Pháo chiến Kim Môn: Chiến sự diễn ra ác liệt, Mỹ nhảy vào trợ giúp Đài Loan (kỳ 2)

Thu Thủy |

VietTimes – Pháo binh Trung Quốc bất ngờ trút đạn tập kích, phía Đài Loan thiệt hại nặng nề; nhưng sau khi Mỹ nhảy vào trợ giúp, tình hình dần thay đổi... Các đảo Kim Môn, Mã Tổ...vẫn được Đài Loan giữ vững...

5h30’ sáng ngày 23/8/1958. Tướng Thạch Nhất Thần, Phó Tham mưu trưởng Đại quân khu Phúc Châu ra lệnh bắt đầu pháo kích cụm đảo Kim Môn, hơn 600 khẩu pháo nhất tề nhả đạn dội bão lửa trùm lên đảo Kim Môn.

Trong vòng 2 giờ đầu tiên đã có hơn 40 ngàn viên đạn pháo được bắn đi; tổng cộng cả ngày bắn hơn 57 ngàn quả đạn, đều là loại pháo nòng dài và pháo lựu cỡ nòng 155mm, 175mm.

Do bị bất ngờ nên phía Quốc Dân Đảng Đài Loan bị thương vong hơn 440 người. Lúc 18 giờ, Phòng ăn Bộ Tư lệnh phòng thủ Kim Môn bị trúng đạn, 2 Trung tướng Phó tư lệnh Chương Kiệt và Triệu Gia Nhượng đều chết tại chỗ, một Phó tư lệnh khác là Cát Tinh Văn bị thương nặng rồi cũng chết 3 ngày sau đó; Tư lệnh Hồ Liên, Tham mưu trưởng Lưu Minh Khuê và Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Du Đại Duy khi đó đang đến thị sát Kim Môn đều bị thương; 65 ngôi nhà bị phá hủy và hư hại.

Các sở chỉ huy, đài quan sát, trung tâm giao thông, trận địa pháo, công sự quan trọng đều bị trúng đạn. May cho tổ cố vấn quân sự Mỹ tại đây không ai hề hấn gì.

Pháo chiến Kim Môn: Chiến sự diễn ra ác liệt, Mỹ nhảy vào trợ giúp Đài Loan (kỳ 2) - Ảnh 1.

Nhà cửa trên đảo Kim Môn bị hư hại nghiêm trọng do trúng đạn pháo của Trung Quốc đại lục (Ảnh: Tư liệu).

Vụ pháo kích bất ngờ khiến người Mỹ phẫn nộ, Ngoại trưởng J. Dulles cảnh cáo: nếu Trung Quốc mưu đồ đánh chiếm Kim Môn, Mã Tổ, Mỹ sẽ coi là hành vi đe dọa hòa bình.

Ngày hôm sau, pháo binh Trung Quốc tiếp tục tập trung nã vào cầu tàu ở vịnh Liệu La, sân bay quân sự Thượng Nghĩa, Kim Môn và các trận địa pháo.

Pháo binh Đài Loan tiến hành phản pháo mãnh liệt, sau đó hỏa lực của Đại Lục giảm dần. Đến các ngày 7/9 và 18/9 phía Đại Lục lại khôi phục hỏa lực pháo kích mãnh liệt nhằm vào cảng Thủy Đầu, ngăn chặn tiếp tế đường biển, đường không nhằm mục đích phong tỏa đảo Kim Môn.

Ngày 24/8, các tàu phóng lôi Trung Quốc tấn công đánh chìm tàu đổ bộ Đài Sinh của Đài Loan khiến hơn 200 người chết; bắn hỏng tàu đổ bộ tăng Trung Hải khiến 8 người chết, 23 người bị thương; nhưng phía Trung Quốc cũng bị chìm tàu phóng lôi số 175.

Pháo chiến Kim Môn: Chiến sự diễn ra ác liệt, Mỹ nhảy vào trợ giúp Đài Loan (kỳ 2) - Ảnh 2.

Lính Đài Loan ở Kim Môn bị thương do đạn pháo (Ảnh: Life).

Để đối phó lại sự tấn công mãnh liệt của Trung Quốc, ngày 24/8, Nhà Trắng họp khẩn cấp, tướng Twining, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ trình bày ý kiến của Lầu Năm Góc về cuộc khủng hoảng Kim Môn; cho rằng nếu cần thiết, Mỹ phải giúp quân đội Đài Loan phòng thủ giữ vững 2 đảo Kim Môn và Mã Tổ, ngăn chặn việc quân đội Trung Quốc phong tỏa trên biển.

Ông Twining cho rằng: “Để phòng thủ vững chắc hai đảo này, cần sử dụng vũ khí hạt nhân”.

Ngày hôm sau, Mỹ triển khai Hạm đội 7 để phòng vệ Eo biển Đài Loan; sau đó Hạm đội 7 giúp đỡ hải quân Đài Loan tiếp tế cho Kim Môn, tổ chức một loạt cuộc diễn tập chung giữa quân Mỹ với lục quân, không quân và lính thủy đánh bộ Đài Loan; đồng thời đưa máy bay chiến đấu F-100 cùng 1 tiểu đoàn tên lửa phòng không tới Đài Loan, thành lập Trung tâm chỉ huy tác chiến.

Ngày 4/9, Dulles tuyên bố “Trung Quốc tấn công Kim Môn, Mã Tổ chính là khúc dạo đầu để tiến công Đài Loan, Bành Hồ”.

Ngày 25/8, Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đồng ý phái các tàu chiến Mỹ vận tải tiếp tế hậu cần cho quân đội Quốc Dân Đảng. Ngày 27/8, ông ta phát biểu: “Mỹ sẽ không từ bỏ trách nhiệm với Đài Loan”.

Ngày 28/8, chính phủ Mỹ ra tuyên bố “Mỹ không dung thứ việc tấn công Kim Môn, Mã Tổ”.

Sau đó, Đài Loan tiến hành vận chuyển ban đêm để duy trì tiếp tế hậu cần cho Kim Môn, quân đội Trung Quốc thì dùng tàu chiến và pháo binh, không quân oanh tạc bờ để duy trì sự phong tỏa.

Pháo chiến Kim Môn: Chiến sự diễn ra ác liệt, Mỹ nhảy vào trợ giúp Đài Loan (kỳ 2) - Ảnh 3.

Các cỗ pháo hạng nặng 203mm được Mỹ viện trợ khẩn cấp cho Đài Loan được đưa tới Kim Môn tham chiến (Ảnh: Tư liệu).

Ngày 1/9, tàu tuần dương Đà Giang của Hải quân Đài Loan xuất phát từ cảng Mã Công chở hàng tiếp tế cho Kim Môn, ngày 2/9 gặp và đụng độ với 8 tàu phóng lôi và 2 pháo hạm lớn của hải quân Trung Quốc ở vịnh Liệu La. Tàu Đà Giang đã bắn chìm 2 tàu Trung Quốc nhưng cũng bị hư hại nặng; tàu Duy Nguyên hư hại nhẹ nhưng vẫn hoàn thành được nhiệm vụ vận chuyển hàng tiếp tế.

Ngày 3/9, Hạm đội 7 Mỹ bắt đầu hộ tống các tàu vận tải của hải quân Đài Loan với tuyên bố không xâm phạm vào vùng lãnh hải 3 hải lý của Trung Quốc.

Ngày 4/9, chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố “mọi máy bay và tàu quân sự nước ngoài nếu không được chính phủ Trung Quốc cho phép đều không được tiến vào vùng biển và vùng trời bên trong lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc”.

Tuy nhiên, ngày 7/9, tàu của Hạm đội 7 đã hộ tống tàu của Đài Loan tiếp tế thành công cho Kim Môn, hải quân Mỹ tìm cách tránh giao chiến trực tiếp với hải quân Trung Quốc.

Ngày 8/9, Trung Quốc lại tiến hành pháo kích, mục tiêu trọng điểm là cảng Tân Đầu, Kim Môn. Đạn pháo Trung Quốc đã bắn trúng tàu đổ bộ Mỹ Lạc (LSM 242) đang dỡ hàng làm thương vong 11 người, chiếc tàu bị cháy.

Pháo chiến Kim Môn: Chiến sự diễn ra ác liệt, Mỹ nhảy vào trợ giúp Đài Loan (kỳ 2) - Ảnh 4.

Pháo lựu 203mm của Đài Loan bắn trả sang phía Trung Quốc đại lục (Ảnh: Tư liệu).

Ngày 11/9, quân đội Quốc Dân Đảng ở Kim Môn đã pháo kích dữ dội Ga xe lửa Hạ Môn gây thương vong cho 1 tiểu đoàn lính Trung Quốc.

Ngày 15/9 các đại diện Mỹ và Trung Quốc là Đại sứ hai nước tại Ba Lan hội đàm cấp đại sứ ở Warsaw.

Đại diện Trung Quốc là Đại sứ Vương Bỉnh Nam đưa ra yêu cầu đòi quân đội Quốc Dân Đảng rút khỏi các đảo ven bờ Kim Môn và Mã Tổ, đổi lại Trung Quốc cam kết không truy kích và không tấn công Đài Loan trong một thời gian nhất định.

Sau đó Tổng thống Dwight Eisenhower bày tỏ Mỹ không coi Kim Môn, Mã Tổ nằm trong phạm vi Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ theo “Hiệp ước phòng thủ chung Trung – Mỹ” mà họ ký với chính quyền Đài Loan, yêu cầu Quốc Dân Đảng từ bỏ Kim Môn, đổi lại Mỹ sẽ bù đắp bằng cách giúp trang bị 5 sư đoàn lục quân và cung cấp phương tiện để triệt thoái quân dân ở Kim Môn, Mã Tổ tới Đài Loan. Tuy nhiên đề nghị này của Mỹ đã bị Tưởng Giới Thạch thẳng thừng bác bỏ.

Trung tuần tháng 9, Mỹ viện trợ cho quân đội Quốc Dân Đảng 6 cỗ lựu pháo tự hành M55 cỡ nòng 203mm nặng 44 tấn, có thể bắn quả đạn nặng 92kg đi xa 17km, bàn giao cho tiểu đoàn pháo binh 607 thuộc sư đoàn 1 lục quân Đài Loan tiếp nhận.

Sau khi được huấn luyện 1 tuần tại Đài Loan, số pháo này được chia làm 2 đợt vận chuyển tới đảo Bành Hồ.

Ngày 18 và 21/9, Mỹ đã giúp vận chuyển 6 cỗ pháo khủng này tới đảo Kim Môn. Tàu vận tải cỡ 10 ngàn tấn của Mỹ chở số pháo này tới buông neo cách Kim Môn 3 hải lý rồi dùng 3 tàu đổ bộ chở chúng lên đảo.

Pháo chiến Kim Môn: Chiến sự diễn ra ác liệt, Mỹ nhảy vào trợ giúp Đài Loan (kỳ 2) - Ảnh 5.

Các khẩu pháo tự hành M55 được tàu đổ bộ chở tới đảo Kim Môn (Ảnh: Tư liệu).

Ngày 26/9, 3 khẩu đại pháo M55 đầu tiên tham gia chiến đấu, phá hủy các trận địa pháo của Trung Quốc ở khu vực Vi Đầu; đến 4 giờ chiều, các khẩu pháo Trung Quốc còn sót lại ở đây rút lui về phía sau nhưng vẫn bị hỏa lực của các khẩu M55 truy kích bắn trùm lên.

Ngày 29/9, 3 khẩu M55 còn lại tiếp tục được đưa vào sử dụng, chủ yếu công kích các trận địa pháo và công sự Trung Quốc ở các đảo Đại Đăng và Liên Hà. Ngày 27/9, Kim Môn được Mỹ tăng viện thêm 6 khẩu pháo xe kéo M2 cỡ nòng 203 mm nữa

Đến lúc đó, quân đội Quốc Dân Đảng ở đảo Kim Môn đã có 12 khẩu trọng pháo tầm xa cỡ nòng 203mm.

Về hiệu quả của các khẩu đại pháo 203mm này, tài liệu của 2 bên ghi chép khác nhau nhiều. Tài liệu của Đài Loan ghi:

“Bộ trưởng Quốc phòng Du Đại Duy được báo cáo pháo binh bắn rất chính xác, các công sự pháo của Đại Lục ở Vi Đầu đều bị băm nát, thiệt hại lớn chưa từng có. Sau hơn 1 giờ pháo kích, các khẩu 203mm đã tiêu diệt hơn 40 mục tiêu; sĩ khí của binh lính vì thế tăng mạnh”.

Tư lệnh lực lượng phòng thủ Kim Môn Hồ Liên cũng ghi: “Chỉ hơn 100 quả đạn nã bất ngờ, bằng mắt thường có thể thấy địch ở bờ đối diện pháo tan người chết, khói lửa ngút trời. Quân ta lâu nay bị pháo địch áp chế, nay hoan hô như sấm dậy”.

Một sử gia Đài Loan thời đó phân tích: sau khi 12 khẩu pháo 203mm được đưa vào sử dụng, hỏa lực của quân đội Quốc Dân Đảng đã giành được ưu thế, đẩy pháo binh của Đại Lục vào thế yếu, không thể còn sử dụng pháo binh để phong tỏa Kim Môn hoặc làm suy yếu hình thái phòng ngự của phía Quốc Dân Đảng.

Phía Đại Lục xét thấy đã gặt hái được về chính trị, lại không muốn xung đột dâng cao khiến Mỹ và Liên Xô trực tiếp can dự vào chiến trường khiến ngọn lửa chiến tranh lan xuống khu vực Hoa Nam; vì thế họ liên tiếp tuyên bố “ngừng bắn 1 tuần”, “ngừng bắn 2 tuần” rồi “bắn ngày lẻ, nghỉ ngày chẵn”, dần dần hạ thấp mức độ xung đột.

Pháo chiến Kim Môn: Chiến sự diễn ra ác liệt, Mỹ nhảy vào trợ giúp Đài Loan (kỳ 2) - Ảnh 7.

Đài quan sát pháo binh của Trung Quốc đại lục (Ảnh: Tư liệu).

Phía Trung Quốc đại lục, nhà văn Thẩm Vệ Bình viết, ông đã lục tìm nhiều báo cáo tác chiến, các bức điện, phân tích tình báo và chiến lệ đều không thấy nhắc đến việc quân địch ở Kim Môn sử dụng lựu pháo 203mm, nếu có cũng rất qua loa, mờ nhạt, kém xa việc nói về tên lửa đất đối đất MGM-1 và tên lửa không đối không "Rắn đuôi kêu" AIM-9 cùng biên đội hỗn hợp tàu sân bay.

Các thống kê tổn thất của Trung Quốc sau ngày 26/9 cũng không thấy tình trạng gia tăng đột xuất. Ông phỏng vấn những lính và dân ở Hạ Môn tham gia chiến đấu hồi đó họ đều nói các công sự rất kiên cố, không có chuyện bị pháo của Quốc Dân Đảng phá hủy; cộng thêm xác suất chính xác của pháo 203mm rất hạn chế.

Vả lại sau khi 2 khẩu 203 mm bị pháo Đại Lục phá hỏng, các khẩu còn lại đều ít được sử dụng nữa nên theo ông, phía Đài Loan đã thổi phồng tác dụng và hiệu quả của loại pháo này.

Thẩm Vệ Bình kết luận: “Sự có mặt của lựu pháo 203mm hiển nhiên đã tăng cường việc phòng thủ Kim Môn, nhưng không giúp thay đổi được tình thế chung là “Đại Lục mạnh, Kim Môn yếu” về hỏa lực.

Chắc chắn loại pháo cỡ lớn này đã gây nên rắc rối cho Đại Lục, nhưng không đến mức như Đài Loan tuyên truyền”.

Pháo chiến Kim Môn: Chiến sự diễn ra ác liệt, Mỹ nhảy vào trợ giúp Đài Loan (kỳ 2) - Ảnh 9.

Pháo Trung Quốc bắn phá các tàu Đài Loan trên biển (Ảnh: Tư liệu).

Tờ The New York Times ngày 21/9/1958 đăng bài của một chuyên gia quân sự đề cập đến việc các cỗ pháo tự hành 203mm này có thể bắn đạn hạt nhân; khi đó bị giới quan sát cho rằng “cố ý tiết lộ bí mật” để đe dọa Trung Quốc.

Bị vong lục của Bộ Quốc phòng Mỹ do Công ty RAND soạn thảo cho rằng: việc cung cấp loại pháo 203mm chỉ đơn thuần nhằm gia tăng sức mạnh thông thường cho quân đội Đài Loan mà thôi.

Còn nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại