Theo RT, nỗ lực dùng lực lượng hải quân của Mỹ để ngăn cản việc triển khai hoạt động thương mại của Nga chính là một lời tuyên chiến.
Chủ tịch Uỷ ban Chính sách Thông tin Thượng viện của Nga Aleksey Pushkov đã bình luận như vậy trước ý định của Mỹ trong việc dùng lực lượng hải quân để ngăn chặn tàu chở dầu của Nga đến các thị trường Trung Đông.
Tuyên bố này được ông Pushkov đưa ra không lâu sau khi Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Ryan Zinke cho biết Washington đang xem xét phong tỏa đường biển nhằm ngăn cản Nga vận chuyển năng lượng vào Trung Đông, gây áp lực kinh tế lên nước này.
"Nếu Mỹ phong toả sẽ là một lời tuyên chiến chiểu theo luật pháp quốc tế", ông Aleksey Pushkov bình luận về báo cáo của Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Ryan Zinke rằng Mỹ có thể dùng lực lượng hải quân để ngăn chặn tàu chở dầu của Nga đến các thị trường Trung Đông.
Ông Pushkov bác bỏ tuyên bố của ông Zinke rằng việc mở rộng thương mại là lý do thực sự đằng sau sự can thiệp của Nga vào Syria, gọi đây là "điều hoàn toàn vô nghĩa", ông Aleksey Pushkov cho biết.
"Ý tưởng Nga có khả năng cung cấp năng lượng cho Trung Đông theo nghĩa đen là bán dầu là hoàn toàn không thực tế. Thật vậy, Nga không cung cấp bất kỳ năng lượng nào cho khu vực vốn là một nhà xuất khẩu dầu lớn trên thế giới, và chưa bao giờ công bố kế hoạch như vậy", Thượng nghị sỹ Pushkov nhận định.
"Tôi nghĩ rằng đây là một tuyên bố ngông cuồng và thiếu tầm nhìn. Cần phải hiểu rằng đây không chỉ đơn thuần là áp đặt lệnh trừng phạt. Việc phong tỏa chỉ có thể được thực hiện bằng các biện pháp vũ lực. Nói cách khác, ông Zinke thực sự tuyên bố rằng Mỹ có thể tiến hành hoạt động quân sự chống lại Nga", thượng nghị sỹ Nga Tsekov nhấn mạnh.
"Mỹ sẽ đánh mất vị thế của mình ở Trung Đông. Số lượng các quốc gia quay lưng lại với họ đang ngày càng gia tăng. Và nếu họ hợp tác với Mỹ, đó chỉ là vì Mỹ đang gây áp lực lớn lên họ. Trong khi việc hợp tác với chúng tôi (Nga) trên tinh thần quan hệ đối tác thân thiện.
Chúng tôi tin rằng, những động thái như vậy của Mỹ sẽ càng củng cố vị trí của chúng tôi ở Trung Đông. Tuy nhiên, điều này không liên quan gì tới việc cung cấp năng lượng – đây tuyệt đối là cáo buộc nhảm nhí!", thượng nghị sỹ Tsekov nói.
Nga khẳng định rằng, không như Mỹ hiện diện bất hợp pháp ở Syria, Nga được Chính phủ Syria đề nghị hợp tác để chống khủng bố. Bản thân chính quyền Damascus cũng cáo buộc Washington cung cấp tài chính, vũ khí và huấn luyện các phần tử cực đoan chống lại quân đội Chính phủ Syria.
"Nỗ lực gây áp lực lên Nga sẽ không đưa đến bất kỳ kết thúc tốt đẹp nào, không chừng sẽ dẫn đến bê bối lớn và Mỹ nên hiểu điều đó" - nghị sĩ Franz Klintsevich, thành viên Uỷ ban An ninh Quốc phòng Thượng viện Nga nói với báo giới.
Lâu nay, Mỹ dường như vẫn không hài lòng với thương mại quốc tế của Nga. Washington luôn tìm cách thay thế Moscow làm nhà xuất khẩu khí đốt cho châu Âu bằng cách thúc đẩy xuất khẩu khí tự nhiên hoá lỏng của mình.