Biển Đông: "Ngáo ộp" J-16 Trung Quốc đáng sợ cỡ nào?

Minh Đức |

(Soha.vn) - Trung Quốc đã sao chép Su-30MK2 của Nga thành J-16 và tham vọng biến nó thành con "ngáo ộp" trên Biển Đông.

Đứa con nhân bản của Su-30MK2

Sau khi đã sao chép tiêm kích Su-27 của Nga thành J-11B, Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu từ Nga khoảng 76 chiếc Su-30MKK và 24 chiếc Su-30MK2. Su-30MK2 được thiết kế cho nhiệm vụ đánh biển nên Trung Quốc đã tìm cách để sao chép mẫu tiêm kích này nhằm đáp ứng tham vọng bành trướng của mình trên Biển Đông.

J-16 được phát triển dựa trên mẫu tiêm kích J-11BS 2 chỗ ngồi nhưng phạm vi hoạt động tăng thêm cùng hệ thống điện tử hàng không nâng cấp. Quá trình phát triển J-16 khá bí mật. Mãi tới năm 2012, hình ảnh tiêm kích J-16 xuất hiện bên ngoài nhà máy chế tạo máy bay Thẩm Dương mới lan truyền trên các trang mạng quốc phòng Trung Quốc.

Lúc đó, không khó để nhận ra rằng, đây là một bản sao của Su-30MK2. Không chỉ giống Su-30MK2 ở hình dáng khí động học, J-16 cũng được phát triển theo khái niệm tiêm kích đa nhiệm với vai trò tương tự như loại máy bay này.

Nguyên mẫu J-16 bên ngoài  sân bay của nhà máy chế tạo máy bay Thẩm Dương, Trung Quốc.
Nguyên mẫu J-16 bên ngoài sân bay của nhà máy chế tạo máy bay Thẩm Dương, Trung Quốc.

J-16 được thiết kế với 2 chỗ ngồi, một phi công ngồi trước và một ngồi sau. Hơi khác so với J-11 và J-15, J-16 được thiết kế theo kiểu ổn định dọc nhằm tăng khả năng hoạt động trên biển. Theo các thông tin rõ rỉ trên các trang mạng quốc phòng Trung Quốc, J-16 được chế tạo với tỷ lệ vật liệu composite khá cao nhằm tăng độ bền cơ học, cũng như giảm diện tích phản hồi radar.

Hệ thống điện tử trên J-16 do Trung Quốc sản xuất để có thể tương thích với những vũ khí mới nhất của nước này. Theo một số nguồn tin, J-16 được trang bị hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu nhằm tăng khả năng hoạt động.

Không thể nhận ra sự khác biệt giữa Su-30MK2 của Nga(ở trên) và J-16 của Trung Quốc (ở dưới)

Không thể nhận ra sự khác biệt giữa Su-30MK2 của Nga (ở trên) và J-16 của Trung Quốc (ở dưới)

Ẩn số lớn nhất của J-16 là động cơ, hiện không rõ tiêm kích này được trang bị động cơ loại nào. Một số thông tin trên các trang mạng quốc phòng Trung Quốc cho rằng J-16 được trang bị động cơ WS-10A do nước này sản xuất. Tuy nhiên, chất lượng WS-10A vốn không ổn định nên khả năng nó được trang bị trên J-16 không cao.

Cũng có thông tin cho rằng J-16 được trang bị động cơ AL-31F nhập khẩu từ Nga. Khả năng này cao hơn vì trong thời gian qua, Trung Quốc đã nhập khẩu từ Nga hơn 1.000 động cơ phản lực các loại.

Trung Quốc dự định biến J-16 thành con ngáo ộp thiết lập không hải chiến trên biển Đông.
Trung Quốc dự định biến J-16 thành con ngáo ộp thiết lập không hải chiến trên biển Đông.

Mặc dù thông số kỹ thuật của J-16 vẫn chưa được công bố nhưng nhiều khả năng nó sẽ có khả năng mang tải trọng vũ khí tương đương Su-30MK2. J-16 có khả năng mang theo tải trọng vũ khí khoảng 8 tấn, tốc độ tối đa dự đoán của tiêm kích này khoảng Mach 2 (khoảng 2.200km/h).

Phạm vi hoạt động khoảng 3.000km với nhiên liệu tối đa, trần bay khoảng 17,3km. Theo thông tin từ tạp chí Khán Hòa, Trung Quốc đã đưa vào biên chế khoảng 24 chiếc tiêm kích J-16. Bắc Kinh dự định sử dụng tiêm kích này làm nòng cốt cho lực lượng không quân hải quân.

Biến J-16 thành "ngáo ộp" trên biển Đông

Đại tá Du Wenlong, một chuyên gia quân sự Trung Quốc từng tuyên bố rằng Bắc Kinh có thể sử dụng tiêm kích J-16 kết hợp với một số loại máy bay cảnh báo sớm như KJ-500 để thiết lập không-hải chiến trên Biển Đông.

Trong vấn đề kiểm soát không phận Biển Đông, ông Du nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tiêm kích J-16 bởi nó được thiết kế đặc biệt cho nhiệm vụ không-đối-không, không-đối-hải và không-đối-đất, hay nói cách khác J-16 là một máy bay đa chức năng có thể đảm nhiệm nhiều vai trò trên Biển Đông.

Mặc dù trong biên chế Không quân Trung Quốc có khoảng 24 chiếc tiêm kích Su-30MK2 được thiết kế chuyên dùng cho nhiệm vụ đánh biển. Tuy nhiên, Su-30MK2 trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực do Nga sản xuất nên Trung Quốc phải nhập khẩu vũ khí từ Nga. Cũng chính vì điểu này, Su-30MK2 sẽ bị hạn chế về khả năng hoạt động khi thiết lập không-hải chiến.

Trong khi đó, J-16 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực do Trung Quốc sản xuất nên có khả năng tương thích với các hệ thống vũ khí nội địa. Trong triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải 2012, Trung Quốc đã khoe một loạt vũ khí mới như: Tên lửa chống bức xạ LD-10, tên lửa không đối đất, đối hải BP-12A, tên lửa chống hạm YJ-12 và gần đây nhất là tên lửa chống bức xạ được mệnh danh là "mũi tên xuyên thủng lá chắn Aegis" PL-16.

Những vũ khí này đều có khả năng tương thích với J-16 và Trung Quốc coi đó là công cụ đắc lực để họ biến đứa con nhân bản lỗi này thành "ngáo ộp" trên Biển Đông. Tiêm kích J-16 kết hợp với máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm KJ-500 sẽ tạo ra nhiều mối đe dọa cho các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, để có thể biến thành con "ngáo ộp" trên Biển Đông, J-16 cùng KJ-500 sẽ phải giải quyết rất nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề tiếp nhiên liệu trên không và bảo vệ cho phi đội của họ trước khi nghĩ đến việc áp đặt không-hải chiến trên Biển Đông.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại