Phơi bày bộ mặt Không quân TQ: Sao chép, ăn cắp, tưởng mạnh nhưng lộ sơ hở chết người

Vy Lam |

Sao chép và đánh cắp là các “thủ đoạn” của Trung Quốc để có được những công nghệ mà họ không mua được - nhà phân tích Scott Harold nhận định.

Không mua được thì sao chép/ăn cắp

Không quân Trung Quốc (PLAAF) không chỉ tham vọng cạnh tranh được với Không quân Mỹ, mà còn mong muốn đánh bại họ.

Để làm điều đó, PLAAF đã tìm cách mua công nghệ từ mọi nơi có thể, đánh cắp hoặc sao chép nếu cần và thậm chí tự nghĩ cách phát triển công nghệ mới nếu không có thứ gì để họ mua được hoặc đánh cắp được.

Đó là kết luận được đưa ra trong nghiên cứu mới của Scott Harold - một nhà phân tích làm việc cho tổ chức tư vấn RAND (trụ sở tại California).

Nghiên cứu của Harold có thể giúp các nhà hoạch định quân sự Mỹ nghĩ ra giải pháp để khắc phục các điểm yếu của lực lượng vũ trang Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc, cũng như chỉ cho họ thấy cách nhìn nhận của Trung Quốc về điểm yếu của chính mình.

Cạnh tranh với quân đội Mỹ - bản thân nó vốn dĩ không phải là một mục tiêu, mà chính xác là một phương thức để PLA đạt được các mục tiêu chính trị được chính phủ giao phó. Những mục tiêu này được chính phủ Trung Quốc đưa ra dựa trên quan điểm của họ về mối đe dọa và các tham vọng về chính sách” - Harold viết trong bản nghiên cứu.

Nhà phân tích Harold đã liệt kê các mục tiêu chiến lược của Không quân Trung Quốc, bao gồm: bảo vệ không phận Trung Quốc, tiến hành kế hoạch dùng vũ lực với Đài Loan, triển khai sức mạnh tại biển Hoa Đông và Biển Đông - bên trong chuỗi đảo thứ nhất - nhằm thực thi các tuyên bố chủ quyền (đơn phương) trên biển.

Để đạt được những mục tiêu này, PLAAF đang phải dựa vào cả công nghệ mới và cũ - một số công nghệ do chính phủ Trung Quốc mua hoặc phát triển một cách hợp pháp, số khác do Bắc Kinh sao chép hoặc đánh cắp.

Sức mạnh không quân vũ trụ Trung Quốc là hỗn hợp của nhiều khả năng kế thừa từ thời Chiến tranh Lạnh, các khí tài mua từ Nga và Ukraine, các phiên bản sao chép từ máy bay Nga (qua giấy phép hoặc kỹ thuật đảo ngược).

Một số lượng nhỏ (nhưng ngày càng gia tăng) tiêm kích-bom thế hệ 4 và 5 có vẻ được phát triển dựa trên các thiết kế khung máy bay Mỹ mà họ đã đánh cắp.

Bên cạnh đó là các tên lửa hành trình và đạn đạo tiên tiến, nhưng phi tàng hình, cùng với một loạt các hệ thống tác chiến không gian (phần lớn tự phát triển)” - Harold viết.

Phơi bày bộ mặt Không quân TQ: Sao chép, ăn cắp, tưởng mạnh nhưng lộ sơ hở chết người - Ảnh 1.

Viện cớ Nga không chuyển giao công nghệ sản xuất động cơ phản lực cho mình nên Trung Quốc đã đơn phương chấm dứt hợp đồng và sao chép Su-27 thành J-11B. Ảnh: Wiki

Chẳng hạn, các công ty hàng không vũ trụ Trung Quốc đã mua, sau đó sao chép, các tiêm kích Su-27 từ Nga.

Sau khi tiếp nhận công nghệ, với số lượng giới hạn, Trung Quốc thường tìm cách đảo ngược công nghệ (một phương thức sao chép) để sản xuất chúng trong nước”.

“Khi không mua được từ nước ngoài”, Harold viết, “Trung Quốc thường tìm cách đánh cắp các thiết kế công nghệ nước ngoài hoặc quan sát cách thức họ tiến hành với mục đích sao chép và sửa đổi chúng để phù hợp với nhu cầu của PLA”.

Có lẽ đáng chú ý nhất là tin tặc Trung Quốc đã đánh cắp dữ liệu liên quan đến chương trình tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ. Thông tin này có lẽ đã được sử dụng trong quá trình phát triển hai mẫu tiêm kích tàng hình J-20 và J-31 của Bắc Kinh.

Để Mỹ "solo" trong không gian, Trung Quốc lộ sơ hở

Sao chép và đánh cắp là các “thủ đoạn” của Trung Quốc. Vì thế, “Khi các phương thức mua sắm hay đánh cắp/sao chép không khả thi, Trung Quốc sẽ tìm cách đổi mới các phương thức để giải quyết vấn đề” - Harold lý giải.

Ví dụ Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ siêu vượt âm. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy rằng những quả đạn tốc độ cao đặc biệt có giá trị trong chiến lược chống tiếp cận của Bắc Kinh, nhằm ngăn các lực lượng Mỹ hoạt động gần Trung Quốc để hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc tấn công.

Không có quốc gia nào - thậm chí cả Mỹ - đầu tư vào công nghệ siêu vượt âm nhiều tới mức như Trung Quốc.

Phơi bày bộ mặt Không quân TQ: Sao chép, ăn cắp, tưởng mạnh nhưng lộ sơ hở chết người - Ảnh 2.

Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều vào vũ khí siêu vượt âm. Ảnh: Forces.Net

Tương tự như vậy, Không quân Trung Quốc về cơ bản đang bỏ qua toàn bộ các loại công nghệ mà họ nhận thấy không phù hợp với các nhiệm vụ chính của mình.

Trung Quốc lựa chọn không đầu tư vào vệ tinh không gian để cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo (như Mỹ)” - Harold dẫn lời một chuyên gia cho hay.

Hiểu rõ về phương thức tiếp cận công nghệ của PLAAF có thể giúp Không quân Mỹ vạch trước các cách thức để đánh bại PLAAF nếu giao tranh.

Hiểu sâu hơn về sức mạnh và điểm yếu của lực lượng không quân vũ trụ Trung Quốc có thể định hướng để Không quân Mỹ tránh xa các lĩnh vực mà Trung Quốc có năng lực mạnh, thay vào đó hướng họ tới những lĩnh vực mà có thể khai thác điểm yếu của Trung Quốc tốt hơn”.

Chẳng hạn, PLAAF hầu như sao chép trực tiếp từ Không quân Mỹ trong lĩnh vực chế tạo và vận hành máy bay chiến đấu. Không quân Mỹ thường triển khai hỗn hợp nhiều tiêm kích đa nhiệm F-16, F-15 và một số ít tiêm kích tàng hình F-22, F-35.

Tương tự như vậy, Trung Quốc cũng đang triển khai một số lượng lớn các tiêm kích thông thường J-10 (được cho là dựa trên công nghệ của Israel), cùng với một số ít tiêm kích tàng hình J-20.

Một ví dụ khác, Không quân Mỹ thường nhấn mạnh vào công tác huấn luyện thực tiễn dựa trên các điều kiện mô phỏng chiến trường thực.

Tương tự, PLAAF cũng bắt đầu tổ chức các đợt huấn luyện theo hướng này. Điều đó cho thấy Trung Quốc có ý định tiến hành một chiến dịch chiếm ưu thế trên không gần giống với phương thức của Mỹ, và đang có kế hoạch đánh bại Không quân Mỹ theo chính phương thức của họ.

Ngược lại, trong không gian, Trung Quốc dường như bằng lòng để Mỹ triển khai vệ tinh do thám với số lượng lớn hơn và tiên tiến hơn. Thay vì chạy đua với Mỹ trong không gian, Trung Quốc đang tạo ra các trở ngại cho cuộc đua solo của Mỹ bằng các loại vũ khí chống vệ tinh, trong khi Không quân Mỹ không có hệ thống nào tương xứng.

Nếu Trung Quốc thực sự định dùng tới những vũ khí này, họ có thể làm phân tán các mảnh vụn trên quỹ đạo thấp, khiến các quốc gia khác không dễ dàng gì tiếp cận được không gian. Song, điều đó cũng khiến chính bản thân Trung Quốc gặp bất lợi.

Dấu hiệu ở đây đã rõ ràng. “Trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ không cần tới không gian nhiều như Mỹ” - một chuyên gia nói với Harold.

Tuy nhiên, lựa chọn của Trung Quốc có thể mang lại cơ hội cho các lực lượng Mỹ. Do không phát triển hệ thống do thám trên không gian nên Trung Quốc sẽ không có phương án phòng bị trong trường hợp lực lượng Mỹ đánh bại được các cảm biến trên bộ/không/biển của Trung Quốc thông qua các phương thức gây nhiễu, tàng hình hoặc phá hủy.

Phơi bày bộ mặt Không quân TQ: Sao chép, ăn cắp, tưởng mạnh nhưng lộ sơ hở chết người - Ảnh 3.

Số lượng máy bay tiêm kích thế hệ 5 của Trung Quốc vẫn còn kém xa Mỹ. Ảnh: Daily Express

Trong trường hợp xảy ra xung đột, nếu lựa chọn đối đầu trực diện với các phi đoàn tiêm kích của Không quân Mỹ, PLAAF đang đặt cược rằng họ có thể phát triển được các loại máy bay chiến đấu ưu việt hơn, số lượng lớn hơn và đào tạo được các phi công xuất sắc hơn người Mỹ.

Tuy nhiên, bất chấp sự tăng trưởng bùng nổ của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc kể từ cuối những năm 1990, trong năm 2018, các công ty Mỹ vẫn sản xuất ra máy bay chiến đấu với số lượng nhiều hơn và đa dạng hơn về chủng loại.

Tập đoàn máy bay Thành Đô Trung Quốc gần đây đã chế tạo được khoảng 20 tiêm kích tàng hình J-20, kể từ khi nguyên mẫu đầu tiên của nó cất cánh vào năm 2011.

Trong khi đó, Không quân Mỹ hiện sở hữu khoảng 180 tiêm kích tàng hình F-22 và 200 tiêm kích F-35, đồng thời vẫn tiếp tục mua mới F-35 với bình quân khoảng 40 chiếc mỗi năm.

Bên cạnh đó, Không quân Mỹ còn có kế hoạch tăng năng suất sản xuất F-35 lên 60 chiếc mỗi năm, kể từ năm 2024.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại