Phía sau vụ va chạm trên biển Hoa Đông tối 30/3: Tàu Trung Quốc đã chủ động đâm tàu Nhật Bản?

Thu Thủy |

Tối ngày 30/3, trên hải phận quốc tế thuộc vùng biển Hoa Đông đã xảy ra vụ va chạm giữa một tàu cá của Trung Quốc với một tàu khu trục lớn của Nhật Bản. Điều khó hiểu là vụ va chạm đã khiến chiếc khu trục hạm 5.900 tấn bị thủng một lỗ dài 1 mét, rộng 20 cm ở sườn trái trong khi chiếc tàu cá Trung Quốc không hề hấn gì. Điều gì đã xảy ra?

Theo Đa Chiều, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật rất phức tạp, không thể được thể hiện đơn giản bằng từ "hữu hảo" hay "không hữu hảo".

Mới gần đây, hồi tháng 2, khi Vũ Hán bùng phát nghiêm trọng dịch bệnh COVID-19, Nhật Bản đã quyên góp ủng hộ một loạt vật tư, trên các thùng đều dán câu thơ "Sơn xuyên dị vực, phong nguyệt đồng thiên" (Sông núi khác nhau, nhưng trăng gió cùng trời) của Hoàng tử Nhật Bản Nagaya thế kỷ 14 làm lay động trái tim bao người dân Trung Quốc.

Sự tan vỡ tình cảm giữa dân chúng Trung Quốc và Nhật Bản do những vấn đề ân oán lịch sử trong Thế chiến II dường như đã được hàn gắn và bù đắp ở một mức độ nào đó.

Nhưng vào cuối tháng 3, tức là chỉ hơn một tháng sau, một vụ va chạm tàu đã xảy ra ở Biển Hoa Đông giữa các tàu Trung Quốc và Nhật Bản.

Văn phòng tham mưu liên quân Cục Phòng vệ Nhật Bản ngày 30/3 đã thông báo: vào khoảng 20h28 giờ địa phương, tàu khu trục Shimakaze đã va chạm với một tàu đánh cá Trung Quốc ở hải phận quốc tế trên biển Hoa Đông.

Đài Truyền hình Nhật Bản NHK cho biết, vụ va chạm đã gây ra lỗ thủng dài 1 mét và rộng 20 cm độ cao 5 mét trên phía sau mạn trái tàu Shimakaze, không có thương vong cho thủy thủ đoàn. 13 người trên tàu đánh cá Trung Quốc cũng không có vấn đề gì lớn.

Cả hai tàu đều có thể tiếp tục hành trình sau đó. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 31/3 khi trả lời câu hỏi về vụ việc, nói rằng sự cố khiến một ngư dân bị thương ở thắt lưng và cảnh sát biển của Trung Quốc đã đến hiện trường để xử lý.

Phía sau vụ va chạm trên biển Hoa Đông tối 30/3: Tàu Trung Quốc đã chủ động đâm tàu Nhật Bản? - Ảnh 2.

Tàu cá vỏ thép cỡ nhỏ của Trung Quốc (Ảnh: Tiexue).

Trước hết, tại sao giữa đại dương mênh mông hai tàu lại đâm va vào nhau được? Mặc dù thời điểm xảy ra vụ va chạm là vào khoảng 20h30 ngày 30/3 theo giờ địa phương (19h30 ngày 30 giờ Bắc Kinh), tức sau khi mặt trời lặn, nhưng trên đại dương, các vụ va chạm giữa tàu và tàu trừ khi do cố ý, nếu không cơ hội là rất nhỏ.

Do đó, nếu nói đây hoàn toàn là một tai nạn ngoài ý muốn thì không ai chấp nhận được.Mặc dù sau đó, cả Trung Quốc và Nhật Bản dường như đều thể hiện sự kiềm chế và lý trí trong quá trình xảy ra vụ việc. Nhưng qua các thông báo chính thức, vẫn thấy bộc lộ nhiều chi tiết khiến người ta quan tâm.

Thứ hai, chiếc tàu đánh cá nhỏ đã đâm thủng chiếc tàu chiến lớn. Điều này còn kỳ quái hơn. Cần phải biết rằng các vụ va chạm của hai tàu trên biển, lợi thế tuyệt đối luôn ở phía tàu trọng tải lớn.

Theo các thông tin từ nhiều cơ quan truyền thông, tàu khu trục Shimakaze (số hiệu DDG-172) là tàu khu trục tên lửa dẫn đường thế hệ thứ ba của Lực lượng phòng vệ trên biển (Hải quân) Nhật Bản.

Nó là chiếc thứ 2 trong hai tàu khu trục lớp Hatakaze, được đưa vào hoạt động năm 1988, có chiều dài 150 mét và chiều rộng 16,4 mét. Vũ khí chính tương tự tàu khu trục lớp Tachikaze, với lượng giãn nước đầy tải là 5.900 tấn.

Thông tin cụ thể về tàu cá Trung Quốc không được tiết lộ. Một bài báo trên Internet nói tàu cá của Trung Quốc có lượng giãn nước khoảng 100 tấn, chưa được xác nhận bởi các tin tức chính thức.

Theo thông tin công khai, "các tàu đánh cá cỡ vừa và nhỏ thường hàng chục đến hàng trăm tấn; tàu đánh cá lớn lên tới 1.000 tấn"; tàu khu trục Shimakaze đã bị đâm thủng, và thủy thủ đoàn Trung Quốc trên tàu đánh cá chỉ có "13 người" ; có thể phán đoán tàu cá Trung Quốc có nhiều khả năng là tàu đánh cá đại dương vỏ thép, nhưng theo số lượng nhân viên, có thể không phải là loại "lên tới 1 ngàn tấn".

(Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng có thể đây là tàu của lực lượng dân binh vũ trang trên biển của Trung Quốc).

Thứ ba, ai đâm ai? Phía Nhật Bản đưa tin tàu Shimakaze bị thủng một lỗ có chiều dài 1 mét và rộng 20 cm ở vị trí cao 5 mét ở mạn bên trái phía sau. Một vị trí bị hư hại như vậy cho thấy rõ ràng tàu chiến Nhật Bản là phía bị đâm. Vậy tại sao tàu đánh cá Trung Quốc lại chủ động tấn công tàu Nhật? Câu trả lời nằm ở sau đây.

Phía sau vụ va chạm trên biển Hoa Đông tối 30/3: Tàu Trung Quốc đã chủ động đâm tàu Nhật Bản? - Ảnh 4.

Mỏ dầu Long Tỉnh (gạch màu đỏ), nơi xảy ra vụ đâm va ở phía Bắc vị trí này - theo FNN.


Thứ tư, tại sao tàu chiến Nhật Bản xuất hiện ở "biển gần Trung Quốc"? Theo các thông tin trên báo chí, vùng nước xảy ra sự cố nằm cách Yakushima, tỉnh Kagoshima, Nhật Bản khoảng 650 km về phía tây.

Mạng tin tức FNN (Fuji News Network) nói, vị trí này nằm ở phía bắc mỏ dầu và khí đốt Longjing (Long Tỉnh, tên tiếng Nhật: Hagi). Ngoài ra, có cư dân mạng Trung Quốc căn cứ tin tức tiến hành định vị phát hiện ra nơi xảy ra vụ va chạm cách Thượng Hải, Trung Quốc 200 km và chỉ cách Chu Sơn, Chiết Giang, hơn 100 km.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 31/3 đã nói tại cuộc họp báo rằng "vùng biển xảy ra vụ việc thuộc vùng biển gần Trung Quốc" (Trung Quốc cận hải). Mục đích của tàu chiến Nhật Bản đi vào một vị trí nhạy cảm như vậy là gì? Tại sao họ lại lặng lẽ rời đi sau khi bị tàu đánh cá Trung Quốc đâm phải?

Theo RFI tiếng Trung, một số nhà phân tích quân sự cho rằng không loại trừ rằng vụ va chạm là "do phía Trung Quốc cố ý" vì tàu chiến Nhật Bản vào quá gần vùng biển ngoài khơi của Trung Quốc, cũng là vùng nước nhạy cảm của PLA.

Một nhà phân tích quân sự, người không được nêu tên, đã nói với một phóng viên của CNA rằng từ hiện trường vụ việc, tàu chiến Nhật Bản có liên quan đã vào gần Thượng Hải, Ninh Ba và quần đảo Chu Sơn. Ông nói rằng đây là một khu vực nhạy cảm.

Bộ Tư lệnh Hạm đội Đông Hải của PLA được đặt tại Ninh Ba. Ngoài ra còn có nhiều căn cứ hải quân ở quần đảo Chu Sơn và có tàu ngầm ra vào.

Theo nhà phân tích này, nhìn chung các tàu chiến nước ngoài không nên vào quá gần vùng biển ngoài khơi của các quốc gia khác và họ không hiểu tại sao tàu chiến Nhật Bản lại vào rất gần, chứ chưa nói đến những khu vực nhạy cảm như vậy.

Phía sau vụ va chạm trên biển Hoa Đông tối 30/3: Tàu Trung Quốc đã chủ động đâm tàu Nhật Bản? - Ảnh 5.

Tàu đánh cá vở thép loại lớn của Trung Quốc (Ảnh: Tiexue).


Theo nhà phân tích quân sự này, dường như khu vực xảy ra tai nạn không phải là ngư trường của ngư dân Trung Quốc đại lục. Dựa trên phân tích các thông tin liên quan, lần này tàu đánh cá Trung Quốc đã cố ý đâm tàu chiến Nhật Bản.

Ông suy đoán rằng các mối quan hệ Trung - Nhật hiện tại đang được cải thiện và Trung Quốc có thể tính đến điều này, nhưng không chấp nhận các tàu chiến Nhật Bản vào quá gần với vùng biển của Trung Quốc nên đã áp dụng phương pháp này.

Theo báo chí Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh nói vùng nước xảy ra vụ việc nằm ở vùng biển Hoa Đông phía đông Chu Sơn, Chiết Giang, thuộc vùng biển gầnTrung Quốc; Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại với phía Nhật Bản về vấn đề này.

Trung Quốc và Nhật Bản là những người khổng lồ ở Đông Á, nhưng do các vấn đề lịch sử, tranh chấp lãnh thổ và sự đối đầu giữa các cường quốc, họ không hòa thuận và duy trì trạng thái "lạnh về chính trị, nóng về kinh tế" trong suốt một thời gian dài.

Tuy nhiên, quan hệ Trung - Nhật đã thay đổi kể từ chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào năm 2018. Trong đại dịch COVID-19 lần này, Trung Quốc và Nhật Bản đã hỗ trợ lẫn nhau, làm dịu bớt mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước kể từ sau sự kiện đảo Điếu Ngư/Senkaku năm 2012.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vốn dự kiến sẽ thăm Nhật Bản với tư cách là quốc khách vào tháng 4/2020, nhưng do dịch bệnh COVID-19, ngày 5/3, hai bên buộc phải cùng tuyên bố lui lại lịch trình chuyến thăm.

Sự cố ở biển Hoa Đông lần này thực sự khiến người ta ngạc nhiên. Tuy nhiên, sau sự cố cả hai bên dường như có xu hướng xử lý nhẹ vấn đề, nhưng nhiều điểm nghi ngờ vẫn khiến dư luận lo ngại về việc quan hệ Trung - Nhật có thể có thêm nhiều biến số nữa hay không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại