Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất ‘mờ nhạt’ trong SGK Lịch Sử

Đình Phong (ghi) |

(Soha.vn) - Theo đánh giá của nhiều giáo viên dạy môn Sử phổ thông, nhân vật Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đề cập ‘mờ nhạt’ trong chương trình SGK phổ thông hiện hành.

Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người anh cả Quân đội nhân dân Việt Nam là sự tiếc thương vô hạn cho 90 triệu người dân đất Việt. Hàng vạn người xếp hàng dài chờ viếng ở số nhà 30 Hoàng Diệu, hàng triệu người dân Việt hướng mắt về linh cữu khóc thương vị tướng tài ba lỗi lạc của dân tộc đã mãi mãi ra đi.

Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, tại sao một nhân vật có vai trò lớn trong lịch sử như vậy lại không được đưa vào chương trình bộ môn lịch sử hiện hành? Để hiểu rõ điều này, chúng tôi có cuộc trao đổi với thầy Trần Trung Hiếu – một giáo viên dạy Sử nhiều năm tại Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An).

Thầy Trần Trung Hiếu ( ngoài cùng bên trái).

Thầy Trần Trung Hiếu (ngoài cùng bên trái) trong cuộc giao lưu trực tuyến nhân kỷ niệm 103 năm ngày sinh Đại tướng do báo điện tử Trí Thức Trẻ tổ chức.

SGK Lịch sử đưa ‘mờ nhạt’ vai trò Đại tướng

- Là người giảng dạy bộ môn Lịch Sử nhiều năm ở bậc phổ thông, theo thầy có phải sách giáo khoa phổ thông hiện hành đã ‘bỏ quên’ Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Thầy Trần Trung Hiếu: Dưới góc  độ là một giáo viên dạy Sử ở bậc THPT, tôi xin được khẳng định rằng, ý kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp không được nhắc đến trong sách giáo khoa Lịch Sử phổ thông là chưa xác đáng. Tuy nhiên, việc nhắc đến rất mờ nhạt.

Cụ thể, trong sách giáo khoa Lịch Sử lớp 9 hiện hành, ở kênh chữ chỉ có một hàng chữ duy nhất nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp là ở bài 23, trang 92: “Chiều ngày 16-8, theo lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa, một đội quân giải phóng do Võ Nguyên Giáp chỉ  huy, xuất phát từ Tân Trào về bao vây và tiến công quân Nhật ở  thị xã Thái Nguyên, mở đầu cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước”.

Ở kênh hình, cuốn sách này đã minh hoạ 3 hình ảnh có Đại tướng Võ Nguyên Giáp: hình 37 (trang 88), hình 46 (trang 110) và hình 52 ( trang 120) nhưng rất tiếc là sách không chú thích rõ tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong 3 hình ảnh đó. Thậm chí ở hình 37 chú thích với nội dung “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” nhưng không nói rõ cho học sinh hiểu nhân vật chỉ huy của Đội Việt Nam tuyên truyền đó là ai.

Trong kênh chữ của sách giáo khoa Lịch Sử lớp 12 (chương trình cơ bản) hiện hành cũng chỉ có một hàng chữ duy nhất nhắc đến Võ Nguyên Giáp ở trang 116, bài 16: “Chiều 16-8-1945, theo lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa, một đơn vị Giải phóng quân do Võ Nguyên Giáp chỉ huy, xuất phát từ Tân Trào tiến về giải phóng Thái Nguyên”.

Ở kênh hình, chỉ có một bức ảnh duy nhất, rõ nét nhất ở hình 39 (trang111) là có hình Võ Nguyên Giáp với Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nhưng chú thích của hình ảnh này vẫn lại không nói tới vị chỉ huy Võ Nguyên Giáp.

- Là người trực tiếp giảng dạy, thầy có nghĩ rằng SGK đáng lẽ nên đưa hình ảnh Đại tướng đậm nét hơn?

Thầy Trần Trung Hiếu: Theo quan điểm của cá nhân tôi, trong nội dung kênh chữ và kênh hình trong sách giáo khoa phổ thông môn Lịch Sử khi đề cập đến Võ Nguyên Giáp trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945 là rất mờ nhạt cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Đặc biệt, khi Võ Nguyên Giáp được Hồ Chủ tịch quyết định phong quân hàm Đại tướng đầu tiên của Việt Nam từ năm 1948, sau đó là Tổng tư lệnh Quân đội ta. Nhiều người Việt Nam đều biết rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là học trò xuất sắc của Hồ Chí Minh, là vị tướng Tổng tư lệnh của 2 cuộc kháng chiến trường chinh 30 năm không nghỉ (1945-1975), được Hồ Chủ tịch tuyệt đối tin tưởng và giao cho quyền chịu trách nhiệm trước lịch sử trong những thời điểm quyết định của lịch sử.

Hãy đọc, nghe và xem những hình ảnh tang lễ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong nhiều ngày qua được đăng tải với lưu lượng lớn trên các phương tiện truyền thông sẽ là câu trả lời hay nhất về vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Đó là vị anh hùng của dân tộc, vị tướng của nhân dân và luôn bất tử trong lòng dân tộc.

Sự thiếu sót về kiến thức kênh chữ và sự mờ nhạt về kênh hình về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, theo tôi đó là một trong những điều bất cập trong SGK Lịch Sử phổ thông hiện hành.

Sự ra đi của Đại tướng là nỗi mất mát, thương tiếc của người dân Việt. Hàng trăm học sinh trên mọi miền tổ quốc đã bày tỏ sự kính phục trước vai trò to lớn của Đại tướng.

Sự ra đi của Đại tướng là nỗi mất mát, thương tiếc của người dân Việt. Hàng trăm học sinh trên mọi miền Tổ quốc đã bày tỏ sự kính phục trước vai trò to lớn của Đại tướng.

- Nhiều người cho rằng, nếu đưa hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào SGK Lịch Sử, vậy còn những nhân vật lịch sử khác thì sao?Liệu sách còn ‘bỏ sót’ ai nữa không?

Thầy Trần Trung Hiếu: Câu hỏi này theo tôi nên dành cho những người có trách nhiệm cao nhất của Đảng, Nhà nước và ngành GD&ĐT trong việc biên soạn chương trình và nội dung sách giáo khoa môn Lịch Sử sau năm 2015.

Quần chúng là những người làm nên lịch sử. Nhưng những anh hùng giải phóng dân tộc, hoặc những nhân vật có đóng góp xuất sắc và lớn lao trong sự phát triển của lịch sử dân tộc thì cần được ghi nhận và tôn vinh một cách xứng đáng đúng với những gì mà họ đóng góp, thậm chí mất mát, hy sinh.

Thiếu sót không chỉ ở cuốn SGK

- Việc đưa hình ảnh, thông tin Đại tướng phải gắn với sự kiện lịch sử chứ không thể đưa bài riêng vì hạn chế của SGK. Quan điểm cá nhân của thầy về ý kiến này?

Thầy Trần Trung Hiếu: Một giáo viên dạy Sử không đủ khả năng để làm được công việc lớn lao này. Tôi khẳng định lại, đó là một thiếu sót không chỉ ở trong phạm vi của một cuốn sách giáo khoa. Đó là lỗi của cả một hệ thống.

- Năm 2015, Bộ GD&ĐT sẽ sửa đổi nội dung, chương trình SGK, trong đó môn Lịch Sử phổ thông được quan tâm hơn cả. Là người trực tiếp giảng dạy với bộ môn này, thầy có kiến nghị như thế nào trong việc đưa nhân vật Đại tướng vào nội dung chương trình giảng dạy?

Thầy Trần Trung Hiếu: SGK sau 2015 được biên soạn dựa trên quan điểm “đổi mới toàn diện và đồng bộ “của Đảng, của nghành giáo dục. Dựa trên quan điểm chỉ đạo đó, SGK môn Lịch Sử phổ thông cũng cần có một sự thay đổi mang tính đột phá để làm cho học sinh không chán sử,  yêu sử và tôn trọng những giá trị thuộc về lịch sử hơn. Theo tôi, không thể gọi là yêu nước khi không biết gì về lịch sử và hiểu về lịch sử dân tộc sẽ thêm yêu nước hơn.

SGK mới sau năm 2015 cần giảm bớt kênh chữ, tăng thêm kênh hình về những người đã góp phần làm nên lịch sử. Cần có cách nhìn nhận, đánh giá khách quan hơn, trung thực hơn và khoa học hơn đối với một số kiến thức lịch sử dân tộc, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp – con người đã trở thành huyền thoại khi còn sống và trở thành bất tử trong lòng dân tộc Việt Nam khi đã từ giã cõi đời.

Hay nói cách khác, hãy có cách nhìn nhận công bằng hơn đối với đóng góp và tầm cỡ của một vị tướng được thế giới ngưỡng mộ, tuyệt đại đa số nhân dân kính trọng và yêu thương! Phiên họp thường kỳ của Quốc hội vừa diễn ra đã không có một phút mặc niệm để tưởng nhớ và ghi ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điều đó thật đáng làm cho chúng ta phải suy nghĩ. Tôi tin rằng, dù phiên họp của Quốc hội không làm được điều đó, nhưng chính nhân dân đã, luôn và sẽ  mặc niệm và tưởng nhớ Đại tướng trong tiềm thức và trái tim mình. Đại tướng luôn bất tử trong lòng dân tộc.

Trân trọng cảm ơn thầy!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại