Phát hiện: Dơi có thể là vật chủ của hơn 3.200 loài virus corona chưa từng được phát hiện!

Nguyễn Hồng Duyên (Nhóm Y học cộng đồng) |

Các nhà khoa học đã phát hiện ra sáu loại virus corona chưa từng được biết tới trên những con dơi ở một số vùng của Myanmar.

Đây vốn là nơi con người gần gũi với các loài động vật hoang dã do hậu quả của nông nghiệp, nạn phá rừng và sự hủy hoại hệ sinh thái. Thông tin vừa được công bố công khai trên tạp chí PLOS ONE.

Còn theo một nghiên cứu năm 2017, loài dơi có thể là vật chủ của hơn 3.200 loại virus corona chưa từng được phát hiện.

Loài dơi hoang dã đem lại lợi ích cho con người ở nhiều khu vực trên thế giới, như thụ phấn cho cây trồng, kiểm soát côn trùng có hại và thải phân trong các hang động để nông dân sử dụng làm phân bón. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng dơi còn là vật chủ của hàng nghìn loại virus corona chưa được phát hiện gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Phát hiện: Dơi có thể là vật chủ của hơn 3.200 loài virus corona chưa từng được phát hiện! - Ảnh 1.

Các quan chức y tế kiểm tra dơi bị tịch thu và tiêu hủy sau khi dịch coronavirus bùng phát tại một chợ động vật hoang dã ở Solo, Trung Java, Indonesia, hôm 14/3/2020. (Ảnh AP)

Bằng chứng là các loại virus corona gây bùng phát đại dịch SARS vào năm 2002-2003, đại dịch MERS vào năm 2012 và gần đây nhất là đại dịch COVID-19 toàn cầu khởi phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 12/2019 vừa qua.

Virus corona là một loài vi-rút có RNA có vỏ ngoài protein và chất béo. Chúng thường lây nhiễm qua đường hô hấp và đường tiêu hóa của động vật có vú và chim.

Virus corona gây ra đại dịch COVID-19 còn có tên gọi là SARS-CoV-2. Chúng có 96% đặc điểm di truyền trùng với một loại virus khác được tìm thấy ở dơi. Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng SARS-CoV-2 có thể bị lây nhiễm từ loài dơi sang con người, có thể thông qua trung gian là loài tê tê.

Phá vỡ sinh thái

Cựu bác sĩ thú y Marc Valitutto, tác giả chính của nghiên cứu nói trên,  hiện đang làm việc cho Chương trình Sức khỏe Toàn cầu tại Viện Thú y và Bảo tồn Sinh học Quốc gia Smithsonian ở Washington DC cho biết: " Càng tiếp xúc gần gũi với các loài động vật hoang dã như phá vỡ hệ sinh thái, phá rừng làm nông nghiệp thì càng tăng nguy cơ virus lây nhiễm từ động vật sang người"

Trong một tuyên bố, ông Valitutto nhấn mạnh: "Trên toàn thế giới, con người đang tiếp xúc với động vật hoang dã ngày càng thường xuyên, cho nên chúng ta càng hiểu về các loại virus này ở động vật, hiểu điều gì khiến chúng biến đổi và cách chúng lây lan sang loài khác nhiều bao nhiêu thì càng giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh bấy nhiêu."

Chương trình Sức khỏe Toàn cầu là một phần của sáng kiến mang tên PREDICT ​​do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ nhằm phát hiện các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan từ động vật sang người.

Chương trình này đã tập hợp các nhà khoa học đến từ Smithsonian, Trường Đại học California, Davis và các nhà khoa học ở Myanmar.

Đầu tiên, họ xác định ba địa điểm nơi con người tiếp xúc gần gũi hơn với các loài động vật hoang dã do chuyển đổi sử dụng đất và mục đích phát triển đất đai.

Hai trong số đó là các hệ thống hang động, nơi con người thường xuyên tiếp xúc với dơi qua việc thu gom phân của chúng, hoạt động tôn giáo và du lịch sinh thái.

Mối đe dọa với những người thu gom và sử dụng phân dơi

Trong khoảng năm 2016 - 2018, các nhà khoa học đã tiến hành bắt dơi, thu thập mẫu nước bọt và thả chúng ra. Họ cũng thu thập mẫu phân dơi tươi ở các tầng và lối vào của hang động.

Trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học sàng lọc hơn 750 mẫu nước bọt và mẫu phân của loài dơi để tìm trình tự gen của virus corona. Bằng cách so sánh chúng với gen của những loại virus corona đã biết, họ đã xác định được 6 loại virus corona mới.

Tuy nhiên, các tác giả này nhấn mạnh rằng các loại virus corona mới được phát hiện này không có mối liên hệ gần gũi nào với các loại virus corona gây ra SARS, MERS hay COVID-19.

Họ cũng không đề cập tới việc 6 loại virus corona mới được phát hiện này liệu có khả năng gây bệnh nghiêm trọng ở người hay không.

Bà Suzan Murray, giám đốc Chương trình Sức khỏe Toàn cầu của Smithsonian, đồng tác giả của nghiên cứu này nói: "Nhiều loại virus corona có thể không gây bệnh cho người, nhưng nếu sớm xác định được các loại bệnh này từ động vật thì chúng ta sẽ có cơ hội quý giá để điều tra về mối đe dọa tiềm tàng này".

Việc giám sát kỹ lưỡng, nghiên cứu và giáo dục là những công cụ tốt nhất giúp ngăn chặn những đại dịch trước khi chúng xảy đến.

Các nhà nghiên cứu tìm thấy các mẫu phân tươi chứa đầy virus corona. Đây là gợi ý cho thấy phân có thể là con đường lây truyền virus quan trọng từ loài dơi sang con người và là mối đe dọa sức khỏe đặc biệt với những người thu gom và sử dụng phân dơi làm phân bón.

Các bệnh truyền nhiễm mới nổi

Bệnh truyền nhiễm ở người bắt nguồn từ các loài động vật có tên gọi là zoonoses.

Các nhà nghiên cứu ước tính 60%-75% bệnh truyền nhiễm mới nổi là bệnh truyền nhiễm ở người bắt nguồn từ các loài động vật. Hơn 70% bệnh zoonoses có thể do bắt nguồn từ các loài động vật hoang dã, chẳng hạn như dơi.

Họ khuyến nghị giám sát chặt chẽ các quần thể dơi có tiếp xúc gần gũi với con người để xác định các mối đe dọa sức khỏe trong tương lai.

Trong một báo cáo, họ kết luận rằng: "Chuyển đổi sử dụng đất có thể sẽ khiến con người gần gũi hơn với loài dơi, tăng khả năng tiếp xúc và lan truyền bệnh virus sang người và làm xuất hiện các loài virus bắt nguồn từ động vật lây truyền sang người."

Việc lan truyền virus từ động vật sang người rất đáng lo ngại cho sức khỏe cộng đồng, nhất là khi đại dịch SARS-CoV và MERS-CoV đang nhắc nhở chúng ta về khả năng gây bệnh chưa rõ của 6 loại virus corona ở loài dơi như nghiên cứu nói trên.

Tác giả: James Kingsland (MedicalNewsToday)

Nguyễn Hồng Duyên (Nhóm Y học cộng đồng) chuyển ngữ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại