Lời vĩnh biệt Đại tướng của một người đồng đội vô cùng đặc biệt

“Tôi nhớ Đại tướng quá nhưng giờ không biết làm thế nào nữa. Vĩnh biệt là không bao giờ thấy nữa. Thế là chịu thôi! Vĩnh biệt ông Văn nhé. Nhớ nhớ tôi nhé và nhớ đồng đội nhé!".

“Vĩnh biệt ông Văn nhé! Nhớ nhớ nhớ tôi nhé và nhớ đồng đội nhé…!” Đó là lời vĩnh biệt rưng rưng nước mắt của người chiến sĩ cuối cùng của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được phát trên sóng VOV1 trong chương trình đặc biệt 12 tiếng tường thuật Lễ quốc tang Đại tướng.

Chứa chan dòng lệ tiễn biệt

Theo chia sẻ của chị Phạm Hồng Nhung, Trưởng phòng Chương trình Thời sự của Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp VOV1, một trong những điều ekip chương trình đặc biệt có chủ đề: “Võ Nguyên Giáp và giá trị Việt” phát sóng trực tiếp ngày 13/10 tâm đắc nhất là việc phát hiện được những nhân vật “độc”.

Đó là trường hợp của cụ Tô Đình Cắm, 91 tuổi, dân tộc Tày, quê ở Cao Bằng, hiện ngụ tại Lâm Đồng. Cụ là người duy nhất còn lại của Đội VN tuyên truyền giải phóng quân do Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập năm 1944.

Lời vĩnh biệt Đại tướng của một người đồng đội vô cùng đặc biệt
Chương trình thành công nhờ sự phối hợp ăn ý giữa nhiều bộ phận (Ảnh: Thái Anh)

Chị Nhung khẳng định, câu tiễn biệt của cụ Cắm: “Tôi nhớ Đại tướng quá nhưng mà giờ không biết làm thế nào nữa. Vĩnh biệt là không bao giờ thấy nữa. Thế là chịu thôi! Vĩnh biệt ông Văn nhé. Nhớ nhớ nhớ tôi nhé và nhớ đồng đội nhé…!” là một trong những điểm nhấn làm nên dấu ấn cho chương trình.

Theo chị Nhung, ekip thực hiện chương trình nói chung và phóng viên thường trú của Đài tại khu vực Tây Nguyên đã rất may mắn khi tìm được cụ Cắm. Nhưng “đắt giá” hơn là lời tiễn biệt của một người đồng chí, đồng đội, một người lính với vị Tướng của nhân dân, với người Anh Cả đáng kính của quân đội nhân dân VN.

Chị Nhung cũng cho biết thêm, để có được câu vĩnh biệt khoảng 25 giây – và cũng là khoảnh khắc chạm vào trái tim nhiều người, phóng viên thường trú khu vực Tây Nguyên là Quang Sáng, trên đường đến nhà cụ Cắm để thực hiện cuộc phỏng vấn với cụ đã bị ngã xe, “mặt mày máu me be bét”.

Chị Nhung kể lại, vì để kịp cho chương trình, anh Sáng thậm chí không kịp lau rửa mà để nguyên bộ mặt ấy vội vội vàng vàng vào phỏng vấn cụ Cắm. Dù tuổi già sức yếu, dù giọng cụ đã phều phào nhưng câu khóc, câu tiễn biệt của cụ trước giờ phút đưa linh cữu Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng ấy thực xúc động lòng người.

Lời vĩnh biệt Đại tướng của một người đồng đội vô cùng đặc biệt
Ông Tô Văn Cắm bên di ảnh của Đại tướng (Ảnh: Thanh Niên)

Chưa có chương trình nào mà nhiều người khóc đến thế

Chị Nhung cũng chia sẻ thêm, chưa có chương trình nào mà từ BTV, người dẫn chương trình, PV hiện trường, nhân vật, bạn nghe đài, và cả những người thực hiện ở hậu trường lại khóc nhiều đến thế như chương trình đặc biệt về Đại tướng Võ Nguyên Giáp những ngày qua. “Ngay cả trong quá trình thu thập tài liệu trước Lễ quốc tang gần 1 tuần, mọi người cũng đã khóc rất nhiều”, chị Nhung nhớ lại.

Ngày 12/10, sau phần tường thuật lễ viếng, chị Nhung cùng ekip tiếp tục chuẩn bị cho chương trình đặc biệt vào ngày 13/10. Tuy nhiên, khi công việc còn đang dang dở, với tâm trạng bồn chồn không yên, chị cùng nhóm làm đã quyết định tạm gác lại mọi việc, tranh thủ thời gian vào viếng Đại tướng. Chị cùng ekip chờ từ 11h trưa đến gần 4h chiều thì được vào viếng.

Khoảng thời gian chờ đợi ấy, chị nghe được nhiều câu chuyện, nhiều tình cảm của người dân dành cho Đại tướng nên chị cùng ekip đã mang theo dòng cảm xúc ấy vào chương trình. Chị cùng ekip trực cả đêm để viết lời dẫn.

Theo chị Nhung kể lại, xúc động nhất là lúc máy bay đưa linh cữu Đại tướng chuẩn bị cất cánh đưa Đại tướng về với đất mẹ Quảng Bình, BTV Đặng Linh chịu trách nhiệm tường thuật ở sân bay đã nghẹn ngào khi nói những lời tiễn biệt Đại tướng.

BTV Hằng Nga dẫn ở phòng thu khi nghe anh Đặng Linh nói: “Chúng tôi xin nghiêng mình vĩnh biệt Đại tướng. Và bỗng chốc tôi nhớ lại lời của một nhà báo Đài tiếng nói VN: “Đại tướng ra đi, Đại tướng là một cánh chim bay về với đại ngàn Trường Sơn”, chị đã vừa khóc vừa tiếp tục dẫn nối với phần của mình.

Hai chuyên cơ đã cất cánh đưa linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng gia quyến và ban lễ tang về sân bay Đồng Hới, Quảng Bình, quê hương của Đại tướng. Trong giờ phút này, chúng tôi hình dung Đại tướng của chúng ta như cánh chim bằng không phải bay về nơi chín tầng trời như lời của nhà báo Uông Ngọc Dậu. Cánh chim không biết mệt mỏi ấy vẫn chao liệng đâu đó trên đại ngàn Trường Sơn, trên cánh rừng đỉnh núi Việt Bắc, Tây Bắc, trên biển Đông hùng vĩ và trên dãy Hoành Sơn quê ông”. Nói đến đây, chị Nga giọng đầm đìa nước mắt.

Khi hỏi chị Nga chia sẻ thêm về cảm xúc lúc đó, chị khiêm tốn: “Thực ra đó chỉ là kỹ năng khớp nối giữa người trả cầu về và người nhận cầu, giữa BTV hiện trường và BTV ở studio”. Chị Nga có trao đổi trước với BTV Đặng Linh về nội dung. Và vô tình, khi liên tưởng hình ảnh máy bay cất cánh, cả 2 BTV đều nhớ lại một tứ của nhà báo Uông Ngọc Dậu khi ví hình ảnh Đại tướng như cánh chim bay về với đại ngàn Trường Sơn.

Chị Nga nhớ lại: “Lúc máy bay cất cánh, anh Đặng Linh giọng lạc đi, mình ở nhà đeo tai nghe, cộng với nền nhạc hơi buồn nhưng trầm hùng, bi tráng thì nước mắt đã chảy ra rồi. Mà không chỉ riêng mình, tất cả mọi người có mặt trong phòng studio hôm ấy đã lặng đi rồi. Anh Nguyễn Khánh, lúc đó là đạo diễn đã chỉ đạo đưa nhạc lên một quãng dài để các BTV lấy lại tinh thần. Vì bạn Tuấn Tú dẫn cùng mình lúc đó cũng phải một lúc mới bắt đầu dẫn tiếp, còn mình thì sau đó không thể nói được nữa”.

“Đại tướng đã phù hộ chúng tôi”

Anh Nguyễn Khánh, Phó Trưởng phòng Chương trình thời sự cũng cho biết, ban đầu ekip xây dựng một kịch bản vừa phải, nhưng sau vài ngày, thấy dư luận, phản ứng của xã hội và những tình cảm người dân dành cho Đại tướng, ekip cũng ý thức được rằng không thể làm một chương trình quá bình thường.

Ngoài chương trình đặc biệt về Thăng Long Hà Nội tròn 1000 tuổi năm 2010 kéo dài cả ngày thì đây cũng là một trong những chương trình có thời lượng dài nhất và có sự chuẩn bị tích cực nhất, cẩn trọng nhất, chu đáo nhất và huy động tổng lực nhất từ các bộ phận trong đài, các văn phòng đại diện các vùng miền.

Việc phối hợp giữa các bộ phận cho chúng tôi nhiều lợi thế. Như kết hợp với VOV giao thông với hệ thống camera thì chúng tôi có những hình ảnh độc về hành trình rước linh cữu Đại tướng ra sân bay. Khi xe linh cữu ra khỏi cổng Nhà tang lễ thì ti vi tắt, chỉ còn duy nhất VOV tường thuật lại hành trình này. Thế nên chúng tôi tự động viên nhau mình là duy nhất, cố gắng làm hết sức”, anh Khánh chia sẻ.

Chị Nhung cũng cho biết, có một điều lạ là cảm giác 12 tiếng đồng hồ là cả một câu chuyện dài mà chưa bao giờ, tất cả mọi hoạt động, mọi bộ phận, mọi phần đều ăn khớp với nhau mà không có một trục trặc nào dù đây là một chương trình tường thuật, kịch bản luôn luôn được để mở, luôn sẵn sàng thay đổi cho phù hợp với mọi diễn biến của ngày hôm đó.

Chị Nga khẳng định: “Đại tướng đã phù hộ chúng tôi”. Chị Nhung chia sẻ, khi nghe tin Đại tướng từ trần, cảm giác như mất đi một người cha, một người ông. Cả ekip đều muốn làm một chương trình thật hoàn hảo, không đơn thuần là chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng của lòng dân mà quan trọng hơn, Đại tướng mất đi giống như một người đang gieo hạt, đang kết nối mọi người xích lại gần nhau hơn.

Dường như có một ngọn lửa đang nhen lên trong mỗi con dân VN, trong trái tim của hàng triệu người đã đứng xếp hàng vài tiếng đồng hồ để chờ vào viếng Đại tướng. Những người làm chương trình cũng chỉ muốn nhen lên ngọn lửa đó đến nhiều người dân VN hơn nữa”, chị Nhung khẳng định.

Ấn tượng nữa là chi tiết, khi những nắm đất từ từ được thả xuống huyệt mộ của Đại tướng, chương trình phát lại những lời căn dặn của Đại tướng khi còn sống với các cháu thiếu nhi: “Chúc các cháu thiếu nhi học thật giỏi, nghe lời cha mẹ, nghe lời thầy cô giáo, học thật giỏi thì mới được cháu ngoan của Bác Hồ, học thật giỏi nhưng đừng có đánh nhau…”.

Hay là lời căn dặn bình dị và thân thiết của một vị tướng với người dân trong lần bác quay trở lại Điện Biên Phủ: “Nói với nhau cả ngày cũng không hết chuyện, đồng bào cũng phải về làm nương, tôi cũng phải về Hà Nội”.

Bằng cách nào đó phải đưa được tiếng nói ấy, nhân cách ấy, tâm hồn ấy vào chương trình, nhất là ở giây phút Đại tướng dần dần xa chúng ta nhưng vẫn còn mãi những lời dặn dò dung dị, nghĩa tình như tiếng nói tri ân gần gũi” (Nói đến đây, chị Nhung lặng đi một lúc vì giọng nghẹn lại, nước mắt lã chã rơi – PV).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại