Những siêu vũ khí lỗi hẹn với quân đội Liên Xô

Đức Anh |

Thiết giáp hạm mạnh ngang ngửa Yamato của Nhật hay tàu sân bay năng lượng hạt nhân là 2 trong những siêu vũ khí mà quân đội Liên Xô từng mơ ước.

Theo tạp chí National Interest, từ những năm Thế chiến II đến Chiến tranh Lạnh, Liên Xô là một trong những quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh nhất thế giới. Moscow từng chế tạo thành công nhiều vũ khí đẳng cấp thế giới.

Tuy vậy, có nhiều loại vũ khí mà các nước khác đã chế tạo thành công nhưng vẫn nằm ngoài tầm với của công nghiệp quốc phòng Liên Xô.

Mới đây, tạp chí National Interest đã thống kê 5 siêu vũ khí mà Liên Xô từng lên kế hoạch chế tạo nhưng không thành công.

Thiết giáp hạm lớp Sovetsky Soyuz

Những siêu vũ khí lỗi hẹn với quân đội Liên Xô - Ảnh 1.

Mô hình thiết hạm trong mơ của Hải quân Liên Xô.

Sau khi Thế chiến I kết thúc, Đế quốc Nga thấy cần thiết phải hiện đại hóa hạm đội tàu chiến ọp ẹp của nước này.

Đến những năm đầu của thế kỷ 20, Nga duy trì một lực lượng hải quân tương đối hiện đại. Tuy nhiên, sau chiến tranh Nga-Nhật 1905, công nghiệp đóng tàu Nga tụt hậu so với phương Tây. Bên cạnh đó, Cách mạng Tháng 10 góp phần làm gián đoạn công nghiệp đóng tàu cũng như sức mạnh hải quân.

Cuối năm 1930, khi nền kinh tế khởi sắc, chính quyền Liên Xô quyết định phát triển sức mạnh hải quân với kế hoạch đóng mới thiết giáp hạm đầy tham vọng. Sovetsky Soyuz khi hoàn thành sẽ là thiết giáp hạm mạnh nhất của Hải quân Liên Xô và ngang ngửa với các thiết giáp hạm khác trên thế giới.

Thiế giáp hạm Sovetsky Soyuz có lượng choán nước khoảng 60.000 tấn, được trang bị 9 pháo hạm 406 mm, tốc độ tối đa khoảng 28 hải lý/giờ. Hải quân Liên Xô dự định đặt hàng 16 thiết giáp hạm, sau đó giảm xuống còn 4 tàu.

Tuy nhiên, quá trình đóng mới 4 tàu gặp nhiều khó khăn do công nghiệp đóng tàu Liên Xô chưa từng đóng mới những chiến hạm khổng lồ như vậy. Trong quá trình thi công, thiết giáp hạm mang tên Sovetskaya Belorussiya bị hủy bỏ vào tháng 10/1940, sau khi phát hiện lỗ hổng nghiêm trọng. 3 tàu còn lại cũng bị đình chỉ khi Đức quốc xã xâm chiếm Liên Xô vào năm 1941.

Liên Xô đã lãng phí khoản đầu tư rất lớn vào dự án vượt quá năng lực công nghiệp đóng tàu trong nước. Bên cạnh đó, Liên Xô phải gồng mình chống lại cuộc tấn công dữ dội của Đức quốc xã nên không còn tiền bạc và thời gian cho những dự án lớn.

Siêu tàu sân bay Orel và Ulyanovsk

Những siêu vũ khí lỗi hẹn với quân đội Liên Xô - Ảnh 2.

Đồ họa siêu tàu sân bay lớp Ulyanovsk.

Liên Xô bắt đầu nghiên cứu đóng mới tàu sân bay ngay sau khi Cách mạng tháng 10 thành công. Tuy nhiên, thực trạng nền kinh tế rối loạn, tình trạng lạc hậu của công nghiệp Liên Xô, kết hợp với Thế chiến II khiến kế hoạch bị phá vỡ.

Sau khi Thế chiến II kết thúc, Moscow tiến hành những nỗ lực khiêm tốn hơn để xây dựng hạm đội tàu sân bay. Tàu sân bay trực thăng Moskva đi vào hoạt động trong Hải quân Liên Xô từ giữa những năm 1960. Tiếp đến là tuần dương hạm hàng không lớp Kiev, một lớp tàu kết hợp giữa tàu sân bay và tuần dương hạm trong giai đoạn 1970-1980.

Một số quan chức ủng hộ bước đi tuần tự để làm chủ công nghệ đóng tàu cỡ lớn, trong khi một số khác muốn đẩy nhanh tiến độ với dự án siêu tàu sân bay lớp Orel. Tuy nhiên, khi bắt tay triển khai, dự án siêu hàng không mẫu hạm này quá sức của công nghiệp đóng tàu Liên Xô.

Liên Xô sau đó chọn giải pháp an toàn hơn là cải tiến tuần dương hạm hàng không lớp Kiev thành tàu sân bay lớp Kuznetsov với đường băng kiểu nhảy cầu. Sau đó, Moscow tiếp tục với dự án phát triển siêu tàu sân bay lớp Ulyanovsk với lượng choán nước 80.000 tấn, cùng hệ thống đẩy năng lượng hạt nhân.

Ulyanovsk sẽ có khả năng cạnh tranh với các siêu hàng không mẫu hạm của Mỹ. Tuy nhiên, khi dự án mới hoàn thành được 20% thì Liên Xô sụp đổ, Chiến tranh Lạnh kết thúc khiến dự án siêu tàu sân bay của Liên Xô cũng bị khai tử theo. Ngày nay, Đô đốc Kuznetsov vẫn là tàu sân bay duy nhất của Nga.

Máy bay ném bom hạng nặng trong Thế chiến II

Những siêu vũ khí lỗi hẹn với quân đội Liên Xô - Ảnh 3.

Mẫu thử nghiệm máy bay ném bom hạng nặng ANT-20 trong quá trình bay thử nghiệm

Những năm Thế chiến II, Liên Xô đã thử nghiệm một số mẫu máy bay ném bom hạng nặng 4 động cơ. Các dự án tiêu biểu gồm có máy bay ném bom TB-3, 4 động cơ cánh quạt, ANT-20, 8 động cơ, hay TB-6 tới 12 động cơ.

Một mẫu máy bay khác rất tiềm năng là Pe-8, được lắp 4 động cơ cánh quạt và từng được xem là đối thủ của B-17 của Mỹ. Mẫu ANT-20 dự định có thể mang tới 15 tấn bom, hơn cả B-29 của Mỹ. Nhưng một mẫu thử nghiệm đã rơi trong khi bay thử nghiệm khiến 45 người thiệt mạng. Dự án này sau đó được chuyển đổi thành máy bay vận tải.

Dự án TB-6 cũng bị đình chỉ để chuyển hướng phát triển các loại máy bay nhỏ và nhanh hơn. Chỉ có Pe-8 được sản xuất với số lượng hạn chế và chỉ có tác dụng phục vụ cho "cuộc tấn công tinh thần" để cỗ vũ cho các binh sĩ trên chiến trường về một máy bay có thể ném bom Berlin, Đức.

Các dự án máy bay ném bom hạng nặng của Liên Xô chỉ phát triển với số lượng hạn chế và chưa bao giờ trở thành máy bay ném bom chủ lực trong Không quân Liên Xô như các máy bay của Mỹ.

Siêu tăng hạng nặng T-42

Những siêu vũ khí lỗi hẹn với quân đội Liên Xô - Ảnh 4.

Mô hình siêu tăng hạng nặng T-42

Đây là dự án phát triển xe tăng dưới sự chỉ đạo của kỹ sư người Đức Edward Grotte. Dự án T-42 dự định phát triển một quái thú bọc thép nặng tới 100 tấn, trang bị 3 tháp pháo, tốc độ dự kiến khoảng 27 km/h, ê kíp vận hành tới 15 người.

Tuy nhiên, người ta không thể tìm ra loại động cơ đủ mạnh để giải quyết vấn đề lực đẩy cho quái thú bọc thép này. Việc phát triển một siêu tăng như vậy hoàn toàn bất khả thi. Sau đó, các kỹ sư chuyển sang dự án xe tăng hạng nặng T-35 với khối lượng chiến đấu 45 tấn, trang bị tới 5 tháp pháo.

Nhưng dự án này đã chứng minh là không thành công. Xe tăng hạng nặng T-35 sớm bị hủy bỏ sau khi sản xuất được khoảng 61 chiếc.

Sukhoi T-4

Những siêu vũ khí lỗi hẹn với quân đội Liên Xô - Ảnh 5.

Sukhoi T-4 trưng bày tại Bảo tàng hàng không vũ trụ Monino.

Còn gọi là Dự án 100 nhằm phát triển máy bay ném bom chiến lược tốc độ cao tương tự XB-70 của Mỹ. Máy bay được thiết kế để đạt tới tốc độ Mach 3 (khoảng 3.600 km/h), trần bay 21,3 km. Về ngoại hình, T-4 khá giống XB-70 của Mỹ.

Ngoài nhiệm vụ ném bom chiến lược, T-4 cũng dự định phục vụ cho nhiệm vụ trinh sát và mang tên lửa chống hạm. Ý tưởng về chiếc T-4 tốc độ cao mang tên lửa Kh-22 là rất đáng sợ. 4 mẫu máy bay đã được chế tạo cho mục đích thử nghiệm.

T-4 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 8/1972. Tuy nhiên, công nghiệp hàng không Liên Xô không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật dành cho máy bay hoạt động ở tốc độ cao. Những tham vọng trong dự án T-4 vượt quá khả năng của công nghiệp quốc phòng trong nước.

Dự án chính thức bị hủy bỏ vào năm 1974 và chuyển sang phát triển máy bay ném bom chiến lược cánh cụp cánh xòe Tu-160.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại