Xin giới thiệu bài viết này để độc giả có cái nhìn rõ hơn về cha đẻ của trò chơi đang gây sốt toàn thế giới:
"Người ta thường thích những thứ không hoàn thiện", Nguyễn Hà Đông, người sáng tạo nên trò chơi Flappy Bird đang được ưa chuộng tới mức độ kinh ngạc, được yêu, bị ghét và giờ đây quá nổi tiếng, nói đùa như thế trên Twitter hồi tháng 3 năm ngoái, rất lâu trước khi mọi người nghe nói đến hoặc chơi trò chơi của anh. Anh nói như vậy để nhấn mạnh lý do tại sao anh thấy hoàn toàn ổn khi tung ra một video game mà trong đó vẫn còn lỗi. "Mọi người cần cái gì đó để họ nêu ý kiến như là một phản hồi mang tính xây dựng".
Nguyễn Hà Đông đã nhận được vô số phản hồi trong vòng vài tuần qua về Flappy Bird, trò chơi khó đến phát điên của anh về việc điều khiển một chú chim màu vàng bay qua những cái cột dựng đứng màu xanh. Một số phản hồi thì tích cực, một số khác thì thô bạo, một số ý kiến là của những người chơi game thấy hài lòng, một số khác là của những người thấy tức giận. Một số ý kiến đến từ giới báo chí, trong đó có cả một bài không lấy làm hay ho của Kotaku. Tôi sẽ nói đến chuyện đó sau, nhưng trước hết xin tập trung vào hành trình của Hà Đông.
Có một lúc vào đầu năm nay, chàng trai đến từ Hà Nội vui vẻ retweet rất nhiều ý kiến phản hồi mà anh nhận được. Dường như anh cảm thấy thích thú với trò đùa của chính mình, rằng trò chơi miễn phí này quá khó tới mức nó khiến không ít người chơi lao đầu vào tường.
"Thân gửi người sáng tạo nên Flappy Bird," một người viết cho Đông trên Twitter hồi cuối tháng 1 khi trò chơi bất ngờ phi lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng iTunes, "Tôi ghét anh. Chui xuống lỗ mà chết đi".
"Xin lỗi nhưng tôi sẽ không làm thế đâu :-)," anh đáp lại.
"Tao ghét mày và tao ghét cái trò chơi chó chết của mày!", một người khác viết, cũng vào khoảng thời gian này. "Ý tao là tao chỉ vướng một sợ lông trên cái ống là lăn ra chết! Chả có tính thực tế gì cả?!?".
"Xin đừng trông mong tính thực tế trong các trò chơi," Đông đáp, "ngoài ra, tôi nghĩ rằng trò chơi của tôi không dành cho tất cả mọi người".
"Là người tạo ra chú chim đập cánh này," một người viết, "anh có thể giúp tôi chiến thắng được không?".
"Không, tôi không thể," anh đáp lời. "Nó chỉ là một trò chơi. Bạn hãy tự chăm sóc bản thân mình trước hết. Tôi không tạo ra trò chơi để hủy hoại cuộc sống của mọi người".
Vài ngày sau, một người đặt câu hỏi: "Mỗi ngày anh nhận được bao nhiêu lời dọa giết?".
"Vài trăm," anh trả lời.
Kể từ cuối tháng 1/2014, Nguyễn Hà Đông trả lời hàng chục người chơi game ngày này qua ngày khác, xử lý lỗi, giải thích cơ chế đoạt huy chương của trò chơi, cười vui khi nhận được những dòng Tweet tức giận hoặc móc máy gửi cho anh, dường như anh chế ngự được thành công của mình trong một bước tiến dài.
Ấy vậy mà cuối tuần vừa qua, khi thành công của Flappy Bird trở nên càng lớn hơn, Hà Đông đã gỡ bỏ khỏi các cửa hàng iOS và Android
"Tôi không thể chịu đựng điều này thêm nữa," anh viết trên Twitter.
Vẫn chưa rõ "điều này" là gì. Có thể nó đơn giản là sự chú ý quá lớn mà anh cảm thấy áp lực khi phải đáp lại. Có thể đó là sự săm soi anh nhận được từ những kẻ hoài nghi về việc anh tạo ra Flappy Bird và những game khác, được tung ra vào tháng 5/2013, rồi bỗng nhiên được ưa thích vô cùng. Có thể đó là sự công kích nhắm vào anh do phong cách mỹ thuật của trò chơi mà một bài viết nặng nề trên chính trang web của tôi cũng góp phần khi nói Flappy Bird "thuổng" từ trỏ Super Mario. Có thể vì bất kỳ lý do nào nhưng có thể cũng chẳng phải bất kỳ lý do nào như nêu trên. (Trước đó Nguyễn Hà Đông đã từ chối trả lời phỏng vấn và tôi không thể liên lạc khi viết bài này).
Tôi không thể rũ bỏ ý nghĩ rằng đây là một câu chuyện buồn. Đây là câu chuyện về một nhà lập trình, có trò chơi trở nên nổi tiếng theo cái cách mà không ai tưởng tượng nổi và được rất rất nhiều người chơi game yêu thích bất chấp - hoặc có thể chính vì - những lưỡi dao sắc và dường như đã trở nên bực bội vì thành công của trò chơi này.
Vậy điều gì đã làm nên trò chơi này cũng như mọi hệ lụy của nó?
Tôi phải làm rõ vài điều:
Trước hết, một số người cho rằng Flappy Bird là một trò chơi kinh khủng; một số khác nghĩ nó thật tuyệt vời. Một số đánh giá rằng nó được tạo ra một cách quá kém cỏi trong khi những người khác lại cho đây là một trò chơi được thiết kế vô cùng tinh xảo để có thể chơi nhanh, đầy thách thức và có thể chơi lại nhanh chóng - đúng kiểu trò chơi mà nhiều người tìm kiếm, giải trí tốt mà không đòi hỏi nhiều nỗ lực và cũng không gây nên nỗi thống khổ nào.
Tôi thì muốn tìm đến câu trả lời chung nhất. Nếu số đông thích một cái gì đó thì tôi cho rằng nó phải có cái hay, kể cả khi tôi không thích. Có thể tôi khó chịu với những trò chơi khó nhằn (và thậm chí có thể cả những trò dễ!), nhưng tôi có thể ca ngợi một trò chơi cho những kẻ khổ dâm và tôi phải khẳng định rằng Flappy Bird đáp ứng được sự thèm thuồng đó. Nếu người ta yêu thích một trò chơi — dù đó là Flappy Bird, Angry Birds hay Call of Duty — thì tôi tin rằng có thứ gì đó tuyệt vời nên người ta mới yêu. Vì vậy hay tính cả tôi trong số những người cho rằng Flappy Bird là một thứ tuyệt vời.
Nhà thiết kế game Bennet Foddy — người đã tạo ra những trò chơi khó tuyệt vời, trong đó có cả QWOP— đánh giá trò chơi của Nguyễn Hà Đông là "đã loại bỏ được mọi sự phức tạp không đáng có để tập trung vào một cơ chế vô cùng đơn giản." Việc gõ vào màn hình để một chú chim bay qua những khoảng cách hẹp ở những độ cao khác nhau tạo ra sự mê hoặc. Nói chung, đa số người chơi không thể đi xa lắm, nhưng họ không cưỡng lại được việc cứ chơi đi chơi lại, và đó chính là điều khiến trò chơi trói chặt họ.
Thứ hai, dù thế nào thì Flappy Bird đã trở thành chủ đề gây tranh cãi. Tuần trước, các đồng nghiệp và bản thân tôi chú ý thấy một số người bàn thảo trên Twitter về việc trò chơi này cũng một số game khác của Nguyễn Hà Đông bỗng nhiên trở nên được ưa chuộng. Có người nói rằng có thể Đông đã dùng thủ thuật bots — tức là các chương trình máy tính để tự động download liên tục và/hoặc tự động tạo ra các bình luận về trò chơi để được nâng vị trí trên bảng xếp hạng. Chúng tôi cũng tò mò, nhưng chẳng thấy ai đưa ra được chứng cứ nào nên cũng không quan tâm đến chuyện đó nữa. Rồi chúng tôi thấy nhiều bài viết trên các blog nói rằng họ chắc chắn Nguyễn Hà Đông không hề dùng bots.
Đương nhiên là Đông phủ nhận. Khi được một phóng viên hỏi vào ngày 6/2 trên Twitter về những cáo giác rằng thống kê tải của Flappy Bird có vẻ bị giả mạo, anh đáp, "Có hề gì đâu? Anh có nghĩ thế không? Nếu tôi làm sai thì làm sao Apple để cho nó sống suốt nhiều tháng?" Anh cũng nói với phóng viên đó rằng "thành công của trò chơi thực sự đã bị đánh giá quá mức" và cho biết thêm rằng anh đã từ chối trả lời các câu hỏi và muốn giới truyền thông để cho anh được yên.
Giả sử có một kịch bản tồi tệ nhất là Nguyễn Hà Đông thực sự tìm ra cách để lừa hệ thống xếp hạng của các gian hàng ứng dụng — tôi thì không tin điều này vì chẳng có chứng cứ nào — và kết quả cuối cùng là trò chơi của anh vẫn được người chơi toàn thế giới ưa thích. Dù thành công của anh có phải là tự nhiên hay được giúp sức thì nó cũng xứng đáng bởi trò chơi mà anh tạo ra đã cộng hưởng với mọi người. Anh ấy đã tạo ra được sản phẩm ăn khách. Anh ấy đã tìm thấy được một số lượng công chúng yêu thích trò chơi của mình.
Nguyễn Hà Đông cũng nhận nhiều ý kiến tiêu cực với phần mỹ thuật của trò chơi. Kotaku cũng có một bài viết về vấn đề này mà tôi cảm thấy không thỏa đáng. Và tôi nghĩ chúng tôi nợ Nguyễn Hà Đông một lời xin lỗi. Tôi xin nói rõ ngay...
Nguyễn Hà Đông, tôi rất tiếc về những gì chúng tôi đã viết đối với phần mỹ thuật trong trò chơi của anh. Và tôi xin lỗi nếu những gì chúng tôi viết ra đã góp phần tạo nên sự nhục mạ mà anh phải nhận. Và dù không phải như thế thì chúng tôi cũng ước giá đừng viết như vậy.
Tác giả của bài viết đó, Jason Schreier, cũng xin có phải lời như sau...
"Trong vài ngày qua, tôi đã dành rất nhiều thời gian đọc những ý kiến phản hồi với bài viết mà tôi đăng tuần trước, tôi rất lấy làm hối hận vì đã viết như vậy. Bài viết đó thật là ẩu, hấp tấp và dưới tiêu chuẩn thông thường của tôi. Với Kotaku, tôi xin lỗi đã để điều đó xảy ra. Với Nguyễn Hà Đông, tôi xin lỗi đã sử dụng những ngôn từ kém cỏi, và tôi mong anh được bình yên".
Đã có nhiều hành động với bài báo đăng hôm thứ Năm, với tiêu đề ban đầu là "Flappy Bird đang kiếm 50.000 USD mỗi ngày nhờ phần hình ảnh thuổng của người khác." Từ "thuổng" là quá nặng, và tác giả bài áo đã phải hối hận về điều đó. Tôi cũng lấy làm tiếc, và ước gì tôi đã nhìn ra. Sau đó, tiêu đề bài báo đã được sửa.
Tôi có ước muốn như thế một phần vì tôi không nhất trí với ý kiến trong bài viết của đồng nghiệp. Tôi thấy Flappy Bird được truyền cảm hứng từ hình ảnh của trò chơi Mario. Và tôi thấy công bằng khi coi đó chỉ là nguồn cảm hứng, giống như nguồn cảm hứng mà chúng ta thấy trong hình ảnh các trò chơi kinh điển của Nintendo xuất hiện trong 3D Dot Game Heroes cho tới Guacamelee hay Braid. Còn nhiều điều phải tranh luận ở đây, nhưng quan điểm của tôi là vậy.
Hơn nữa, tôi lấy làm tiếc vì đã không thể đọc trước bài viết mà tôi cho là không đưa ra được những lập luận rõ ràng và công bằng. Tại sao một người lập trình game lại phải trộm hình ảnh từ một trò chơi kinh điển? Tại sao nó không thể là một trò chơi gốc? Tại sao không thể pha trộn các phong cách đồ họa sẵn có và chơi vui vẻ? Phóng viên của chúng tôi đã không làm được điều đó và chúng tôi đã khiến độc giả của mình cũng như Nguyễn Hà Đông hiểu sai với bài viết đó. Các phóng viên của tôi không nhất thiết phải nhất trí với ý kiến của tôi nhưng chúng tôi cần phải có sắc thái đa dạng trong đánh giá của mình và tôi cần phải đảm bảo rằng những điều tương tự không thể tái diễn.
Bản thân Nintendo tuyên bố họ chẳng thấy có vấn đề gì với Flappy Bird. Một đại diện của công ty nói với Wall Street Journal: "Thông thường chúng tôi không bao giờ có ý kiến gì với các tin đồn hay lời phỏng đoán, [tuần trước] chúng tôi đã bác bỏ phỏng đoán này".
Dù có hay không có "sự giúp đỡ" của chúng tôi thì phong cách nghệ thuật Nintendo trong Flappy Bird dường như đã khiến nhiều người chơi tức giận vì họ cho rằng Nguyễn Hà Đông đang cố lợi dụng thành công của Nintendo hoặc thậm chí đang cố tình lừa dối các game thủ. Tôi thì chẳng thấy có chứng cứ nào cho một hành động như thế. Nguyễn Hà Đông từng đưa một hình vẽ lên Tweeter từ ngày 6/11/2012 trong đó có hình chú chim mà về sau chúng ta biết với tên gọi Flappy Bird. Nó rất phù hợp với bối cảnh chẳng liên quan gì tới Mario.
Nhìn vào bức hình đó, tôi thấy một nhà lập trình game yêu những trò chơi thuở còn đi học. Trong một tweet sau đó vài tháng, Hà Đông vui vẻ nói anh "đang nghĩ đến việc sinh sản vô tính (clone) một đối tượng với một số điều mới mẻ :-)", và tôi thấy ở đây một lập trình viên đang bày tỏ mong muốn tạo nên một thứ từ những cái sẵn có và bổ sung thêm những cái riêng của mình... Một mong muốn chính đáng theo cách hiểu của tôi.
Khoảng gần cuối tháng trước, có ai đó viết cho Nguyễn Hà Đông trên Twitter: "tôi đã chơi flappy bird suốt 3 giờ và đó là thứ gây nghiện chưa từng thấy".
Anh ấy trả lời như thế này: "Chơi vậy là quá nhiều đó. Hãy để cho chính bạn và trò chơi một khoảng thời gian nghỉ ngơi :D".
Lối trả lời đó trở nên thường xuyên hơn trong vài tuần cuối cùng rồi anh bắt đầu khuyên mọi người ngừng chơi trò chơi mà anh đã tạo nên và rất đỗi tự hào.
"Chúc bạn ngủ ngon", anh nói với một người chơi quá say mê, "và hãy để cho trò chơi của tôi cũng được nghỉ".
"Bạn nên nghỉ một chút", anh nói với một người khác.
Một người chơi nói rằng họ phát khóc vì trò chơi. "Cô gái ơi, thực ra trò chơi này là để cô cười vui cơ mà," anh trả lời.
Dường như Nguyễn Hà Đông không cảm thấy buồn bực về việc người chơi không đạt được điểm để họ thấy hài lòng. Dường như anh cũng đang bơi giữa những phản hồi tiêu cực.
Ngày 31/2, anh retweet câu sau đây: "Kẻ tạo ra Flappy Bird có lẽ là nhà lập trình game bị nguyền rủa nhiều nhất trên thế giới hiện nay".
Rõ ràng Nguyễn Hà Đông muốn có thời gian nghỉ ngơi sau sự chú ý quá lớn dành cho anh. Trong hàng loạt dòng trên Twitter từ cuối tháng 1 và đầu tháng 2, Hà Đông liên tục từ chối các đề nghị phỏng vấn của báo chí. Anh có cuộc phỏng vấn ngắn với The Verge, trong đó có đề cập chuyện anh kiếm 50.000 USD mỗi ngày. Song anh phản bác những ý kiến cho rằng anh tính tiền chơi game, nói với một người đòi anh bỏ phần quảng cáo trong trò chơi và để mọi người trả tiền để được chơi Flappy Bird rằng "Tôi không nghĩ rằng tôi nên lấy tiền của mọi người cho một trò chơi đơn giản như thế".
Nguyễn Hà Đông thường retweet những ý kiến của mọi người dù là khen hay chê trò chơi của anh. Và khi anh bị tố cao sao chép một trò chơi từ năm 2011, trong đó cũng có một chú chim màu vàng bay qua khoảng hẹp giữa những cây xương rồng màu xanh, anh viết, "Tình cơ giống nhau. Nhưng tôi thậm chí không biết về trò chơi đó vào thời điểm tạo ra game này." Anh chỉ ra rằng anh đã vẽ con chim của mình cho một trò chơi mà anh đã nói trên Twitter hơn 1 năm trước đó.
