Phương Tây ồ ạt gửi vũ khí, mở đường cho Ukraine tấn công mục tiêu Nga, ông Putin nhắc nhở ẩn ý

Minh Khôi |

Tổng thống Nga cảnh báo các nước thành viên NATO nên nhận thức được đang chơi trò gì, đồng thời nói rằng "các quốc gia có lãnh thổ nhỏ và dân số đông đúc" nên đặc biệt cẩn thận.

Phương Tây ồ ạt gửi viện trợ, Bỉ cam kết số tiền lớn nhất

Tổng thống Ukraine Zelensky đã nhận được lời hứa viện trợ quân sự thứ hai trị giá 1 tỷ USD trong chuyến công du ngắn ngủi tới 3 nước thuộc Liên minh Châu Âu.

Cam kết viện trợ cho Ukraine trong năm 2024 đến từ Bỉ, nước đứng đầu về số tiền với cam kết với 30 máy bay chiến đấu F-16 trong 4 năm tới.

Ông Zelensky nói: "Nhiệm vụ của chúng tôi là sử dụng những chiếc F-16 đầu tiên trên chiến trường trong năm nay".

Bên cạnh đó, Hà Lan hứa sẽ nhanh chóng tập hợp với các đối tác chủ chốt của EU một hệ thống phòng không Patriot, vốn được ông Zelensky coi là chìa khóa trong việc ngăn chặn Nga tấn công mạng lưới điện và các khu vực dân sự của Ukraine, cũng như các mục tiêu quân sự, bằng bom lượn có sức tàn phá khủng khiếp.

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren, trong cuộc gặp với các đồng nghiệp EU, cho biết hệ thống Patriot sẽ được sản xuất "trong một khoảng thời gian ngắn".

Hà Lan có các thành phần cốt lõi của hệ thống Patriot và các quốc gia EU khác sẽ đóng góp các bộ phận và đạn dược quan trọng khác.

Trước khi trở về Ukraine, ông Zelensky đã đến thăm Bồ Đào Nha và ký một thỏa thuận song phương khác. Thủ tướng Bồ Đào Nha Luis Montenegro cho biết Bồ Đào Nha đang gửi thêm 126 triệu euro (137 triệu USD) viện trợ quân sự và tài chính cho Kiev như một phần của kế hoạch hợp tác rộng rãi.

Tổng thống Ukraine cũng ký một thỏa thuận an ninh với Tây Ban Nha, phân bổ 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD) viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm 2024 và 5 tỷ euro (5,4 tỷ USD) vào năm 2027.

Pháp đồng ý cho Ukraine dùng vũ khí tấn công mục tiêu Nga

Các nước châu Âu đang thảo luận về khả năng triển khai quân tới Ukraine với vai trò hỗ trợ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Hai cho biết Ukraine được phép sử dụng vũ khí của Pháp, bao gồm cả tên lửa tầm xa, chống lại các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga mà từ đó Moscow tấn công Ukraine.

"Chúng tôi nghĩ rằng nên cho phép Kiev vô hiệu hóa các địa điểm quân sự nơi tên lửa được phóng đi và về cơ bản là các địa điểm quân sự được sử dụng để tấn công Ukraine", ông Macron nói trong cuộc họp báo với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở Brandenburg, Đức.

Theo trang web của Bộ Quốc phòng Pháp, Pháp đã cung cấp cho Ukraine một số lượng tên lửa hành trình SCALP.

Tên lửa SCALP có tầm bắn lên tới 155 km và mang đầu đạn xuyên phá có sức nổ mạnh 400 kg.

Pháp cũng đã cung cấp cho Ukraine nhiều loại vũ khí quân sự, bao gồm cả pháo tự hành Caesar với tầm bắn lên tới 42 km.

Tuy nhiên, ông Macron nhấn mạnh rằng vũ khí của Pháp chỉ được sử dụng để chống lại các mục tiêu mà từ đó tiến hành các cuộc tấn công vào Ukraine.

Phương Tây ồ ạt gửi vũ khí, mở đường cho Ukraine tấn công mục tiêu Nga, ông Putin nhắc nhở ẩn ý- Ảnh 2.

Tổng thống Pháp Macron tuyên bố cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Pháp cung cấp để tấn công các mục tiêu Nga. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Đức Scholz bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất của ông Macron, và nói rằng Ukraine được phép tự vệ miễn là nước này tôn trọng các điều kiện do các quốc gia cung cấp vũ khí đưa ra, bao gồm cả Hoa Kỳ và luật pháp quốc tế.

"Ukraine có quyền được làm mọi thứ theo luật pháp quốc tế để bảo vệ lãnh thổ," ông Scholz nói.

Trong khi đó, Mỹ vẫn từ chối cho Ukraine sử dụng vũ khí do nước này cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga vì lo ngại rằng các cuộc tấn công như vậy có thể làm leo thang xung đột.

Tổng thống Nga nhắc nhở ẩn ý

Tổng thống Nga Putin cảnh báo rằng việc tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí do phương Tây cung cấp có thể khiến cuộc chiến chuyển sang một hướng nguy hiểm mới.

Cuộc tấn công dữ dội của các lực lượng Nga, vốn được trang bị tốt hơn đang diễn ra ở miền đông và đông bắc Ukraine đã đặt Ukraine trước thách thức quân sự lớn nhất kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng 2/2022.

Việc các đối tác phương Tây chậm chạp trong cung cấp hỗ trợ quân sự, đặc biệt là gói viện trợ quân sự của Mỹ, đã khiến Ukraine phải chịu áp lực lớn từ các chiến dịch tấn công dồn dập của Nga.

Trong khi đó, Tổng thống Putin đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không nên can dự sâu hơn vào cuộc chiến, qua đó làm giảm rủi ro về một cuộc xung đột hạt nhân.

Phát biểu với các phóng viên trong chuyến đi tới Uzbekistan hôm thứ Ba, ông Putin cho biết việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga có thể gây ra sự leo thang nguy hiểm.

Nhà lãnh đạo Nga biết, việc sử dụng những vũ khí như vậy sẽ dựa vào dữ liệu tình báo phương Tây và ngụ ý sự tham gia của quân nhân NATO, đồng thời cảnh báo liên minh rằng họ nên nhận thức được những hậu quả có thể xảy ra.

Ông nói: "Đại diện của các quốc gia là thành viên NATO, đặc biệt là ở châu Âu, nên nhận thức được họ đang chơi trò gì", đồng thời cho biết thêm rằng "các quốc gia có lãnh thổ nhỏ và dân số đông đúc" nên đặc biệt cẩn thận.

Kể từ khi Nga phát động cuộc tấn công mùa xuân ở khu vực đông bắc Kharkiv, ông Zelensky đã khẳng định Ukraine cần gấp thêm 7 hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất.

Tổng thống Putin cho biết lực lượng Nga đang tìm cách thiết lập một "vùng đệm" ở Kharkiv để ngăn chặn Ukraine phát động các cuộc tấn công qua biên giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại