Nhận diện Hải quân Mỹ 5 năm tới

Mỹ vừa thông qua một trong những văn kiện quan trọng nhất xác định chiến lược lực lượng hải quân nước này trong 5 năm tới.

Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert mới đây đã đặt bút ký “Kế hoạch phát triển Hải quân giai đoạn 2014-2018”. Kế hoạch này đã vạch ra những phương hướng hoạt động chủ yếu nhằm duy trì và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hải quân Mỹ.

Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert trả lời câu hỏi của các thủy thủ trên tàu khu trục Halsey (DDG-97)  tại Trân Châu cảng, Hawaii về kế hoạch phát triển hải quân 5 năm tới
Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert trả lời câu hỏi của các thủy thủ trên tàu khu trục Halsey (DDG-97) tại Trân Châu cảng, Hawaii về kế hoạch phát triển hải quân 5 năm tới

Kế hoạch mới về phát triển Hải quân Mỹ dựa trên những quan niệm và học thuyết được đề ra trong tài liệu mang tên “Định hướng chiến lược các vấn đề quốc phòng” mới đây của Mỹ nên được đánh giá là chiến lược phát triển lực lượng hải quân phù hợp với những yêu cầu và mục đích hiện nay của quân chủng này. Ngoài ra, kế hoạch mới cũng phù hợp với quan điểm của giới quân sự Mỹ về diện mạo lực lượng vũ trang hiện nay và trong tương lai nói chung.

Trong tài liệu mới, Mỹ đã vạch ra 3 mục tiêu chính nhằm phát triển lực lượng hải quân, gồm: sẵn sàng chiến đấu; hiện diện tại các khu vực xa cần thiết và phô trương lực lượng; sẵn sàng hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra.

Để hoàn thành 3 mục tiêu trên, kế hoạch mới đã đề ra những nhiệm vụ chính cần hoàn thành trong những năm tài chính sắp tới. Cần lưu ý rằng, năm tài chính 2014 của Mỹ sẽ bắt đầu từ ngày 1/10 tới.

Một trong những điểm đáng chú ý là văn kiện này nhấn mạnh quân đội Mỹ buộc phải tính tới yếu tố cắt giảm ngân sách quốc phòng và chi tiêu. Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ đã sẵn sàng với những thách thức này và sẽ tính toán nhu cầu tài chính phù hợp. Trong tương lai, Mỹ có thể buộc phải điều chỉnh kế hoạch phát triển 5 năm song sẽ vẫn duy trì và phát triển tiềm lực của mình. Ví dụ, trong tương lai, Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng các chiến thuật chiến lược đã được xây dựng và hoàn thiện như tác chiến không-biển với sự tham gia của các tàu chiến và không quân hạm.

Tác chiến không-biển sẽ giúp Mỹ
Tác chiến không-biển sẽ giúp Mỹ "hóa giải" Trung Quốc?

Kế hoạch này thừa nhận việc cắt giảm mạnh ngân sách sẽ ảnh hưởng tới khả năng chế tạo và mua sắm các tàu chiến mới. Tuy nhiên, kế hoạch này hy vọng trong điều kiện như vậy Mỹ vẫn có thể duy trì khả năng của hải quân cũng như hoàn thành hàng loạt các dự án quan trọng.

Nhằm duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu (mục tiêu đầu tiên), trong 5 năm tới Hải quân Mỹ cần thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau:

- Đưa vào biên chế tàu sân bay USS Gerald R. Ford CVN-78 (dự kiến trong năm tài chính 2015). Ngoài ra, Hải quân sẽ tiếp tục mua mới và hiện đại hóa các máy bay F/A-18 Super Hornet, EA-18 Growler và E-2C Hawkeye;

- Đưa vào biên chế tàu đổ bộ tổng hợp USS America LHA-6, dự kiến trong năm 2014. Tiếp đến là kéo dài thời hạn phục vụ của các tàu đổ bộ đệm khí LCAC và hoàn thành dự án chế tạo tàu đổ bộ mới cùng loại SSC;

- Duy trì hạm đội tàu ngầm lớp Ohio được trang bị tên lửa đạn đạo hiện có. Bên cạnh đó tiếp tục dự án chế tạo tàu ngầm tương lai SSN (X);

- Chế tạo các hệ thống tác chiến điện tử mới và nâng cấp các hệ thống điều khiển hỏa lực, trong đó có tích hợp các hệ thống này để lắp đặt trên chiến hạm và máy bay;

- Tích cực phát triển tác chiến điệnt tử với việc mua bổ sung khoảng 20 máy bay EA-18G Growler và hoàn thành chương trình chế tạo hệ thống tác chiến điện tử hàng không Next-Generation Jammer. Ngoài ra, Mỹ sẽ tăng cường hệ thống tác chiến điện tử trên hạm và trên mặt đất, thành lập các phân đội an ninh mạng. Trong 3 năm tới, Hải quân Mỹ sẽ có thêm 40 đơn vị an ninh mạng với tổng quân số khoảng 970 người;

- Phát triển các phương tiện khác nhau nhằm đảm bảo chiếm ưu thế dưới nước. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ đóng 10 tàu ngầm đa năng lớp Virginia và nâng cấp trực thăng săn ngầm MH-60R Seahawk và máy bay P-8A Poseidon. Ngoài ra, tàu sân bay USS George H.W. Bush CVN-77 sẽ được trang bị tổ hợp chống ngư lôi mới;

- Cải thiện tính năng và tiềm lực tác chiến của các phương tiện hiện có bằng các thiết bị mới. Tiếp tục trang bị cho các tàu chiến các thiết bị tác chiến điện tử và vũ khí mới, trong đó có các hệ thống tự động khác nhau.

Hình ảnh đồ họa tàu sân bay USS Gerald R. Ford CVN-78 của Mỹ
Hình ảnh đồ họa tàu sân bay USS Gerald R. Ford CVN-78 của Mỹ

Hải quân là “cánh tay kéo dài” của Mỹ, chính vì vậy bất chấp việc cắt giảm ngân sách, Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra trên các đại dương và phô trương lực lượng. Trong 5 năm tới, có tính tới nhu cầu và sự hạn chế ngân sách hiện nay, Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ với mục tiêu duy trì sự hiện diện tại tất cả các khu vực quan trọng sẽ thực hiện các biện pháp sau:

- Duy trì số lượng cụm tàu đổ bộ và tàu sân bay tấn công ở mức cần thiết. Sẽ duy trì đồng thời một cụm tấn công như vậy tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Cận Đông và các căn cứ ở Mỹ;

- Tăng cường sự hiện diện ở Thái Bình Dương. Đến năm 2020, Hạm đội Thái Bình Dương sẽ chiếm tổng số 60% số lượng tàu chiến của Hải quân Mỹ. Trong khuôn khổ tái bố trí, một số tàu ngầm sữ được chuyển tới căn cứ ở Guam, và mỗi căn cứ ở Nhật Bản sẽ có mặt một cụm tàu đổ bộ hoặc sân bay tấn công;

- Đưa vào biên chế một số tàu chiến, tàu đổ bộ và tàu vận tải mới, gồm 2 tàu MLP, 2 tàu AFSP, 10 tàu vận tải JHSV và 8 tàu thuộc 2 dự án LCS. Với biện pháp này, Hải quân Mỹ sẽ “giải phóng” được một số tàu đổ bộ, tuần dương hạm và khu trục để thực hiện các nhiệm vụ khác;

Tàu tác chiến gần bờ LCS USS Independence của Mỹ
Tàu tác chiến gần bờ LCS USS Independence của Mỹ

- Chuyển 4 tàu khu trục Arleigh Burke đến căn cứ Rota ở Tây Ban Nha để tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực Đại Tây Dương châu Âu. Hai chiếc sẽ bắt đầu phục vụ trong năm 2014 và hai chiếc khác vào năm 2015. Mỹ cũng sẽ chuyển một số tàu tuần tiễu và tàu rà phá thủy lôi tới Bahrain. Mục tiêu của việc điều chuyển này là tăng cường kỹ năng cho các thủy thủ Mỹ và củng cố quan hệ với Bahrain;

- Xây dựng cụm tàu đổ bộ thứ 5. Đơn vị này sẽ được hình thành trước năm 2018 và đồn trú tại Australia để có thể bảo đảm hoạt động của lực lượng thủy quân lục chiến ở khu vực lân cận.

Trong phần 3, kế hoạch phát triển hải quân mới đề cập tới việc củng cố khả năng sẵn sàng chiến đấu chung với hàng loạt biện pháp mà trước hết là liên quan tới yếu tố con người:

- Xây dựng các chương trình ưu tiên về ngăn chặn tội phạm tình dục và tự sát của lực lượng hải quân. Trong khuôn khổ các chương trình này sẽ ưu tiên cho các dự án liên quan tới củng cố tâm lý quân nhân mà trước hết là chống căng thẳng. Ngoài ra, sẽ có biện pháp quan tâm bảo vệ và giúp đỡ gia đình của quân nhân;

- Tăng cường cường độ huấn luyện;

- Hiện đại hóa các nhà máy đóng tàu của nhà nước. Thông qua việc nâng cấp các cơ sở sản xuất này, trong những năm tới sẽ tạo ra khoảng 1.600 việc làm mới;

- Nâng cao kiến thức và hiểu biết của lính hải quân và thành lập các nhóm học tập mới với khoảng 900 suất;

- Hoàn thiện hợp tác giữa Hải quân Mỹ với hải quân các nước. Phương tiện chủ yếu để thực hiện điều này là các cuộc tập trận hải quân chung như RIMPAC, Valiant Shield hay Bold Alligator. Trong các cuộc tập trận chung như vậy, ngoài các nội dung hiện có sẽ xây dựng thêm nội dung tác chiến không biển.

Cùng với các nhiệm vụ trước mắt, kế hoạch phát triển hải quân giai đoạn 2014-2018 của Mỹ còn tính tới các chương trình đóng tàu quân sự cho 30 năm tới. Theo đó, Hải quân Mỹ cần có cùng lúc trong biên chế không dưới 306 tàu chiến. Thời hạn phục vụ trung bình của mỗi tàu là 35 năm. Để duy trì số lượng này, mỗi năm hải quân Mỹ cần dưa vào biên chế trung bình 8,7 tàu mới. Con số này trước đây là 10 tàu.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: quansu@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại