Phòng bệnh nguy hiểm khi trời chuyển mùa lạnh

NGỌC DUNG - NGUYỄN THẠNH |

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh rà soát phương án ứng phó với rét đậm, rét hại, tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ

Bác sĩ Vũ Quỳnh Nga - Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội - cho biết những ngày trời lạnh vừa qua, số bệnh nhân nhập viện do các bệnh lý tim mạch, huyết áp tăng 10%-20% so với thời điểm bình thường.

Nhiều người nhập viện

Theo TS-BS Đỗ Thiện Hải (Trưởng Khoa nội nhiễm thuộc Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em - Bệnh viện Nhi trung ương), trong hơn 1 tháng nay, đơn vị này ghi nhận tới 820 ca nhập viện vì cúm. Trong số này xuất hiện nhiều bệnh nhi bị biến chứng nặng lên não, viêm phổi, viêm cơ tim... Bác sĩ Hải dự báo cúm là bệnh đặc trưng của mùa đông xuân, nên số trẻ em mắc bệnh sẽ còn tăng trong những ngày tới.

Những ngày trời lạnh vừa qua, số bệnh nhân nhập viện do các bệnh lý tim mạch, huyết áp cũng gia tăng. Bác sĩ Vũ Quỳnh Nga cho biết: Mùa lạnh , huyết áp thường tăng cao hơn so với mùa hè. Thời tiết lạnh làm tăng tiết các catecholamin trong máu, dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp. Tình trạng này dễ dẫn đến các biến cố như vỡ mạch máu não, đau thắt ngực. "Với người cao tuổi, sức đề kháng và hệ miễn dịch suy giảm nên khi thời tiết thay đổi rất dễ bị nhiễm vi khuẩn, virus gây viêm phổi cấp" - bác sĩ Nga lưu ý.

TS-BS Lê Thị Thu Hương, Trưởng Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhân Dân Gia Định TP HCM, cho hay thường mùa lạnh, mưa ẩm thấp nên số bệnh nhân đến khám và nhập viện liên quan bệnh hô hấp tăng khoảng 30%. Các bệnh chủ yếu như viêm phế quản, viêm hô hấp trên, viêm phổi. Những người có bệnh mạn tính như phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen bị nặng hơn, nhập viện nhiều hơn.

Phòng bệnh nguy hiểm khi trời chuyển mùa lạnh - Ảnh 1.

Người dân ở Hà Nội phải đốt lửa ngoài đường sưởi ấm để xua tan cái lạnh mấy ngày qua (Ảnh: NGÔ NHUNG)

Không tắm quá khuya

Trong thời gian tới có thể còn xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại nên Bộ Y tế khuyến cáo người dân chú ý giữ gìn sức khỏe. Với người già và trẻ em, cần giữ ấm cơ thể, hạn chế ra ngoài, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ hôm sau.

Nếu phải ra ngoài, cần chú ý mặc ấm, luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt, đặc biệt là vùng cổ, tay, chân để hạn chế các bệnh do cảm lạnh. Người dân không nên uống rượu bia, đặc biệt là ở miền núi, vì uống rượu làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong; không nên tắm khuya sau 22 giờ, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng.

"Bệnh đột quỵ thường xảy ra khi cơ thể có những thay đổi đột ngột. Khi tắm, nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột theo nhiệt độ của nước. Nếu khoảng chênh lệch này lớn có thể gây tình trạng sốc nhiệt, nhất là trong trường hợp tắm nước lạnh về đêm. Do đó, không nên tắm quá khuya và nhiệt độ nước quá lạnh, tốt nhất nhiệt độ nước tương đương nhiệt độ cơ thể, khoảng 37 độ C" - TS-BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Thần kinh TP HCM, giải thích.

Khi trời lạnh, buổi sáng không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng 3-5 phút để cơ thể dần thích nghi. Những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính cần nhớ uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, nhất là trường hợp bị tăng huyết áp.

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo người dân cần ăn uống đủ chất để bảo đảm năng lượng cho cơ thể chống rét; bổ sung đủ 4 nhóm chất cơ bản trong bữa ăn hằng ngày như tinh bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất. Cần uống đủ nước, có một quan niệm sai lầm khi nghĩ rằng cơ thể cần ít nước hơn trong những tháng mùa đông nhưng thực tế, dù nhiệt độ cao hay thấp, kể cả khi không đổ mồ hôi, không cảm thấy khát nước thì cơ thể vẫn luôn cần nước. Vào mùa đông, nước rất cần thiết để giúp cơ thể chống lại cái lạnh.

Ngoài ra, với người phải làm việc ngoài trời, cần giữ ấm cơ thể và làm việc với cường độ chậm, đeo khẩu trang khi làm việc để bảo vệ đường hô hấp, đặc biệt là phòng Covid-19, trong lúc lao động nếu thấy cơ thể nóng lên thì cởi bớt áo.

Phòng nhiễm độc CO trong nhà

Bộ Y tế nhấn mạnh người dân tuyệt đối không sử dụng than củi, than tổ ong để đốt trong phòng kín. Nếu thời tiết quá lạnh, chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn, mở hé cửa để bảo đảm thông khí và chỉ sưởi ấm khi mọi người còn thức; không sưởi qua đêm, đóng kín cửa phòng.

Cũng không nên để các loại máy sưởi bức xạ hồng ngoại (quạt sưởi, đèn sưởi, lò sưởi...) gần trẻ nhỏ, người già vì tia hồng ngoại mang nhiệt tác động trực tiếp lên bề mặt da vừa gây khô da, khô mũi vừa có nguy cơ bỏng và cháy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại