Phương Tây bất an trước nước cờ mới của Tổng thống Putin

Kiệt Linh |

Theo kế hoạch phát triển Bắc Cực cho đến năm 2035 được Tổng thống Vladimir Putin mới đây phê chuẩn, Nga sẽ tăng cường các lực lượng quân sự được triển khai ở Bắc Cực để đảm bảo chủ quyền và duy trì hòa bình cũng như sự ổn định trong khu vực.

Kế hoạch có tên là Những yếu tố căn bản trong chính sách nhà nước của Nga ở Bắc Cực. Kế hoạch này xác nhận Nga đã thiết lập một lực lượng thông thường và một hệ thống an ninh ven biển ở Bắc Cực.

Nhiệm vụ chính trong 15 năm sắp tới sẽ là ngăn chặn việc dùng sức mạnh quân sự chống lại Nga ở khu vực. Để chống lại bất kỳ cuộc xâm lược nào, Nga sẽ tăng cường mạnh mẽ năng lực của các lực lượng đóng tại Bắc Cực.

Các hệ thống giám sát trên không, dưới biển và hệ thống ngầm cũng sẽ được nâng cấp như một phần của kế hoạch cải tổ và xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng quân sự mới trong khu vực.

Thách thức mà Nga đang đối mặt ở Bắc Cực bao gồm sự tăng cường sức mạnh quân sự của một số nước trong khu vực, những nỗ lực nhằm xét lại các hiệp ước quốc tế quan trọng về hợp tác kinh tế trong khu vực cũng như một loạt nỗ lực nhằm bôi xấu các hoạt động của Nga ở Bắc Cực.

Bản kế hoạch của Nga nhấn mạnh, mọi thứ cần phải được thực hiện để đảm bảo Bắc Cực vẫn là “một vùng lãnh thổ hòa bình, ổn định và duy trì được các mối quan hệ đối tác cùng có lợi."

Một lợi ích quốc gia then chốt trong khu vực là tiếp tục phát triển vùng Bắc Cực của Nga như là một nền tảng nguồn lực chiến lược. Sử dụng hợp lý nguồn lực ở Bắc Cực được cho là sẽ tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế và gia tăng tính khả thi về thương mại của tuyến đường Biển Bắc, đi qua bờ biển Bắc Cực từ Biển Kara và thẳng đến Eo biển Bering.

Chương trình cũng phải đảm bảo các hoạt động kinh tế không làm tổn hại đến môi trường đồng thời bảo vệ cuộc sống của người dân bản địa ở Bắc Cực.

Nga đang đầu tư mạnh tay vào việc khai thác và phát triển Bắc Cực trong những năm gần đây. Cùng với Nga, các người chơi khác trong khu vực như Canada, Đan Mạch, Na-uy và Mỹ cũng đang tìm cách xác định chủ quyền của họ ở khu vực này do đây là vùng giàu tài nguyên thiên nghiên và có vị thế địa lý mang tính chiến lược.

Bắc Cực là một trong số ít những vùng đất trên Trái đất của chúng ta mà chưa một quốc gia nào chính thức có "sổ đỏ". Hiện tại, ít nhất 5 nước gồm Nga, Na Uy, Đan Mạch, Canada và Mỹ đều đưa ra những đòi hỏi chủ quyền đối với vùng Bắc Cực bởi đây là nơi chứa rất nhiều tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác, trong đó có dầu mỏ.

Cuộc tranh chấp trên trở nên căng thẳng khi các lớp băng tan chảy mở ra triển vọng về những tuyến đường hàng hải mới và khả năng khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú ở đây. Ngoài ra, các chuyên gia cho biết, một chuyến đi từ châu Âu đến châu Á đi qua Bắc Cực sẽ ngắn hơn đi qua kênh đào Panama khoảng 7.408km.

Nga đã chính thức đặt mục tiêu và đề ra kế hoạch triển khai lực lượng vũ trang để bảo vệ các lợi ích kinh tế và chính trị ở Bắc Cực trước năm 2020, trong đó có các đơn vị bảo vệ bờ biển, lính biên phòng cũng như các lực lượng quân đội khác.

Theo quân đội Nga, hai lữ đoàn Bắc Cực sẽ được triển khai ở vùng cực bắc của nước Nga trong vài năm tới. Nga cũng đang lên kế hoạch khôi phục hoạt động trở lại các sân bay từ kỷ nguyên Xô-viết ở Bắc Cực đồng thời thiết lập sự hiện diện hải quân thường trực dọc Đường Biển Bắc có tầm quan trọng chiến lược.

Nga tuyên bố, nước này cần tăng cường sự hiện diện hải quân ở Bắc Cực để bảo vệ các lợi ích kinh tế trong khu vực khỏi sự xâm lấn của các quốc gia NATO. Đây chính là chỉ thị của Tổng thống Vladimir Putin.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại