Với mục tiêu trả đũa vụ xả súng tại lễ diễu binh ở Ahvaz hôm 22/9, ngày hôm qua lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã bất ngờ thực hiện cuộc không kích lớn vào TP Albu Kamal, Đông Nam Syria.
Khu vực này hiện nằm trong vùng kiểm soát của lực lượng Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đối lập được Mỹ và đồng minh hậu thuẫn.
Vệ binh Cách mạng Iran tuyên bố các tên lửa đã đánh trúng mục tiêu, tiêu diệt một số lãnh đạo SDF, phá hủy các cơ sở hạ tầng và kho dự trữ tiếp tế của lực lượng này. Một quan chức Iran cho hay sẽ nhiều cuộc tấn công khác, mạnh mẽ hơn, sẽ được thực hiện trong thời gian tới.
Đáng chú ý, các loại vũ khí được Iran sử dụng trong cuộc không kích "chấn động" không chỉ gồm 6 tên lửa đạn đạo Qiam và Zulfiqar mà còn có 7 máy bay không người lái "tàng hình" mang bom.
Hãng thông tấn Fars cho hay, chỉ vài phút sau khi tên lửa "cất cánh", 7 UAV của IRGC cũng lên đường bay tới mục tiêu ở Syria.
Vụ không kích bằng UAV sau đó được đăng tải lên mạng xã hội Twitter. Đoạn video ghi lại cảnh một chiếc UAV cất cánh trong đêm ném những quả bom xuống đầu quân khủng bố.
Điều đáng nói, danh tính của loại UAV này chắc hẳn sẽ khiến nước Mỹ "sốc" vì không ngờ mình đã tiếp tay tạo ra loại vũ khí tối tân cho Iran, quốc gia mà Mỹ "ngứa mắt" từ lâu.
Đứa "con riêng xuất sắc" của RQ-170
Theo Fars, một trong số các UAV tham gia cuộc không kích mang tên Saeqeh – "phiên bản nội địa" của thiết kế UAV tàng hình do thám RQ-170 Sentinel của Mỹ (thuộc sở hữu không quân hoặc Cục tình báo CIA) bị Iran bắt sống vào năm 2011.
Các nguồn tin ít ỏi cho hay, Saeqeh là loại UAV chiến đấu thiết kế theo kiểu "thân cánh liền khối" (flying wing) được sản xuất bởi Tổ hợp Công nghiệp hàng không Shahed.
Máy bay không người lái "tàng hình" Saeqeh.
Tuy gọi là "sao chép" RQ-170, thế nhưng giới phân tích cho rằng nó nhỏ và vẫn có sự khác biệt so với UAV tối tân của Mỹ. Đặc biệt, nó thiết kế khoang vũ khí trong thân cho phép mang 4 quả bom liệng thông minh Sadid-345.
Cũng như hầu hết các công nghệ vũ khí nội địa của Iran, lý lịch của Sadid-345 cũng không có gì nhiều, chỉ biết rằng nó có kích thước nhỏ để phù hợp với việc mang phóng trên UAV, tầm bay khoảng 6km, có thể tấn công chính xác mục tiêu với hệ thống dẫn đường thông minh.
Có thể nói, nếu chiến công này được xác nhận từ bên thứ 2 hay thứ 3 sẽ là một sự "đả kích" mạnh mẽ với không chỉ nhà sản xuất RQ-170 mà còn chính từ Quân đội Mỹ.
Là sản phẩm được coi là "sao chép" mà lại có thể làm được điều tốt hơn – tham gia chiến đấu cho thấy công nghiệp quốc phòng Iran rõ ràng là giỏi hơn Mỹ.
Dàn dựng hay sự thật là…
Tuy vậy, Washington xem ra cũng không phải quá lo lắng về việc sẽ "mất mặt" trước cuộc không kích bằng UAV của Iran. Bởi ngay sau đó, giới phân tích đã đưa ra một loạt các nghi vấn khó trả lời xoay quanh phi vụ không kích của UAV Saeqeh.
The Drive bình luận, rất khó để xác định liệu video này có phải được quay theo thời gian thực. Các nhà quan sát lưu ý rằng, hình ảnh trước đây Saeqeh mà Iran nói "đảo ngược thiết kế" từ chiếc RQ-170 dường như không hề có bộ phận cảm biến (thường tích hợp khí tài đo xa laser, camera TV).
Do vậy, tự thân Saeqeh "lấy gì để chỉ thị mục tiêu cho bom thông minh Sadid-345".
Bên cạnh đó, các hình ảnh từng công bố cho thấy Saeqeh lắp vũ khí bên ngoài, không phải là lắp vào trong thân máy bay. Thế mà tại sao trong đoạn video "bỗng dưng" lại hiện ra đâu một khoang bom?
Saeqeh xuất hiện lần đầu với bom treo ngoài, không có khoang trong thân?
Ngoài ra, hình ảnh chiếc máy bay trên không và khoảnh khắc thả bom thiếu độ rung, có cảm giác chiếc UAV như "đứng yên". Điều này càng làm tăng thêm nghi ngờ hình ảnh UAV Saeqeh không kích có thể được dàn dựng theo cách nào đó.
Thêm vào đó, Iran từ trước tới nay vẫn phụ thuộc nhiều với liên kết kiểm soát UAV trong tầm nhìn, phạm vi hoạt động giới hạn nội địa.
Vấn đề là Iran vốn không có chung đường biên giới với Syria, bắt buộc UAV sẽ bay qua lãnh thổ Iraq.
Do đó, giới phân tích cho rằng Tehran chưa có khả năng kiểm soát, điều khiển UAV ở cự ly xa tới như vậy. Đó là chưa kể, việc truyền tín hiệu điều khiển sẽ bị cản trở nhiều bởi địa hình đối núi chia cắt.
Tất nhiên, nếu phân tích theo hướng lạc quan, cũng có thể Iran đã phát triển thành công phiên bản Saeqeh hoàn thiện hơn với khoang bom trong thân, cảm biến chỉ thị mục tiêu nhưng không tiết lộ trên truyền thông.
Thật vậy, điều này hoàn toàn có thể xảy ra, Iran "đánh lạc hướng" cả thế giới bằng UAV "nhiều tật", âm thầm phát triển một mẫu hoàn hảo hơn và bất thình lình "giáng đòn sấm sét" vào đối thủ.
Cho nên, nếu thực sự phi vụ không kích mục tiêu khủng bố ở Syria bằng UAV Saeqeh là có thật thì đây là "những cái tát" dành cho Lockheed Martin ("cha đẻ" RQ-170), Không quân Mỹ và nhất là Cục tình báo TW Mỹ (CIA).