Theo quan sát của tôi trên Twitter thì Đông trả lời tất cả các câu hỏi, dù là khen hay phàn nàn. Anh trả lời thấu đáo ngay cả khi con số người theo dõi tăng vọt từ 300 lên 129.000 chỉ sau vài tuần.
Cuối tuần trước, Nguyễn Hà Đông viết trên Twitter rằng anh xin lỗi người hâm mộ vì chậm cập nhật phiên bản mới của trò chơi. Anh đổ lỗi sự phân tâm của mình cho báo chí. Anh đăng lại những ý kiến vui về việc trò chơi khiến mọi người ghét anh ra sao.
"Mọi người đang sử dụng trò chơi của tôi quá mức :-(," anh phàn nàn hôm 8/2. Một lúc sau anh viết: "Tôi có thể gọi 'Flappy Bird' là một thành công của bản thân. Nhưng nó đang phá hỏng cuộc sống bình dị của tôi. Vì thế bây giờ tôi ghét nó". Người ta đã hỏi có phải anh thất vọng như thế một phần vì bài viết của chúng tôi vào ngày 6/2 trong đó có nói phần hình ảnh trong trò chơi giống với trò Mario.
"Có phải anh mệt mỏi vì những cáo buộc của @Kotaku vì cho rằng anh đã lấy trộm những hình ảnh của trò chơi Mario?" người ta hỏi anh như thế. (Một lần nữa, tôi xin nhắc lại rằng Kotaku và tôi I không cho rằng anh đã lấy trộm hình ảnh của Mario.)
"À, tôi không trực tiếp lấy trộm cái gì cả," anh đáp. "Nó chỉ là cách vẽ thôi :-)... Xin lỗi về font chữ :-) Tôi quá mệt mỏi để nghĩ tới điều đó".
"Không sao," người kia viết, "có phải anh chán ghét thành công của Flappy Bird?".
"Không phải vì họ mà là vì cách mọi người đã sử dụng trò chơi của tôi", "họ đang lạm dụng nó", Hà Đông trả lời.
Sau đó cùng ngày, Hà Đông tuyên bố sẽ gỡ bỏ trò chơi. "Tôi xin lỗi những người chơi 'Flappy Bird,' trong vòng 22 tiếng kể từ bây giờ, tôi sẽ gỡ 'Flappy Bird' xuống", "tôi không thể chịu đựng điều này thêm nữa. Việc này không liên quan gì đến các vấn đề pháp lý. Tôi chỉ không thể giữ nó được đứa. Tôi cũng không bán 'Flappy Bird', nên làm ơn đừng hỏi. Và tôi sẽ tiếp tục làm game", anh viết.
Hồi tháng 4/2013, Nguyễn Hà Đông từng viết trên Twitter: "Con người ta chỉ sống một lần và cách tốt nhất là hãy tận dụng nó. Thành công không phải lý do duy nhất để tồn tại".
Oái oăm là Nguyễn Hà Đông đã tìm thấy thành công, và tìm thấy nó trong cái trò chơi mà anh nói rằng chỉ làm trong vòng có vài ngày. Có phải sự săm soi của báo chí đã khiến cho mọi điều trở nên tồi tệ? Hay là vì những dòng giận dữ của người hâm mộ trên Twitter? Hay vì số lượng tin nhắn quá lớn mà một nhà lập trình game cực khó sẽ nhận được? Hay vì nguồn thu nhập bất chợt? Hay vì những báo cáo lỗi trong trò chơi? Hay là vì số lượng những người chơi trò chơi này quá nhiều khiến anh thấy báo động? Thật khó nói, nhưng có thể là tổng hợp của tất cả những lý do này.
Có một số người cho rằng Hà Đông gỡ trò chơi vì khả năng trò chơi được quảng bá giả tạo. Nhìn những dòng viết của anh, tôi không tin như vậy. Theo tôi, dường như chàng trai này đơn giản là thấy quá ngợp.
Và tôi cũng có một điều mong muốn cho Nguyễn Hà Đông: Hãy bình yên và hãy im lặng.
Tôi mong bình yên và im lặng để anh có thể tiếp tục tạo ra các trò chơi mới. Khi những trò chơi đó ra đời, tôi rất mong được chơi thử và viết về chúng với một sự kính trọng. Thành công không phải lý do duy nhất để tồn tại, nhưng nếu anh có thể tạo ra trò chơi mà mọi người yêu thích thì anh xứng đáng với thành công đó.