PK Syria "mù điếc" khi F-35 Israel đột ngột tấn công sau thảm họa IL-20: Có gì đó sai sai?

Bình Nguyên |

Các hãng tin lớn Reuters và Sputnik đồng loạt đưa tin, sau thảm họa IL-20, KQ Israel vừa xuất kích tấn công trở lại vào lãnh thổ Syria mà không vấp phải bất cứ sự kháng cự nào.

Cụ thể Reuters dẫn phát biểu của một quan chức cấp cao Israel giấu tên cho biết: "Quân đội Israel đã tấn công vào lãnh thổ Syria, lần đầu tiên sau khi tham họa máy bay trinh sát IL-20 Nga xảy ra. Tuy nhiên, hợp tác quân sự của Syria với Nga sẽ tiếp tục như trước".

Tính tới thời điểm này, chưa có xác nhận hay bất cứ bình luận gì từ cả Tel Aviv và Moscow lẫn Damascus về thông tin mà Reuters đã dẫn. Tuy nhiên, nếu thực sự có vụ tấn công như vậy xảy ra, nhiều khả năng Israel cũng sẽ không bình luận gì, giống như mọi khi.

Những điểm đáng ngờ

Điểm đáng ngờ nhất trong vụ Không quân Israel tập kích đột ngột này (nếu có thực) là phòng không Syria đã hoàn toàn im tiếng và trang tin quân sự Al-Masdar News chuyên về tình hình Trung Đông, thường ngày vốn rất nhanh chóng tường thuật về những vụ như này thì hôm nay cũng bặt tin.

Phải chăng các chiến đấu cơ Israel dùng chiến thuật mới hoặc tung tiêm kích tàng hình F-35 xung trận khiến phòng không Syria không kịp trở tay, im lặng mà nuốt hận? Điều này có thể xảy ra bởi lẽ:

Thứ nhất, hệ thống radar cảnh giới nhìn vòng của Syria toàn loại cổ lỗ sĩ, khó có khả năng phát hiện ra những mục tiêu bay có diện tích phản xạ radar nhỏ, đặc biệt là máy bay tiêm kích tàng hình F-35 mà Israel đang sở hữu.

PK Syria mù điếc khi F-35 Israel đột ngột tấn công sau thảm họa IL-20: Có gì đó sai sai? - Ảnh 1.

Tiêm kích F-16 (dưới) và F-35 của Không quân Israel.

Còn các loại radar đi kèm với các tổ hợp tên lửa phòng không thế hệ mới của Syria như Buk-M2E tuy hiện đại nhưng không phải lúc nào cũng bật. Chúng chỉ chuyển cấp báo động khi mạng tình báo trên không quốc gia (tức là mạng lới radar cảnh giới nhìn vòng) cung cấp tham số.

Thứ hai, tên lửa S-300 Syria chưa đi vào hoạt động. Vừa mới được chuyển giao cách đây không lâu, các kíp trắc thủ tên lửa S-300 Syria còn đang trong quá trình đào tạo chuyển loại kéo dài ít nhất 3 tháng.

Do vậy, mặc dù radar của S-300 có thể phát hiện máy bay tàng hình thì cũng đành chịu trận, không thể phóng đạn tiêu diệt.

Tất nhiên, theo lẽ thường, một khi bị tấn công, Syria sẽ đánh trả, chủ yếu là bắn chặn các loại vũ khí nguy hiểm đang phóng đến chứ không thể bắn được phương tiện mang chúng - đó là các chiến đấu cơ Israel và họ lên tiếng ngay lập tức về thành tích đánh chặn của mình như mọi khi. Lần này thì không như vậy.

Nga cũng bó tay?

Ngay chính những tổ hợp phòng không hiện đại như S-400 của Nga cũng chịu bó tay, không thể phát hiện sớm được các tiêm kích thế hệ 4 như F-15, F-16 chứ không nói đến F-35 Israel nếu chúng bay thấp lợi dụng các dãy núi ở Li-băng che chắn rồi kéo cao phóng đạn chỉ trong ít phút rồi "chuồn" luôn.

PK Syria mù điếc khi F-35 Israel đột ngột tấn công sau thảm họa IL-20: Có gì đó sai sai? - Ảnh 2.

Bản đồ cho thấy địa hình đồi núi ở Li-băng gây rất nhiều khó khăn cho bên thủ (Syria) và lợi thế cho bên công (Israel).

Chính những dãy núi ở Li-băng tạo thành bức màn sắt "che giấu" cho các tiêm kích Israel trong nhiều lần tấn công vào Syria trước đây, không một loại radar nào có thể xuyên thủng được bức màn tự nhiên nhưng hết sức lợi hại này.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến Nga triển khai các tàu chiến có radar cảnh giới nhìn vòng tầm xa hoạt động liên tục ở ngoài khơi Syria và Israel để khắc phục bức màn sắt "đáng ghét" kia.

Từ ngoài khơi, radar trên các tàu chiến Nga không bị che mắt bởi địa hình có thể soi rõ nhất cử nhất động của Không quân Israel ngay từ khi các chiến đấu cơ cất cánh, nhờ vậy có thể báo động sớm cho các đơn vị hỏa lực chuyển cấp báo động sẵn sàng chiến đấu kịp thời.

PK Syria mù điếc khi F-35 Israel đột ngột tấn công sau thảm họa IL-20: Có gì đó sai sai? - Ảnh 3.

Các tàu chiến Nga cơ mặt ở ngoài khơi Syria. Ảnh minh họa.

Hơn nữa, Nga và Israel có cơ chế thông báo cho nhau về các hoạt động của mình nhằm tránh trình trạng đối đấu, gây ra những rắc rối không đáng có. Điều này càng phải được thực hiện triệt để hơn, nhất là từ phía Israel, sau vụ máy bay trinh sát IL-20 Nga bị tên lửa phòng không S-200 Syria bắn nhầm.

Đằng này, Nga không lên tiếng bình luận gì về vụ việc kể trên.

Từ các thông tin trên có thể thấy vụ tấn công vào Syria mà Reuters dường như có gì đó bí ẩn chưa giải mã được.

Hoặc có thể nguồn "giấu tên" từ Israel thông báo cho Reuters có chủ đích tung hỏa mù, đe dọa rằng kể cả Damascus có tên lửa  phòng không S-300 tối tân đi chăng nữa thì Israel cũng sẽ không vì thế mà dừng các đợt tiến công sâu trong lãnh thổ Syria. Ngày đó sẽ đến sớm thôi!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại