Bầu Kiên gửi tòa 118 trang viết tay và 32 câu hỏi

ĐỨC MINH |

“Đề nghị tòa phúc thẩm tuyên tôi không phạm tội kinh doanh trái phép” bầu Kiên nói.

Ngày 1-12, ngày thứ hai của phiên xử Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và đồng phạm, HĐXX tập trung thẩm vấn làm rõ hành vi kinh doanh trái phép của bị cáo này.

Bầu Kiên nhiều lần nói nhầm giữa tòa phúc thẩm và sơ thẩm khiến HĐXX phải nhắc bị cáo giữ bình tĩnh. “Tôi bị huyết áp cao, nhịp tim nhanh, lại bị giam dài nên rất xúc động. Nhưng tôi tin tôi sẽ giữ được bình tĩnh” - bị cáo này nói.

Bầu Kiên xin khiếu nại bổ sung

9 giờ 15 sáng, HĐXX yêu cầu đưa bầu Kiên từ nơi cách ly vào phòng xử để thẩm vấn. Tòa nhắc bầu Kiên: “Đơn của bị cáo dài 118 trang, HĐXX đều nghiên cứu kỹ từng nội dung. 26 trang bị cáo gửi VKS, HĐXX cũng đã nghiên cứu.

Tại tòa, bị cáo tránh dài dòng văn tự, nói nhiều bị cáo cũng mệt, người nghe cũng mệt. Tòa sẽ dành thời gian cho bị cáo trình bày trong phần tranh luận”.

Bầu Kiên sau đó xin phép gửi đơn khiếu nại bổ sung, vì 118 trang viết tay trong trại giam khó đọc và có thể có trích dẫn không chính xác.

“Tôi đã chuẩn bị phần khiếu nại về toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm, nội dung để tranh luận lại với đại diện VKS về bản cáo trạng số 10, phần tự bào chữa của tôi tại tòa và lời nói sau cùng.

Tôi mong muốn HĐXX và ông chủ tọa cho phép tôi trình bày cả bốn nội dung. Có thể phần trình bày của tôi là dài nhưng bản án 30 năm đối với người không phạm tội là rất dài...” - bầu Kiên nói thêm.

HĐXX yêu cầu bầu Kiên tập trung vào nội dung kinh doanh trái phép, những nội dung khác sẽ lần lượt trình bày sau. “Tôi có 32 câu hỏi tranh luận với VKS xin được trình bày sau. Đề nghị tòa phúc thẩm tuyên tôi không phạm tội kinh doanh trái phép” - bị cáo nói.

Bầu Kiên ngoái nhìn vợ chiều 1-12 trước khi về trại giam. Ảnh: ĐỨC MINH
Bầu Kiên ngoái nhìn vợ chiều 1-12 trước khi về trại giam. Ảnh: ĐỨC MINH

Định nghĩa khác nhau?

Tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bầu Kiên 20 tháng tù về tội kinh doanh trái phép với hai hành vi: Thứ nhất, góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp và ngân hàng thông qua năm công ty; thứ hai, kinh doanh giá vàng tại Công ty Thiên Nam.

Bầu Kiên cho rằng tòa sơ thẩm đã không mô tả đầy đủ hoạt động mua cổ phần của năm công ty, cụ thể những công ty này đều được thành lập theo đúng quy định pháp luật.

Năm công ty khi góp vốn, mua cổ phần thành lập các doanh nghiệp khác thì không chỉ có công ty này mà có cả những công ty khác. “Khi tôi bị bắt, HĐQT bán những cổ phần này cho các DN khác để trả nợ.

Những DN mới mua cũng không đăng ký ngành nghề kinh doanh cổ phần, cổ phiếu.

Sau khi tòa sơ thẩm kết thúc và tòa phúc thẩm được mở, chưa có bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào tuyên thu hồi giấy phép kinh doanh của năm công ty nói trên do hoạt động không đúng pháp luật” - bầu Kiên nói.

Theo bị cáo này, Điều 4 Luật DN quy định rất rõ hai khái niệm kinh doanh là gì, góp vốn là gì và hai khái niệm này được định nghĩa hoàn toàn khác nhau.

Theo đó, góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty chứ không phải là tạo ra hàng hóa sinh lợi cung ứng dịch vụ trên thị trường như việc kinh doanh.

Luật cũng quy định rõ hoạt động đầu tư tuân theo quy định của Luật Đầu tư và Điều 21, Điều 26 Luật Đầu tư quy định thế nào là đầu tư.

“Tòa sơ thẩm đưa ra một khái niệm mới về kinh tế là “kinh doanh dịch vụ tài chính núp dưới hình thức đầu tư mua cổ phần, cổ phiếu”.

Theo ý kiến của cá nhân tôi, tòa sơ thẩm đã “sửa” Luật DN một cách bất hợp pháp, vi hiến” - cựu phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng Á châu (ACB) nói.

“Tòa sơ thẩm cũng nhận định các công ty này được thành lập để phát hành trái phiếu, đầu tư nhằng nhịt, đầu tư chéo gây bất ổn định xã hội. Tôi khẳng định không có bất kỳ khoản đầu tư chéo nào cả.

Những công ty tôi đã thành lập đang tiếp tục hoạt động tốt và đóng góp cho xã hội tích cực” - bầu Kiên trình bày.

Chỉ kinh doanh vàng tài khoản?

Bầu Kiên cho biết Thiên Nam là công ty duy nhất tại Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập (năm 1995).

“Tòa sơ thẩm cho rằng “Thiên Nam không có chức năng kinh doanh vàng, việc kinh doanh vàng là trái phép” là nhận định sai lầm” - bầu Kiên nói.

Theo bầu Kiên, Thiên Nam có giấy phép mua bán hàng hóa.

Theo Luật Thương mại và Nghị định số 59 (phụ lục 3, danh mục A, số thứ tự 15), tất cả động sản là hàng hóa. Do đó, Thiên Nam được quyền kinh doanh tất cả loại hàng hóa là động sản.

Việc kinh doanh vàng tại thời điểm 2009 và 2010 có ba văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, đó là Pháp lệnh Ngoại hối,

Nghị định 174 và Thông tư 1168 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Ngoài ra còn có Quyết định 03 của NHNN về kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài.

Nghị định 174 quy định ba trường hợp kinh doanh vàng phải xin phép NHNN. Chi tiết hơn, Thông tư 1168 quy định các loại vàng phải xin phép NHNN, trong đó không có cái nào liên quan đến trạng thái giá vàng.

Bầu Kiên nói: “Tôi khẳng định không phải bất cứ kinh doanh vàng nào cũng là kinh doanh có điều kiện”.

Theo bầu Kiên, loại sản phẩm mà Công ty Thiên Nam ký và nhận chuyển giao từ VietBank và tiếp tục thực hiện với ACB từ khi bắt đầu đến khi kết thúc đều là trạng thái âm.

Số liệu 11.000 tỉ đồng mà VKS và HĐXX nêu đó chỉ là trạng thái quy mô giao dịch mua bán, bởi thực tế không có thanh toán nào được thực hiện, không có lượng vàng nào được chuyển giao trong giai đoạn 2009-2010.

Kinh doanh với trạng thái âm thì không phù hợp với kinh doanh trái phép vì nếu bị truy tố thì phải có trạng thái dương từ trên 500 triệu đồng trở lên…

16 giờ chiều, HĐXX tuyên bố kết thúc sớm ngày làm việc thứ hai để tránh giờ cao điểm khi dẫn giải các bị cáo về nơi giam giữ. Hôm nay (2-12) tòa tiếp tục phần xét hỏi.

Bầu Kiên sút 25 kg

Cuối phiên xử buổi sáng, bầu Kiên phải xin phép HĐXX được ngồi để trả lời các câu hỏi của tòa.

Trong khi đó, tại phiên sơ thẩm, dù được cho phép ngồi, bị cáo này đã từ chối, xin được đứng để thể hiện sự tôn trọng HĐXX.

Luật sư cho biết bầu Kiên đã sụt giảm 25 kg so với thời điểm bị bắt.

Trong một diễn biến khác, đầu giờ sáng, chủ tọa hỏi về tình hình sức khỏe của bị án Trần Ngọc Thanh, người bị đột quỵ trong phiên xử ngày 28-11.

Một người trong phòng xử đứng dậy cho biết bị án Thanh vẫn đang nằm ở BV Bạch Mai, hiện chưa rõ tình hình sức khỏe ra sao.

(Ông Thanh sinh năm 1952, nguyên giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội, bị tòa sơ thẩm kết án năm năm sáu tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông không kháng cáo nên án phạt ông có hiệu lực pháp luật.)

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại