Việt Nam có nên tiếp nhận khinh hạm lớp La Fayette tàng hình của Pháp?

Ly Vy |

Hải quân Pháp dự định sẽ loại biên 2 khinh hạm lớp La Fayette vào đầu thập niên tới và bán cho nước ngoài.

Thông tin này được tiết lộ bởi đoàn đại biểu Hải quân Brazil tham dự triển lãm Euronaval 2018 hồi tuần trước ở Pháp.

Theo đó, Hải quân Pháp (Marine Nationale) đã quyết định sẽ không nâng cấp 2 trong số 5 khinh hạm lớp La Fayette được đóng từ những năm 1990.

Kết quả là 2 khinh hạm mang tên La Fayette (số hiệu F710) được đưa vào biên chế Hải quân Pháp từ năm 1996 và Surcouf (số hiệu F711) được đưa vào biên chế từ năm 1997, sẽ được Pháp cho "các quốc gia bạn bè" vào đầu thập niên tới (tức là sau năm 2020).

Việt Nam có nên tiếp nhận khinh hạm lớp La Fayette tàng hình của Pháp? - Ảnh 1.

Khinh hạm La Fayette (F710) thuộc lớp cùng tên.

Mặc dù phía Pháp không tiết lộ lý do phải đến đầu thập niên sau mới chấp nhận chuyển giao 2 khinh hạm lớp La Fayette nói trên, nhưng rất có thể phía Pháp muốn đợi những khinh hạm lớp FTI thế hệ mới được đưa vào biên chế (khinh hạm lớp FTI được thiết kế nhằm thay thế lớp La Fayette, chiếc đầu tiên dự kiến biên chế vào năm 2023).

La Fayette là lớp tàu chiến đầu tiên trên thế giới được thiết kế theo kiểu "tàng hình", tức là thiết kế thân và thượng tầng tàu giúp giảm độ bộc lộ radar.

Đây cũng là mẫu tàu chiến rất thành công trên thị trường xuất khẩu của Pháp. Ngoài Hải quân Pháp, lớp La Fayette còn có trong biên chế Hải quân một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Ả Rập Xê Út, Đài Loan, Singapore.

Phiên bản La Fayette dành cho Hải quân Pháp có chiều dài 125m, rộng 15,4m, lượng giãn nước đầy tải 3.600 tấn.

Trên tàu được trang bị nhiều loại vũ khí như: pháo chính cỡ nòng 100mm, 8 tên lửa chống hạm Exocet Block 2, 2 pháo modèle F2 cỡ nòng 20mm, bệ phóng với 8 tên lửa phòng không Crotale, sàn đáp và nhà chứa cho trực thăng.

Ngoài ra, khu vực nằm giữa thượng tầng và pháo chính cho phép lắp đặt các bệ phóng thẳng đứng cho tên lửa phòng không Aster-15 (Hải quân Pháp vẫn chưa trang bị loại tên lửa này cho khinh hạm lớp La Fayette).

3 tàu lớp La Fayette còn lại của Hải quân Pháp đã có kế hoạch được trang bị thêm thiết bị thủy âm gắn vào thân tàu (nguyên bản không có) cùng các ống phóng ngư lôi.

Việt Nam có nên tiếp nhận khinh hạm lớp La Fayette tàng hình của Pháp? - Ảnh 2.

Khinh hạm Surcouf (F711) lớp La Fayette đến thăm thành phố Hồ Chí Minh hôm 01/06/2018. Nguồn ảnh: qdnd.vn

Như vậy, việc Pháp cho phép bán 2 khinh hạm lớp La Fayette đã mở ra cơ hội sở hữu mẫu tàu chiến hiện đại này cho nhiều quốc gia đối tác, trong đó có Việt Nam.

Tuy 2 tàu chiến La Fayette và Surcouf được đưa vào hoạt động ở cuối những năm 90 của thế kỷ XX, nhưng thiết kế của mẫu tàu này vẫn chưa hề lỗi thời. Bản thân thiết kế của nó cũng cho phép nâng cấp sâu rộng để đảm bảo khả năng tác chiến hiện nay.

Việt Nam có nên tiếp nhận khinh hạm lớp La Fayette tàng hình của Pháp? - Ảnh 3.

Tàu chiến lớp Gowind từng được Pháp chào bán cho Việt Nam.

Trước kia, Việt Nam từng đạt được thỏa thuận với Tập đoàn MBDA (Pháp) về việc mua các tên lửa chống hạm Exocet Block 3 và tên lửa phòng không VL-MICA để trang bị cho các tàu lớp Sigma 9814.

Mặc dù việc đóng các tàu Sigma 9814 đã bị dừng lại, nhưng điều này cho thấy Pháp sẵn sàng bán các trang bị hải quân hiện đại cho Việt Nam.

Pháp cũng từng chào bán nhiều mẫu tàu chiến cho Việt Nam như: lớp Gowind (của Tập đoàn DCNS nay là Naval Group), tàu hộ tống tàng hình lớp C Sword 90 (hãng đóng tàu CMN), tàu tuần tra xa bờ lớp P400 (nhà máy Piriou),...

Do đó, nếu như phía Việt Nam bày tỏ sự quan tâm đến 2 khinh hạm lớp La Fayette cũ của Hải quân Pháp thì khả năng cao phía Pháp cũng sẽ đồng ý bán lại. Nếu có thêm khinh hạm lớp La Fayette sẽ giúp tăng cường đáng kể khả năng tác chiến của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại