NORAD có nhiệm vụ chỉ huy hoạt động của Bộ Tư lệnh phòng thủ đường không Không quân Mỹ (USAF Air Defense Command), Bộ Tư lệnh đường không Canada (Canadian Air Command), Lực lượng phòng không Hải quân (Naval Forces CONAD/NORAD) và Bộ Tư lệnh phòng không lục quân (Army Air Defense Command.
Trụ sở Bộ Tham mưu NORAD đóng trong một hầm ngầm kiên cố chịu được đòn tấn công hạt nhân nằm sâu trong núi Cheyenne, bang Colorado.
Lối vào chính của Trung tâm chỉ huy NORAD
Thời kỳ hoàng kim của NORAD là vào đầu những năm 1960. Khi đó trên lãnh thổ Mỹ và Canada đã có hàng trăm radar mặt đất, - trên biển và trên không có hàng chục máy bay AWACS và tàu tuần tiễu radar hoạt động, còn trên đất liền, Mỹ và Canada đã triển khai hơn 150 trận địa các tổ hợp tên lửa phòng không, có hơn 2.000 máy bay tiêm kích – đánh chặn của cả Mỹ và Canada trực chiến.
Một số lượng khổng lồ phương tiện phòng không như vậy đã được Mỹ huy động để đối phó với 200 máy bay ném bom chiến lược Xô Viết.
Như đã nói ở các phần trước, vào giữa những năm 1960, hàng chục tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Xô Viết mới được đưa vào trực chiến mới là mối đe dọa chủ yếu đối với phần lãnh thổ lục địa Mỹ, chứ không còn là các máy bay ném bom.
Tuy vậy, Mỹ vẫn tiếp tục tăng cường sức mạnh phòng không, - các máy bay đánh chặn tốc độ dưới âm F-86D, F-89 và F-94 được thay thế bằng các máy bay đánh chặn siêu âm F-101 Voodoo, F-102 Delta Dagger, F-106 Delta Dart, F-4 Phantom II .
Máy bay siêu âm đầu tiên F-102 sau này trở thành một trong những loại máy bay tiêm kích được sử dụng nhiều nhất trong Không quân Mỹ, chúng được đưa vào trực chiến vào giữa năm 1956.
F-102 là máy bay tiêm kích siêu âm được sản xuất hàng loạt đầu tiên có cánh hình tam giác. Điểm đặc biệt của F-102 ở chỗ nó cũng là loại máy bay đánh chặn đầu tiên được tích hợp vào hệ thống dẫn đường và sử dụng vũ khí thống nhất SAGE (SAGE đã được nói tới ở các bài trước).
Tổng cộng Không quân Mỹ đã nhận hơn 900 chiếc F-102. Những máy bay này trực chiến đến năm 1979.
Còn với các máy bay dòng Voodoo, thời gian khai thác tương đối ngắn. Các máy bay đánh chặn F-101B bắt đầu được đưa vào trang bị cho các phi đội không quân phòng không vào đầu năm 1959.
Nhưng chỉ đến năm 1968 (chưa đầy 10 năm), số lượng các phi đội F-101B của Bộ Tư lệnh phòng không Mỹ đã giảm từ 15 xuống chỉ còn 6 phi đội. Riêng Vệ binh quốc gia Mỹ vẫn khai thác F-101B đến tận năm 1983. Còn với Không quân Canada, Voodoo vẫn là các máy bay đánh chặn nòng cốt trong một thời gian khá dài.
Những máy bay đánh chặn CF-101B và CF-101F được đưa vào trực chiến tại Canada năm 1962 và loại biên năm 1984. Các máy bay nói trên được trang bị cho 5 phi đội trong Không quân Canada. Để thay thế những chiếc bị tai nạn hoặc hết niên hạn sử dụng, tháng 11/1970, Không quân nước này nhận tiếp 66 chiếc CF-101 lấy từ kho niêm cất bảo quản Davis Montan.
Canada cũng trả lại cho Mỹ 56 chiếc CF-101B và CF-101F đã hết tuổi thọ động cơ. Ngoài các máy bay nói trên, Trong trang bị của Không quân Canada còn có máy bay tiêm kích đa năng F-104 Starfighter.
Một biến thể của F-104 Starfighter là СF-104S (CL-90) được sản xuất theo giấy phép tại xí nghiệp của Canadair Ltd trên lãnh thổ Canada. Có tất cả 200 CF-104 đã được bản giao cho Không quân Canada.
Sau khi Canada thanh lý các máy bay tiêm kích F-101, máy bay F-104 "Lockheed Starfighter" trong một thời gian tương đối dài là loại máy bay chiến đấu duy nhất có thể thực hiện chức năng phòng không của Không quân nước này.
Năm 1987, tất cả các F-104 còn có thể bay được đã được chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ. Trong thời gian khai thác Starfighter, đã có tới 25 phi công Canada thiệt mạng vì tai nạn khi đang bay. Nếu so sánh với Woodoo, Starfighter có vũ khí không chiến mạnh hơn; pháo 6 nòng 20 ly M61A1 và tên lửa có điều khiển AIM-9 Sidewinder đầu tự dẫn tầm nhiệt.
Trong các chiến dịch đánh phá Bắc Việt Nam, Không quân Mỹ cũng đã sử dụng F-101 và F-102 mang tên lửa có điều khiển AIM-4 Falcon để không chiến với MiG và các phi công Mỹ tham chiến đã thừa nhận sự vượt trội của Sidewinder trước Falcon.
Chính vì thế mà Không quân Canada chỉ trang bị tên lửa AIM-4 (Falcon) cho CF-101 B/F. Ngoài ra , các tên lửa không điều khiển 70 ly FFAR truyền thống vẫn tiếp tục được không quân hai nước sử dụng.
Phiên bản cải tiến từ F-102 Delta Dagger là F-106 Delta Dart. Biến thể đầu F-106A bắt đầu trực chiến tháng 10/1959. Trong 2 năm , đã có tới 277 chiếc F-106A và 63 chiếc F-106 B được xuất xưởng.
Tuy số lượng F-106 ít hơn F-101 và F-102 vài lần nhưng do thường xuyên được cải tiến và hiện đại hóa nên F-106 "phục vụ" trong Không quân Mỹ tới 20 năm. Đợt thanh lý F-106 cuối cùng (do Vệ binh quốc gia Mỹ thực hiện) vào năm 1988.
Máy bay F-106A đang bay kèm máy bay ném bom tầm xa Xô Viết Tu-95 . Ảnh chụp năm 1982, cách bờ biển Đông Bắc Mỹ không xa , đối diện bán đảo Cape - Cod
Sở dĩ F-106 có mặt trong trang bị trong một thời gian dài như vậy là vì có một số lý do sau:
1/ Phiên bản "Delta Dart" đã khắc phục những nhược điểm của "Delta Dagger". 2/ Tốc độ của F-106 lên đến 2.455 km/h (2,3M), bán kính tác chiến gần 2.000 km. 3/ Máy bay này có khả năng tăng tốc và lấy độ cao rất tốt, nó có thể đạt độ cao 17.680 m chỉ trong 450 giây. 4/ Các phi công Mỹ đánh giá rất cao F-106 vì nó dễ điều khiển.
Vào thời kỳ cao điểm, F-106 được trang bị cho 13 phi đội của Bộ Tư lệnh phòng không Không quân Mỹ. Thêm nữa, "Delta Dart" còn được trang bị thiết bị vô tuyến điện tử hiện đại nhất thời bấy giờ.
Trong tất cả các máy bay tiêm kích – đánh chặn dòng 100, chỉ F-106 là có khả năng tận dụng tối đa những khả năng của hệ thống dẫn đường tự động SAGE. Hệ thống dẫn đường và điều khiển hỏa lực máy tính hóa lắp trên F-106 tự động dẫn máy bay đến khu vực có mục tiêu, điều khiển toàn bộ "quy trình" tác chiến từ lúc khóa mục tiêu đến lúc phóng tên lửa.
Phi công chỉ phải làm các việc là có cho phép phóng tên lửa hay không, cất cánh và hạ cánh. Một đặc điểm khác rất đáng chú ý của chiếc máy bay đánh chặn này là việc bố trí 2 quả tên lửa không điều khiển lớp "không đối không" mang đầu đạn hạt nhân AIR-2 Genie ở container phóng bên trong máy bay.
Rút kinh nghiệm qua tác chiến tại chiến trường Việt Nam, bắt đầu từ năm 1973, khi tiến hành sửa chữa, F-106 được lắp thêm pháo 6 nòng 20 ly M61A1.
Trước khi xuất hiện các máy bay tiêm kích thế hệ bốn, kiểu máy bay đánh chặn hiện đại nhất của Không quân Mỹ là F-4 Phantom II.
Hải quân Mỹ là quân chủng đặt hàng loại máy bay này đầu tiên, nhưng Bộ trưởng quốc phòng Mỹ khi đó là R. McNamara muốn quy chuẩn hóa máy bay tiêm kích để giảm chi phí khai thác nên đã gây sức ép để trang bị Fantom cho cả Không quân Mỹ.
Những chiếc máy bay tiêm kích đầu tiên của họ máy bay này - F-110 A được đưa vào trang bị năm 1963. Không lâu sau đó, F-110A được đổi tên thành F-4C. Các cuộc thử nghiệm so sánh với F-106 cho thấy, Fantom có thể mang nhiều tên lửa không chiến hơn.
Radar của F-4C có thể phát hiện mục tiêu xa hơn F-106 tới 25 %, và chi phí khai thác rẻ hơn 1/3. Và một điều rất quan trọng nữa, thiết bị vô tuyến điện tử của Fantom không tích hợp quá sâu vào hệ thống (dẫn đường cho máy bay đánh chặn) SAGE, radar và vũ khí của Fantom cho phép bắn hạ các máy bay ném bom đối phương ở cự ly lớn hơn so với F-106.
Phóng tên lửa AIM-7 Sparrow từ F-4Е
"Fantom" là kiểu máy bay tiêm kích sản xuất hàng loạt đầu tiên được trang bị tên lửa không chiến tầm trung. Trong cơ số vũ khí của nó , ngoài 4 tên lửa có điều khiển đánh gần AIM-9 Sidewinder còn có thể có 4 tên lửa tầm trung AIM-7 Sparrow trang bị đầu tự dẫn radar bán chủ động.
Bắt đầu từ năm 1963, Mỹ triển khai sản xuất các biến thể tên lửa AIM-7D/Е có tầm bắn hơn 30 km. Tên lửa "Sparrow" trong giữa những năm 1960 mang lõi tác chiến nặng 30 kg và ngòi nổ không tiếp xúc. Nếu so sánh với tên lửa có điều khiển chuẩn của các máy bay đánh chặn Mỹ là AIM-4 Falcon. tên lửa AIM-7 Sparrow có tính năng tác chiến tốt hơn nhiều.
Sau khi biến thể F-4E được trang bị thiết bị vô tuyến điện tử gọn nhẹ hơn, trên phần mũi máy bay được lắp pháo 6 nòng cỡ 20 ly. Trước đó , pháo và đạn được treo dưới thân máy bay.
Mặc dù F-4 Fantom II được không quân Mỹ sử dụng chủ yếu làm nhiệm vụ tiêm kích-ném bom và trong chiến tranh Việt Nam, nó nổi tiếng với vai trò là máy bay tiêm kích chiếm ưu thế trên không, F-4 còn được sử dụng nhiều trong các phi đội chuyên làm nhiệm vụ phòng không.
Trong những năm 60 – 80, Fantom đã nhiều lần cất cánh chặn các máy bay ném bom tầm xa Xô Viết Tu-95 khi chúng đang bay sát bờ biển phía Đông nước Mỹ trong các lần bay huấn luyện.
Do có các tính năng bay vượt trội, vũ khí mạnh và tổ hợp vô tuyến điện tử hiện đại, thời gian trực chiến (có mặt trong trang bị) của F-4 là rất đáng nể.
Những chiếc F-4 Fantom II cuối cùng của Không quân Mỹ được thanh lý vào đầu những năm 1990. Tổng cộng Không quân Mỹ đã tiếp nhận 2.874 chiếc "Fantom" (nhiều chiếc đã bị bắn rơi trên bầu trời Bắc Việt Nam như chúng ta đã biết).
Như đã nói ở phần trước, Mỹ đã chi rất nhiều tỷ đô la để phát triển hệ thống phòng không từ giữa những năm 50 đến đầu những năm 60. Toàn bộ lãnh thổ Mỹ được chia thành các khu vực phòng không được phân công cho các trung tâm chỉ huy khu vực chịu trách nhiệm.
Các khu vực phòng không trên lãnh thổ Mỹ
Nhưng dù có một nền kinh tế rất mạnh, việc xây dựng và duy trì một hệ thống kiểm soát tình huống trên không nhiều tầng, một lực lượng lớn máy bay tiêm kích- đánh chặn và các tổ hợp tên lửa phòng không vẫn là một gánh nặng đáng kể đối với ngân sách Mỹ.
Đặc biệt, việc khai thác hàng chục tàu radar tuần tiễu và máy bay AWACS EC-121 đòi hỏi một khoản kinh phí rất lớn. Kinh phí triển triển khai toàn bộ các thành tố của NORAD còn lớn hơn nhiều kinh phí dành cho dự án Manhattan.
Để giảm chi phí liên quan đến việc tiếp nhận thông tin radar ở cách xa bờ biển nước Mỹ, đến cuối những năm 1950 đầu những năm 1960, các kỹ sư Mỹ bắt đầu triển khai xây dựng 5 "gói radar" cải hoán từ các giàn khoan dầu trên biển.
Các trạm radar nổi tiếng với tên gọi "Các tháp Texas" này được lắp cố định trên biển cách bờ biển phía đông nước Mỹ và Canada khoảng vài trăm km.
"Tháp Texas"
Trên các "tháp Texas" là các đài radar công suất lớn AN / FPS-24 và AN / FPS-26 được che bằng các vòm plastic. Công tác đảm bảo hậu cần, thay kíp trực do các tàu đảm bảo của Hải quân Mỹ chịu trách nhiệm.
Năm 1961, do bão mạnh, một trong số các tháp trên đã bị phá hủy và đấy cũng là lý do công khai để chấm dứt hoạt động của các "tháp" còn lại. "Tháp Texas" cuối cùng dừng hoạt động vào năm 1963.
Nhưng trên thực tế, nguyên nhân chính buộc Mỹ cho dừng hoạt động của các tháp này là do chúng hoạt động không hiệu quả.
Các "tháp Texas" nói trên không thể phát hiện được các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Hai tháp do bị hư hỏng nặng nên đã bị đánh chìm.
(Còn tiếp)