Xe tăng lội nước của Hải quân đánh bộ VN đã đến lúc cần đầu tư

Lương Minh |

(Soha.vn) - Hiện nay, xe cơ giới có hỏa lực mạnh nhất của các Lữ đoàn hải quân đánh bộ Việt Nam là các xe tăng lội nước hạng nhẹ PT-76.

Yêu cầu cấp thiết

Hiện nay, xe cơ giới có hỏa lực mạnh nhất của các Lữ đoàn hải quân đánh bộ Việt Nam là các xe tăng lội nước hạng nhẹ PT-76. Được thiết kế từ sau Thế chiến II và đi vào trang bị trong biên chế Hồng quân Liên Xô kể từ năm 1954, xe tăng PT-76 sẽ “lên lão” 60 tuổi vào năm 2014.

Ở Việt Nam hiện nay đa phần là phiên bản PT-76 được trang bị pháo D-56TM có loa giảm giật và bọng hút khói. Dài 6,91m, rộng 3,15m và cao 2,325m, PT-76 có khối lượng 14,6 tấn. Pháo chính D-56TM cỡ nòng 76,2mm có tầm bắn hiệu quả khoảng 1.500m, tốc độ bắn 6-8 phát/phút, cơ số đạn 40 viên gồm đạn xuyên giáp AP-T và đạn nổ mảnh HE Frag, chỉ hiệu quả với các mục tiêu không được bọc giáp quá dày.

Ngoài ra, PT-76 còn có đại liên đồng trục PKT 7,62mm với tầm bắn 1.000m, cơ số đạn 1.000 viên. Động cơ V-6 công suất 240 mã lực cho phép xe tăng đạt tốc độ tối đa 44km/h và tầm hoạt động 260km (370km nếu mang theo thùng dầu phụ). Hai động cơ chuyên dụng để bơi dưới nước cho tốc độ bơi 10km/h, tầm bơi 100km. Kíp chiến đấu 3 người: Chỉ huy kiêm liên lạc, lái xe và pháo thủ.

Xe tăng lội nước hạng nhẹ PT-76 của Hải quân đánh bộ Việt Nam
Xe tăng lội nước hạng nhẹ PT-76 của Hải quân đánh bộ Việt Nam

Nhờ khả năng việt dã cao, bơi nước không cần chuẩn bị rất tốt, nên PT-76 được chủ yếu sử dụng làm nhiệm vụ trinh sát và trong lực lượng hải quân đánh bộ. Xe tăng sẽ là xung lực đổ bộ trong đợt đầu tiên, tấn công chiếm đầu cầu đổ bộ, mở đường cho lực lượng hải quân đánh bộ tiến lên. Tuy nhiên, hiện nay PT-76 đã khá lạc hậu, pháo chính yếu cả về sức xuyên lẫn tốc độ bắn, không có hệ thống ổn định pháo và kính ngắm chính xác, nên không thể bắn trong hành tiến. Xe cũng rất thiếu khả năng phòng không.

Quân đội Việt Nam đã từng gắn trọng liên DShK 12,7mm lên xe tăng PT-76 để phòng không nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, rất nguy hiểm cho xạ thủ. Vì xe tăng ưu tiên khả năng bơi nên buộc phải hi sinh khả năng bảo vệ, vỏ giáp quá mỏng, nơi dày nhất chỉ 20mm, thậm chí không thể chống nổi các đạn nhọn cỡ 12,7mm và mảnh pháo lớn. Xe tăng cũng không có hệ thống phòng chống vũ khí hủy diệt lớn xạ - sinh – hóa (NBC).

Trước tình hình biển Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp, việc tăng cường sức mạnh cho hải quân đánh bộ là rất cần thiết. Trong đó, việc hiện đại hóa, thậm chí thay thế xe tăng lội nước hạng nhẹ PT-76 là ưu tiên hàng đầu. Tiêu chí thay thế là loại xe cơ giới mới phải có khả năng lội nước tốt, sức cơ động cao, hỏa lực mạnh và chính xác, có khả năng phòng không và giá thành phải hợp lí.

Trong kì 1, xin giới thiệu các phương án nâng cấp xe tăng lội nước hạng nhẹ PT-76:

PT-76 mang pháo 30mm và tên lửa chống tăng có điều khiển

Tập đoàn Muromteplovoz của Nga đưa ra phương án nâng cấp xe tăng PT-76, bỏ tháp pháo và pháo D-56TM đã không còn phù hợp, thay bằng tổ hợp vũ khí gồm pháo tự động 30mm 2A42, súng phóng lựu tự động 30mm AG-17 và đại liên PKMT 7,62mm. Tổ hợp vũ khí này có hỏa lực mạnh, là mối đe dọa nguy hiểm cho lực lượng địch trong trạng thái phòng ngự lâm thời hay công sự kém kiên cố.

Tổ hợp vũ khí gồm pháo tự động 30mm, súng phóng lựu tự động 30mm, đại liên PKT 7,62mm và tên lửa chống tăng Kornet.
Tổ hợp vũ khí gồm pháo tự động 30mm, súng phóng lựu tự động 30mm, đại liên PKT 7,62mm và tên lửa chống tăng Kornet.

Để chống tăng và giải quyết các mục tiêu kiên cố, xe tăng PT-76 mang theo từ 2-4 ống phóng tên lửa chống tăng có điều khiển Kornet chính xác cao, tầm bắn lên đến 10.000m, xuyên 1.300mm thép RHA. Hệ thống hỏa lực được trang bị kính ngắm ngày đêm TKN-4GA. Để tăng khả năng phòng ngự, xe có thể được gắn thêm các tấm giáp ngăn đạn nổ lõm, lưới chắn đạn lõm chống tăng và ống phóng lựu đạn khói.

Hệ thống động lực của xe cũng được cải tiến lại, động cơ V-6 cũ được thay bằng động cơ mới, công suất tăng lên 420 mã lực, sử dụng hệ li hợp bánh răng của xe chiến đấu đổ bộ đường không BMD-3, khiến cho tốc độ của xe tăng PT-76 nâng cấp tăng lên 60km/h, vận tốc bơi đạt 14km/h.

PT-76E với pháo tự động 57mm

Tập đoàn Chế tạo máy đặc chủng và Luyện kim Nga đưa ra phương án nâng cấp PT-76, bỏ tháp pháo cũ, thay bằng tổ hợp pháo 57mm AU-220, súng phóng lựu tự động AG-30, trọng liên Kord 12,7mm và 4 ống phóng tên lửa chống tăng Kornet. Ngoài ra, còn có một đại liên 7,62mm đồng trục với pháo AU-220.

Với gói nâng cấp này, hỏa lực của xe tăng PT-76E gia tăng vượt trội, với các tên lửa chống tăng có điều khiển chính xác cao, và đặc biệt là pháo bắn nhanh 57mm. Pháo AU-220 có ba chế độ bắn: chậm (2-5 phát/phút), nhanh (20 phát/phút) và siêu nhanh (120 phát/phút), sử dụng đạn nổ phá mảnh và đạn xuyên giáp chống tăng, xuyên 100mm thép RHA ở cự li 1.120m, cho phép tiêu diệt tất cả các loại xe bọc thép chở quân và xe chiến đấu bộ binh. Cơ số đạn pháo 57mm cũng tăng lên đến 70 viên so với 40 viên đạn pháo 76,2mm trước đây.

Tổ hợp pháo bắn nhanh 57mm, kính ngắm quang điện tử và tên lửa chống tăng Kornet
Tổ hợp pháo bắn nhanh 57mm, kính ngắm quang điện tử và tên lửa chống tăng Kornet

Hệ thống điều khiển hỏa lực bao gồm kính ngắm quang truyền hình Liga–S, có ổn định tầm hướng, có các kênh quang học, hồng ngoại và đo xa laser, thiết bị đo xa laser còn được sử dụng để dẫn đường cho tên lửa chống tăng Kornet. Trọng liên phòng không cũng có kênh ngắm song song 1P67. Kính ngắm có khả năng phát hiện mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết, chống nhiễu chiến trường và nhiễu địa hình. Hệ thống điều kiển hỏa lực có thiết bị tự động bám mục tiêu quang học và ảnh nhiệt dẫn đường cho tên lửa chống tăng Kornet.

Không thể tăng cường vỏ giáp cho xe, nhưng PT-76E được trang bị hệ thống phát hiện các kính ngắm quang học của súng bắn tỉa, súng chống tăng … của đối phương, báo động cho kíp lái kịp thời đối phó.

PT-76E sử dụng động cơ UTD-20 6 xi lanh công suất 300 mã lực, tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng lên đến 20 mã lực/tấn, tốc độ tối đa đạt 60km/h. Ước tính sức mạnh chiến đấu của xe tăng PT-76E tăng gấp 2,7 lần trước nâng cấp. PT-76E đã được chấp nhận sử dụng trong hải quân đánh bộ Nga từ năm 2006, khoảng 40-50 xe đã được đặt hàng.

Giải pháp hiệu quả nhất?

So sánh hai phương án nâng cấp xe tăng PT-76 kể trên, ta nhận thấy: Cả hai phương án đều yêu cầu phải bỏ tháp pháo 76,2mm đã quá lạc hậu, để thay thế bằng vũ khí mới. Giải pháp để chống xe tăng hạng nặng của đối phương đều là trang bị cho xe các tên lửa chống tăng có điều khiển Kornet.

Phương án của Tập đoàn Muromteplovoz tăng cường cả hỏa lực, tính cơ động và một chút khả năng bảo vệ cho xe. Tuy nhiên, pháo 30mm 2A42 và súng phóng lựu tự động AG-17 rõ ràng là chưa đủ để tạo thành mật độ hỏa lực mạnh và dày đặc.

Trong khi đó, phương án PT-76E tập trung tăng cường hỏa lực mạnh, có đặc trưng là pháo bắn nhanh AU-220 rất mạnh mẽ, chế áp hệ thống phòng ngự đối phương rất hiệu quả, đồng thời cũng tăng cường khả năng phòng không. Phương án PT-76E đã được hải quân đánh bộ Nga chấp nhận, và đó có thể là hướng đi hợp lí để hiện đại hóa xe tăng PT-76 của Việt Nam.

Tuy nhiên, cả hai phương án nêu trên đều chưa giải quyết được dứt điểm vấn đề giáp mỏng của PT-76. Nếu như tăng độ dày giáp thì sẽ làm giảm tính năng vận động của xe. Đây là hạn chế lớn nhất của xe tăng PT-76

Một hướng đi khác là mua sắm các mẫu xe mới, mời độc giả đón đọc ở kỳ sau!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại