Tái sử dụng tàu lượn
Trong khoảng thời gian vài tuần kể từ sau cuộc đổ bộ lên Normandy, mỗi ngày có hàng trăm thương binh của phe Đồng minh cần được đưa từ mặt trận về các quân y viện, đồng thời trang thiết bị y tế cũng cần được đưa ra tiền tuyến.
Vì thế, tàu lượn - loại phương tiện hàng không hữu dụng nhưng thầm lặng trong Thế chiến thứ 2 - đóng vai trò rất quan trọng đối với nhiệm vụ này.
Thông thường thì tàu lượn chỉ được dùng 1 lần, và bay 1 chiều từ hậu phương ra tiền tuyến. Nhưng trong hoàn cảnh này, một phương pháp đặc biệt đã được triển khai để có thể tái sử dụng chúng cho chuyến bay trở về.
Binh nhất Donald Huard, một quân y sĩ của quân đội Mỹ, thuật lại: "Tôi thấy họ kéo căng dây cáp kéo của tàu lượn ra. Một đầu nối vào mũi tàu lượn, đầu kia được tách ra và nối vào một vật trông như một lưới bóng chuyền lớn. Chúng tôi giúp đưa các thương binh vào trong tàu lượn và sau đó cũng ngồi vào tàu".
Huard nghe tiếng động cơ rền vang của một chiếc C-47 Dakota ở độ cao thấp. Dùng một dây móc ở đuôi máy bay, nó móc vào bộ lưới được căng ngang giữa 2 trụ đỡ và kéo chiếc tàu lượn lên không trung.
Phương pháp móc kéo
Phe Đồng minh gọi đó là "phương pháp móc kéo" để tái sử dụng tàu lượn.
Ngày nay, vai trò của tàu lượn đã bị lãng quên khá nhiều. Nhưng vào thời điểm đó, tàu lượn là phương tiện rất hiệu quả, chi phi thấp để vận chuyển nhân lực và vật lực ra chiến trường một cách nhanh chóng.
Chiếc C-47 đang kéo theo một chiếc tàu lượn CG-4. Ảnh: U.S. Army Air Forces
Tàu lượn CG4-A Waco của Mỹ được chế tạo dựa trên một bộ khung thép ống rất vững chắc và được bọc vải bạt bên ngoài. Mẫu Horsa của Anh được làm hoàn toàn từ ván ép. Tuy nhiên chính Đức quốc xã là những người tiên phong trong việc sử dụng tàu lượn. Sau khi tham chiến thì người Mỹ mới bắt đầu học hỏi cách thức áp dụng phương tiện này của người Đức.
Đến năm 1944, không quân Mỹ phát triển chiến lược "bao vây từ trên không" để chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Châu Âu, theo đó hàng chục ngàn lính dù được triển khai phía sau chiến tuyến của quân Đức. Những chiến dịch không vận như vậy sẽ cần nhiều phương tiện hạng nặng được triển khai cùng với lính dù.
Tàu lượn có thể được dùng để không vận đạn pháo, xe cơ giới, quân y, tổ súng máy và pháo cối để hỗ trợ lính dù trên chiến trường. Chúng cũng có thể được dùng để chuyên chở binh lính, như trong cuộc đột kích của sư đoàn dù số 6 - quân đội Anh nhắm vào cầu Pegasus trong ngày diễn ra cuộc đổ bộ Normandy.
Sau khi được kéo bởi một máy bay hạng nặng, ví dụ như máy bay ném bom, tàu lượn sẽ tách rời khỏi dây cáp và đáp xuống khu vực bằng phẳng. Vào thời điểm khi mà trực thăng chưa ra đời thì đây là một lợi thế rất lớn.
Song người điều khiển chỉ có 1 cơ hội duy nhất để hạ cánh chính xác. Đây là một thao tác rất nguy hiểm, nhất là khi tàu lượn đang di chuyển với vận tốc 240 km/h. Do phương tiện này không tự mình sản sinh ra sức đẩy, các phi công tàu lượn chỉ có vài phút để lựa chọn điểm đáp và đưa tàu lượn tiếp đất an toàn.
Tuy vậy, đa số các cú tiếp đất đều diễn ra rất suôn sẻ. Những chiếc tàu lượn do đó vẫn còn trong tình trạng tốt để có thể được sử dụng lại. Và chúng sớm được tận dụng cho công tác vận chuyển thương binh trở về hậu phương.
Phương pháp móc kéo được phát triển dựa trên cách thức mà các máy bay vận chuyển bưu phẩm móc các túi chứa thư trên mặt đất. Các tàu lượn của Anh và Mỹ đều rất nặng, khoảng gần 2,5 tấn, nhưng vẫn có thể được kéo lên nếu dùng những máy bay hạng nặng như Dakota. Chúng bay cách mặt đất chỉ hơn 6m và ở vận tốc gần 200 km/h.
Lưới dùng để bắt móc kéo của máy bay được căng giữa 2 cột cao 4m, được đặt cách nhau 6m. Tàu lượn được đặt trên mặt đất và lệch về 1 phía để đảm bảo rằng đường bay của máy bay sẽ không nằm trên tàu lượn.
Để giảm ứng suất lên tàu lượn, móc kéo của máy bay được gắn vào một bộ tời đóng vai trò như một cần câu khổng lồ, với hơn 300 m dây cáp thép.
Khi phần đầu móc đã móc vào lưới thì tời sẽ bắt đầu nhả dây cáp, nhưng vẫn duy trì đủ lực căng để bắt đầu kéo tàu lượn trên mặt đất cho đến khi nó đạt vận tốc cất cánh. Quá trình này phải đủ nhanh để tàu lượn có thể cất cánh nhưng đồng thời vẫn đủ chậm để tàu không bị vỡ tung.
Sau khoảng 7 giây là tàu lượn đã ở trên không với khoảng cách 200 m phía sau máy bay. Tác động lên hành khách cũng không đáng kể, với gia tốc chỉ vào khoảng 0,7G. Một số trò chơi tàu lượn siêu tốc hiện nay có gia tốc lên đến 4G.
Binh chủng lính dù Mỹ tiếp tục dùng tàu lượn cho đến năm 1948, khi mà trực thăng bắt đầu được sử dụng rộng rãi.