lại được nhìn nhận như thể thông tin chính thức. Họ nhanh chóng cho rằng Flappy Bird vi phạm bản quyền mặc dù điều này dễ dàng bị bác bỏ bởi một người có chuyên môn thực sự trong lĩnh vực sản xuất game. Những điều này càng làm cho đám đông đang ghen tị có dịp vùi dập tác giả”.

Hà Đông sơ sảy nên để mất “con chim đẻ trứng vàng”?

Đứng ở một góc độ khác, ông Đỗ, một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông lại cho rằng: Truyền thông không có lỗi. Vị này giải thích: Sự kiện Flappy Bird - một game di động thuần Việt vừa lọt vào top những ứng dụng được tải nhiều nhất trên các thiết bị Android và iOS là một niềm tự hào của người Việt trên góc nhìn tích cực. Tuy nhiên, khi một vấn đề “hot” đưa ra truyền thông, đương nhiên sẽ có các yếu tố khai tác tiêu cực mà bản thân người chủ nhân được nêu gương sẽ phải gánh chịu.

Sự thật là đằng sau sự thành công này có những yếu tố không lường trước kể cả về sự sao chép ý tưởng cho tới khía cạnh trách nhiệm đóng thuế.

Theo ông Đỗ, chuyên gia truyền thông: Vì sơ sảy lỡ nói ra số tiền lợi nhuận khủng, Hà Đông mới vấp phải khủng hoảng này.
Theo ông Đỗ, chuyên gia truyền thông: Vì sơ sảy lỡ nói ra số tiền lợi nhuận khủng, Hà Đông mới vấp phải khủng hoảng này.

Theo tôi được biết, chính Hà Đông đã chém gió về doanh thu. Do thiếu kinh nghiệm và khi đang ở trong tình trạng phấn khích đã khoe cả thông tin nhạy cảm về khoản lợi nhuận kếch xù rơi vào túi mình. Tôi không tin cậu ấy kiếm được 50.000 USD/ngày” – ông Đỗ chia sẻ.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng: Nếu Hà Đông cẩn thận được như Biểu (Chàng cử nhân bán rong với giấc mơ cà phê Việt) - một người thành công mà khiêm tốn, không bao giờ nói tới doanh thu trước truyền thông, Hà Đông sẽ thành một “Nguyễn Duy Biểu thứ 2”, và sẽ sống bền vững trên sự nổi tiếng.

Trái ngược, Hà Đông thì sơ sảy, nên phải chọn cách “né” đi cho đỡ phức tạp, buộc lòng phải đưa ra quyết định gỡ bỏ “con chim đẻ trứng vàng” của mình.

Tóm lại, “theo tôi, truyền thông không có lỗi mà đã làm đúng chức năng của mình còn khái thác được hiệu quả hay không, chỉ là do Đông. Người đọc ném đá và soi xét tiêu cực là do nhận thức và văn hóa của người đọc” – ông Đỗ kết luận.

(còn nữa)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại