Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda (Ảnh: Reuters)
Sau khi Điện Kremlin cảnh báo Lithuania rằng Moscow sẽ phản ứng với lệnh cấm vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt, theo như lệnh cấm vận của EU nhằm vào Nga, Tổng thống Lithuania nói với Reuters rằng người dân nước này chắc chắn sẽ cảm nhận được tác động.
Trong bối cảnh quan hệ giữa Moscow và phương Tây đang rơi xuống mức thấp nhất trong nửa thế kỷ qua do cuộc chiến ở Ukraine, Lithuania đã cấm vận chuyển các loại hàng hóa nằm trong danh sách trừng phạt của EU qua lãnh thổ của họ tới và từ Kaliningrad.
Kaliningrad là khu vực nằm giữa Ba Lan và Lithuania – đều là thành viên của NATO – và nhận được nguồn cung chủ yếu thông qua tuyến đường sắt đi qua lãnh thổ của Lithuania. Nước này đã phong tỏa tuyến đường vận chuyển thép và các loại kim loại khác đến từ Nga, nói rằng họ buộc phải làm vậy để tuân thủ với các lệnh trừng phạt của EU.
"Chúng tôi đã sẵn sàng và chuẩn bị từ trước để đối phó với những hành động không thân thiện của Nga, như ngắt kết nối khỏi BRELL (mạng lưới điện), hay các hành động khác," Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 22/6.
30 năm kể từ khi tách khỏi Liên bang Xô viết và 17 năm kể từ khi gia nhập EU, các nước Baltic Lithuania, Latvia và Estonia vẫn phải phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng ổn định của Nga.
Tuy nhiên, năm ngoái, Lithuania đã lắp đặt trang thiết bị kết nối điện năng với Ba Lan, nhằm kết nối với mạng lưới điện của châu Âu để chuẩn bị cho chính sách đảm bảo an ninh năng lượng trong trường hợp Nga cắt đứt dòng chảy năng lượng, có khả năng gây ra tình trạng mất điện.
Một dự án 1,6 tỉ euro (1,94 tỉ USD) do EU rót vốn đang được thực hiện, nhằm ngắt kết nối các nước Baltic khỏi mạng lưới điện chung với Nga và Belarus vào năm 2025, chuyển sang kết nối mạng lưới điện năng của EU.
Lời cảnh báo từ Nga
Ông Nikolai Patrushev, Chủ tịch Thượng viện Nga, trong hôm thứ Ba vừa qua đã tuyên bố sẽ đưa ra đòn đáp trả "chắc chắn sẽ gây ra tác động tiêu cực đối với người dân Lithuania", trong khi một quan chức hàng đầu của EU tại Moscow hối thúc Nga ngừng "các hành động và tuyên bố làm leo thang căng thẳng."
Ông Nauseda nói: "Tôi không tin là Nga sẽ thách thức chúng tôi về mặt quân sự, bởi chúng tôi là một nước thành viên NATO."
Lãnh đạo Lithuania nói rằng ông sẽ đem vấn đề này ra thảo luận tại một hội nghị thượng đỉnh NATO tổ chức vào tuần tới. Tại sự kiện này, khối đồng minh sẽ cân nhắc về việc tăng số lượng binh sĩ ở các nước thành viên nằm sát Nga, như các nước ở Baltic.
"Chúng tôi không sai khi sử dụng ví dụ này để mô tả về nước Nga, và biện pháp cùng lời đe dọa mà họ sử dụng để giải quyết vấn đề," ông Nauseda nói. "Mặc dù nó có thể giúp những người nói rằng chúng ta cần giúp Nga giữ thể diện hài lòng, nhưng lại là mối đe dọa đối với chúng tôi."
Ông Nauseda cũng nói rằng Lithuania cảm thấy sự đồng lòng của các nước EU trong vấn đề bất đồng này, và sẽ tiếp tục mở rộng danh sách hàng hóa mà họ phong tỏa khỏi Kaliningrad.
"Chúng tôi cảm nhận được sự ủng hộ của EU, bởi đây là quyết định mà EU đưa ra," ông nói. "Chúng tôi mong được thực thi các giai đoạn tiếp theo của lệnh trừng phạt, và sẽ rất tốt nếu như Hội đồng châu Âu giải thích về nội dung các lệnh trừng phạt của họ với chính quyền Nga. Điều đó sẽ giúp tháo gỡ bớt tình trạng căng thẳng hiện tại."