Tiêm kích J-18 Trung Quốc có thể chỉ là món "gà ảo" hù thiên hạ

Minh Đức |

(Soha.vn) - Đài truyền hình CCTV Trung Quốc từng tuyên bố về sự phát triển của tiêm kích J-18 nhưng liệu đây có phải là chương trình phát triển thực sự hay chỉ là sự phô trương?

Trong năm 2011, kênh truyền hình CCTV của Trung Quốc đã úp mở về một chương trình phát triển tiêm kích tàng hình cất hạ cánh ngắn và thẳng đứng được chỉ định là J-18 còn gọi là Red Eagle. Máy bay được phát triển bởi Tổng công ty chế tạo máy bay Thành Đô.

CCTV còn công bố cả thông số kỹ thuật của chương trình này. Theo đó, J-18 có chiều dài 22,4 mét, sải cánh 15,2 mét, chiều cao 4,94 mét, trọng lượng rỗng 20,5 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 47 tấn, tải trọng vũ khí 12,5 tấn. Tốc độ tối đa 3.100 km/h, bán kính chiến đấu từ 850-1.000 km.

Hình ảnh được cho là tiêm kích cất hạ cánh ngắn và thẳng đứng J-18 do Globalsecurity cung cấp.

Hình ảnh được cho là tiêm kích cất hạ cánh ngắn và thẳng đứng J-18 do trang Global Security cung cấp.

Kênh truyền hình này còn cho biết thêm, J-18 Red Eagle sẽ được trang bị rất nhiều công nghệ tiên tiến như radar quét mạng pha điện tử chủ động AESA, động cơ kiểm soát vector lực đẩy, khả năng tàng hình, tốc độ hành trình siêu âm.

Theo như giới thiệu, J-18 sẽ được phát triển để trang bị cho Hải quân Trung Quốc nhằm triển khai hoạt động trên tàu sân bay Liêu Ninh và các tàu sân bay khác trong tương lai. Tiêm kích này được thiết kế để cạnh tranh với biến thể F-35B của Mỹ.

J-18 Red Eagle sẽ được trang bị nhiều vũ khí tiên tiến như: Tên lửa không đối không, đối đất, đối hải tầm xa chính xác, khả năng mang tải trọng vũ khí lớn và đa dạng cho phép tham chiến nhiều mục tiêu cùng lúc.

Trước đó, theo báo cáo của tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản, J-18 đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên tại một căn cứ nằm sâu bên trong khu tự trị Nội Mông. Năm 2005, một nguồn tin công nghiệp quốc phòng Mỹ cho biết, Tổng công ty máy bay Thành Đô đang xem xét phát triển một chương trình máy bay tiêm kích tương tự như F-35B của Mỹ.

Sự thật hay phô trương?

Việc một kênh truyền hình chính thống của Trung Quốc công bố về một chương trình phát triển vũ khí của quân đội nước này được xem là động thái “xưa nay hiếm” bởi các chương trình phát triển vũ khí của nước này chưa bao giờ được công bố công khai. Điều này khiến giới phân tích quốc tế đặt nhiều câu hỏi về thực hư của chương trình này.

J-18 được cho là đã tiến hành các thử nghiệm bí mật tại sân bay ở Nội Mông.
J-18 được cho là đã tiến hành các thử nghiệm bí mật tại sân bay ở Nội Mông.

Máy bay được cho là có hình dáng tương tự như máy bay tiêm kích trên hạm Su-33 của Nga. Tuy nhiên, tờ Global Security đã đăng tải một số hình ảnh được cho là của tiêm kích J-18 với thiết khí động học hoàn toàn khác Su-33. Theo đó, J-18 có thiết kế tương tự F-35 của Mỹ.

Các bức ảnh lại để lộ ra một câu hỏi về khả năng cất hạ cánh ngắn và thẳng đứng của J-18. Tiêm kích này được trang bị 2 động cơ với cách bố trí tương tự như các tiêm kích thông thường khác. Điều này khiến khả năng ống xả của động cơ có thể di chuyển lên xuống thực sự là một ẩn số.

Giả sử ống xả của động cơ có thể di chuyển lên xuống nhưng không có động cơ ở giữa thân máy bay thì không thể cất hạ cánh thẳng đứng được. Nếu có, J-18 chỉ có thể thực hiện các hoạt động cất hạ cánh ngắn.

Trong khi đó, với các tiêm kích cất hạ cánh ngắn và thẳng đứng như F-35B hay Yak-141 các nhà thiết kế thường bố trí một hoặc 2 động cơ ở phía sau và một động cơ ở giữa thân sau buồng lái phi công để cất cánh thẳng đứng.

Những động cơ này đòi hỏi những công nghệ chế tạo rất đặc biệt, hiện nay chỉ có Nga, Mỹ chế tạo được động cơ kiểu này. Trong khi đó việc chế tạo một động cơ phản lực thông thường đã là vấn đề quá sức đối với Trung Quốc. Phần lớn các tiêm kích do nước này sản xuất đều phải nhập khẩu động cơ từ Nga.

Do đó, khả năng Trung Quốc có thể tự sản xuất động cơ đặc biệt cho tiêm kích cất hạ cánh ngắn và thẳng đứng trên hạm là một ẩn số rất lớn, không muốn nói là ngoài khả năng của nước này trong vài năm tới.

Công nghiệp hàng không Trung Quốc mới phát triển trong thời gian khoảng hơn một thập niên trở lại đây nhưng họ đang có rất nhiều các chương trình phát triển tiêm kích lớn như J-20, J-31, J-16, J-15 và J-18. Điều đó làm xuất hiện một câu hỏi lớn, nền công nghiệp hàng không non trẻ của Trung Quốc sẽ xoay xở như thế nào với những chương trình lớn này. J-18 có phải là một chương trình phát triển thực sự hay đây chỉ là một động thái phô trương sự lớn mạnh của công nghiệp hàng không Trung Quốc?

Những hình ảnh được công bố của J-18 có chất lượng khá mờ làm dấy lên mối hoài nghi rằng đây là sản phẩm của kỹ thuật đồ họa. Giới thiệu vũ khí mới bằng sản phẩm đồ họa không phải là vấn đề mới tại Trung Quốc nên J-18 cũng được liệt vào “danh sách đen” này.

Mặc dù sự phát triển của J-18 vẫn là một ẩn số nhưng theo George Kennan (một nhà bình luận quân sự Mỹ), giới tình báo nước này đã ghi nhận những hoạt động bất thường tại một sân bay bí mật ở khu tự trị Nội Mông.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại