Binh lính Ukraine ở Odessa, Ukraine ngày 28/6. Ảnh: Shutterstock
Nga đổi chiến thuật, phương Tây hứa hỗ trợ Ukraine lâu nhất có thể
Các nhà lãnh đạo NATO vào tháng trước đã đưa ra khẩu hiệu ủng hộ mới dành cho Ukraine, đó là "lâu nhất có thể".
Khi một nhà báo yêu cầu Tổng thống Mỹ Joe Biden giải thích điều đó nghĩa là gì, ông nói rằng, phương Tây sẽ ủng hộ Ukraine "lâu nhất có thể" để "Nga không thể đánh bại Ukraine và tấn công bên ngoài Ukraine". Điểm đáng chú ý ở đây là Tổng thống Biden không hề nói, phương Tây sẽ ủng hộ "lâu nhất có thể" tới khi Ukraine giành chiến thắng.
Chiến lược của phương Tây là cung cấp cho Ukraine có đủ nguồn lực quân sự để đối phó với những cuộc tấn công của Nga và phán bác lại quan điểm của Tổng thống Putin rằng Moscow có thể giành chiến thắng trên thực địa cũng như chờ tới khi phương Tây cạn kiệt khí đốt, lúa mì và lòng kiên nhẫn.
Kịch bản của một cuộc chiến đẫm máu và kéo dài ở Ukraine khiến người ta nhớ lại những gì diễn ra trên Mặt trận phía Tây trong Thế chiến I năm 1915.
Những phân tích hàng ngày của Viện Nghiên cứu Chiến tranh và những cập nhật trên Twitter về tình hình thực địa đã theo sát những cuộc tấn công và phản công của quân đội hai nước. Một phân tích trong đó cho thấy những cuộc chiến này, trong khi gây ra tổn thất về vật chất và lực lượng trên quy mô lớn thì cả hai bên hầu như đạt được rất ít tiến triển.
Phân tích này cho rằng, việc Nga giành được Severodonetsk không phải một bước đột phá và việc này thậm chí mang ý nghĩa chiến lược ít hơn cả việc kiểm soát được Mariupol. Những chiến dịch phản công của Ukraine ở Kharkiv có lẽ có ý nghĩa quan trọng với người dân ở thành phố này nhưng hầu như tạo nên rất ít thay đổi về cục diện chiến trường.
Những thay đổi gần đây trong chiến dịch của Nga cho thấy họ đang dịch chuyển từ chiến tranh cơ động sang chiến tranh sử dụng pháo binh.
Nga không còn dựa vào những cuộc tấn công chớp nhoáng hiện đại như những gì từng chứng kiến trong những cuộc tấn công hồi đầu cuộc chiến ở Kiev hay những chiến thuật trong Thế chiến II được sử dụng ở Donbass.
Ở giai đoạn chiến đấu mới này, Moscow tận dụng lợi thế của mình khi sở hữu các hệ thống tên lửa, rocket và pháo binh gián tiếp.
Trong khi đó Ukraine đang sử dụng những hệ thống do NATO cung cấp với tầm bắn xa hơn và độ chính xác cao hơn để đối phó với Nga. Kiev cũng tập trung nhắm vào các vị trí khai hỏa, kho đạn dược và các trung tâm hậu cần của Nga.
Nếu như Nga áp dụng khoảng dừng chiến thuật sau khi giành chiến thắng trong cuộc chiến kéo dài ở Severodonetsk thì Ukraine đang tái bổ sung trang thiết bị và đạn dược.
Thay vì giành chiến thắng qua chiến đấu thì mục tiêu hiện nay của hai bên chuyển sang thành giành chiến thắng khi đối phương đã cạn kiệt nguồn lực.
Cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đều muốn tìm cách để đối phương kiệt sức trước, trong khi NATO cam kết sẽ bổ sung không hạn chế các trang thiết bị quân sự cho Ukraine để đối phó với lợi thế về pháo binh của Nga. Điều này có thể khiến các mặt trận không có chuyển biến và cục diện cuộc chiến rơi vào bế tắc.
Xung đột liệu khi nào mới kết thúc?
Gần đây, Ukraine đã kêu gọi phương Tây cung cấp thêm pháo, hệ thống tên lửa di động và nhiều đạn dược hơn nhưng những gì được hỗ trợ theo Kiev vẫn quá ít so với nhu cầu của họ. Ukraine và một số nước cho rằng với nhịp độ hỗ trợ như vậy, Kiev không thể đẩy lùi Nga khỏi Donbass hoặc thậm chí đẩy lùi Nga khỏi Lugansk.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov ngày 10/7 cho biết, Ukraine đã huy động được 1 triệu binh sĩ để thực hiện kế hoạch giành lại quyền kiểm soát các khu vực phía Nam của nước này.
Ông Reznikov cũng nói rằng lực lượng này đã cho Mỹ thấy rằng Kiev có thể tận dụng hiệu quả các hệ thống tên lửa tầm xa mới nhận được và mở đường cho nhiều gói hỗ trợ sau này.
Tuy nhiên, mặc dù đưa ra những triển vọng đầy hứa hẹn nhưng hiện Ukraine vẫn chưa thể thực hiện một chiến dịch phản công hiệu quả, thậm chí với hệ thống HIMARS của Mỹ và M270 của Anh có tầm bắn từ 70 - 80 km. Cục diện cuộc chiến đảo chiều, nếu có thể xảy ra, có lẽ cần phải có thời gian.
Theo ông Orysia Lutsevych - một nhà quan sát thuộc Chatham House, Kiev cần thuyết phục phương Tây rằng với sự hỗ trợ ổn định, quân đội nước này có cơ hội thực tế để đẩy lùi Nga. Ý tướng về một cuộc phản công là "ý tưởng phổ biến ở Ukraine".
Ukraine bắt đầu cuộc chiến với 125.000 quân cùng với 100.000 binh lính thuộc lực lượng vệ binh quốc gia và lực lượng bảo vệ biên giới nhưng hiện nay, nước này đã nâng số lượng quân đội lên 700.000 binh lính và 300.000 dân quân, Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho hay.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải là số lượng mà là chất lượng quân đội. Một số người trong những binh lính được tuyển chọn của Ukraine trong độ tuổi từ 18 - 60 chưa từng cầm súng. Vì thế, việc huấn luyện quân đội là điều vô cùng quan trọng với Ukraine.
Nhưng một chiến dịch phản công thành công cần nhiều hơn thế. Đó là việc sử dụng kết hợp các loại vũ khí, khả năng tập trung lực lượng tại chiến trường và sở hữu các vũ khí tiên tiến.
Chiến lược của NATO nhằm tái trang bị các trang thiết bị cho Ukraine "lâu nhất có thể" đồng nghĩa rằng giai đoạn này sẽ kéo dài và khốc liệt hơn so với các giai đoạn chiến tranh trước đó. Tỷ lệ quân đội và dân thường thương vong có thể sẽ tăng lên.
Cuộc chiến có lẽ sẽ dừng lại khi Nga giành được Donetsk và cuối cùng là Donbass. Hoặc có thể đàm phán hòa bình giữa hai nước chỉ diễn ra khi các bên đều đã cạn kiệt nguồn lực. Hoặc có thể đó là khi các nước NATO đã mệt mỏi với cuộc chiến này.
Nga và Ukraine đều tin rằng mình có thể giành chiến thắng hoặc ít nhất là không thua. Cuộc chiến ở Ukraine có lẽ sẽ còn kéo dài và không thể xác định hồi kết cho các bên trong tương lai gần.