Hai tuần trở lại đây, L.V.K (30 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội) thấy ngứa họng, cảm giác có vật gì rất vướng mỗi khi nhai nuốt thức ăn. Vị trí kẽ chân răng, dây hãm lưỡi mọc u nhú, ngày càng to, dễ chảy máu.
Từ ngày xuất hiện u nhú ở miệng, K có cảm giác hôi miệng, ăn uống sinh hoạt khó khăn và rất lo lắng. Quá hoảng sợ, K đến khám tại bệnh viện răng hàm mặt nhưng được bác sĩ giới thiệu sang chuyên khoa da liễu. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán K mắc bệnh sùi mào gà. Căn bệnh này chủ yếu lây qua đường tình dục.
Người đàn ông mọc mụn trong miệng. Ảnh: BSCC
Chia sẻ sâu hơn về nguồn lây, anh K chia sẻ trong 1 lần đi bar cùng bạn bè, do uống quá chén, vui vẻ nên đã quen 1 người phụ nữ trên quán bar, có ôm, hôn môi người phụ nữ đó. Anh khẳng định chỉ hôn chứ không quan hệ tình dục. Sau 2 tuần đi bar, K thấy bắt đầu xuất hiện tổn thương ở miệng.
Nguyên nhân gây sùi mào gà
Theo Ths.BS CKII Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam, sùi mào gà (Genital Warts) là một bệnh lý u nhú ở người lây qua đường tình dục, do virus HPV (Human Papilloma Virus) gây ra. Đây là một loại virus DNA sợi kép, hiện nay đã tìm ra hơn 130 type. Sùi mào gà ở người lớn thường do HPV type 6 và 11 gây ra, ngoài ra còn do type 16 và 18 - 2 chủng HPV nguy cơ cao gây ung thư phổ biến nhất hiện nay.
Hiện nay đường lây của sùi mào gà rất đa dạng (quan hệ tình dục, da niêm mạc tiếp xúc với dịch tiết chứa virus), vị trí mắc sùi mào gà có thể ở vùng sinh dục, hậu môn, miệng, và mí mắt.. Một số bệnh nhân chưa quan hệ thực sự vẫn có thể mắc bệnh này.
Sùi mào gà bắt đầu bởi biểu hiện tổn thương sẩn mềm màu da, hồng hoặc màu nâu, đường kính khoảng một vài mm. Sau vài tuần đến vài tháng, các tổn thương có thể hợp lại thành mảng lớn hơn hay còn được gọi “tổn thương dạng súp lơ - mào gà”.
Ở nam, sùi mào gà thường gặp ở vị trí quanh hậu môn và ít thấy ở thân dương vật. Ở nữ có thể gặp ở quanh hậu môn, âm hộ, màng trinh, phía ngoài âm đạo và khu vực quanh lỗ niệu đạo. Một vài trường hợp có thể gặp ở bên trong niêm mạc âm đạo và trực tràng.
Ngoài ra, sùi mào gà có thể xuất hiện ở vị trí niêm mạc, bán niêm mạc khác: mắt, miệng (lưỡi, kẽ chân răng, niêm mạc má…). Sùi mào gà thường ít có triệu chứng cơ năng, có thể gây ngứa, đau hoặc chảy máu.
Chẩn đoán xác định bệnh sùi mào gà chủ yếu dựa trên triệu chứng lâm sàng. Một số trường hợp lâm sàng không rõ có thể làm thêm giải phẫu bệnh và PCR HPV.
Những người dễ bị nhiễm HPV thường là những người có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ tình dục đồng giới, quan hệ tình dục thô bạo, vệ sinh kém, người suy giảm miễn dịch,... Ngoài mắc HPV, đôi khi bệnh nhân dễ đồng nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như: lậu, giang mai, Chlamydia, HIV…
Bệnh nhân đi khám sau khi phát hiện những dấu hiệu lạ trên cơ thể. Ảnh: BSCC
Cách phòng bệnh sùi mào gà
Để phòng bệnh sùi mào gà, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp quan hệ tình dục an toàn.
Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để chị em chủ động phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này. Vắc xin phòng HPV khá an toàn và có thể đem lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ trẻ em, phụ nữ và nam giới tránh khỏi những căn bệnh liên quan đến virus HPV.
Bác sĩ khuyến cáo nên tiêm vắc xin HPV trong độ tuổi 9-26 để được bảo vệ trước khi phơi nhiễm loại virus này.
Khi có biểu hiện nghi ngờ bị bệnh, cần đến các cơ sở chuyên khoa da liễu, sản phụ khoa để khám và điều trị kịp thời. Cần khám sức khỏe định kỳ, kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường (lâm sàng, xét nghiệm) để xử lý sớm, hiệu quả, tránh lây lan cho người khác, và đặc biệt tránh được nguy cơ biến chứng lâu dài.